
Anh em chắc ai cũng biết về drama xoay quanh Apple Intelligence thời gian qua rồi. Những thông tin mới mình đọc từ Bloomberg, The Information và New York Times sẽ mở ra một bức tranh phức tạp hơn, bao gồm cả những hạn chế về phần cứng, xung đột trong đội ngũ và cả những quyết định của lãnh đạo cấp cao.
Apple Intelligence: Lời hứa và thực tế
Việc Apple không thể tung ra đầy đủ các tính năng AI như đã công bố tại WWDC năm ngoái là một điều khá hiếm hoi trong lịch sử của ho. Michael Gartenberg, một nhà phân tích công nghệ và từng làm việc tại Apple, nhận định: “Apple cần hiểu điều gì đã xảy ra, bởi vì chuyện này còn lớn hơn là việc chỉ sắp xếp lại vài thứ trên bàn giấy... Nếu có ví dụ nào về việc hứa hẹn quá nhiều và thực hiện quá ít, thì đó chính là Apple Intelligence.”
Sự chậm trễ này đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm Apple không cho người dùng được một sản phẩm/tính năng quan trọng mà họ đã giới thiệu trước công chúng, đặt ra dấu hỏi rất rất lớn về năng lực triển khai các công nghệ AI của Apple.
Sự mâu thuẫn trong việc đầu tư GPU
Câu chuyện bắt đầu từ đầu năm 2023. John Giannandrea, người đứng đầu mảng AI của Apple, đã đề xuất lên CEO Tim Cook về việc mua thêm chip xử lý đồ họa (GPU), thành phần cốt lõi để xây dựng và huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn. Nguồn tin nội bộ cho biết, vào thời điểm đó, hạ tầng trung tâm dữ liệu của Apple chỉ có khoảng 50.000 GPU, và hầu hết cũng đã hơn 5 năm tuổi. Con số này kém xa so với hàng trăm nghìn GPU mà các đối thủ như Microsoft, Google, Amazon hay Meta đang đầu tư.
Mặc dù Tim Cook được cho là đã chấp nhận kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách mua chip, nhưng Giám đốc Tài chính Luca Maestri đã cắt giảm mức tăng này xuống chưa đầy một nửa. Thay vào đó, ông Maestri khuyến khích đội ngũ tìm cách tối ưu hóa hiệu suất trên số GPU hiện có.
Việc thiếu hụt GPU trầm trọng đã dẫn đến hệ lụy trực tiếp. Đội ngũ phát triển AI của Apple phải thương lượng để có được sức mạnh tính toán từ các nhà cung cấp bên ngoài, thậm chí là từ các đối thủ như Google và Amazon. Do chip Nvidia khan hiếm, Apple đôi khi phải sử dụng cả chip TPU (Tensor Processing Unit) do Google sản xuất cho một số công đoạn phát triển AI của mình.
Xung đột nội bộ và sự ra đi của nhân tài
Song song với vấn đề phần cứng là những bất đồng trong nội bộ đội ngũ phần mềm. Nhiều nguồn tin cho biết đã có sự tranh giành việc triển khai các tính năng mới của Siri giữa Robby Walker (phụ trách Siri) và Sebastien Marineau-Mes (một quản lý cấp cao khác trong nhóm phần mềm). Cuối cùng, dự án bị chia nhỏ và cả hai đều phụ trách một phần, dẫn đến sự thiếu đồng bộ.
Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh Apple đã chứng kiến sự ra đi của nhiều nhân vật chủ chốt. Năm 2019, nhà thiết kế tuyệt cà là vời Jony Ive rời đi và kéo theo nhiều nhà thiết kế, kỹ sư quan trọng khsác. Năm ngoái, Dan Riccio, người lead lâu năm về thiết kế sản phẩm và có công lớn với Apple Watch, cũng đã nghỉ hưu.
Sự thay đổi này để lại một đội ngũ lãnh đạo với ít kinh nghiệm phát triển sản phẩm thực tế hơn. Giannandrea dù đến từ Google nhưng cũng chưa từng đảm nhiệm việc ra mắt một sản phẩm có nhiều sự chú ý như Siri AI. Tương tự, Craig Federighi, người phụ trách phần mềm, cũng chưa có kinh nghiệm tạo ra một hệ điều hành hoàn toàn mới như một số người tiền nhiệm.
Các nguồn tin thân cận khác cũng chỉ ra rằng CEO Tim Cook, với nền tảng về vận hành, thường tỏ ra ngần ngại trong việc đưa ra định hướng rõ ràng và trực tiếp về khâu phát triển sản phẩm. Nhà phân tích Benedict Evans gọi đây là "sự đổ vỡ rõ ràng về lãnh đạo, giao tiếp và quy trình nội bộ."
Tương lai nào cho Siri và Apple Intelligence?
Dù đối mặt với nhiều thách thức, Apple chưa hủy bỏ kế hoạch nâng cấp Siri. Họ dự kiến sẽ phát hành phiên bản trợ lý ảo mới vào WWDC tới, với khả năng thực hiện các tác vụ có tính người hơn, tự nhiên hơn và khôn hơn.
Một số lãnh đạo Apple được cho là không quá lo lắng về sự chậm trễ này, vì họ tin rằng các đối thủ như Google hay Meta cũng chưa thực sự làm chủ hoàn toàn cuộc chơi AI. Họ cho rằng Apple vẫn còn thời gian để làm mọi thứ đúng đắn.
Tuy nhiên, áp lực đang ngày càng gia tăng. Từ tháng trước cho tới nay, Apple đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện tập thể tại Mỹ, cáo buộc họ quảng cáo sai sự thật về khả năng của Siri hiện tại. Kể từ đó, các quảng cáo về Siri cũng đã bị xoá và cũng không thấy họ nói về con Siri cá nhân hoá đó nữa.
Rõ ràng, Apple đang đứng trước một giai đoạn quan trọng. Việc khắc phục những vấn đề nội bộ và hoàn thiện Apple Intelligence, đặc biệt là Siri, sẽ là yếu tố phải được đặt lên hàng đầu nếu họ không muốn bị tuột lại phía sau. Mình là người rất thích xài đồ Apple hay có thể gọi là iFan gì đó như anh em hay cmt, nhưng hiện tại cũng hơi nản, hy vọng họ làm cái gì đó để mình có lại cảm giác của những thời iPhone 5, 6, X,…