
Sau gần một đời người lao động vất vả, nhiều người cũng sẽ phải nghỉ hưu, nghĩa là không lên công ty nữa mà ở nhà không làm gì hết, hoặc là làm việc ít lại so với khi chưa nghỉ hưu. Nhưng điều này cũng có thể gây ra những thay đổi lớn về sức khỏe não bộ, trong đó có suy giảm nhận thức và trầm cảm.
Điều này có lẽ không cần nghỉ hưu mới cảm nhận được. Chỉ cần anh em nghỉ lễ dài ngày, không đến công ty làm việc chung với mọi người là trong người cảm thấy bí bách, khó chịu rồi. Trong khi đi làm, chúng ta không chỉ dùng đầu óc để giải quyết công việc mà còn giao lưu với anh em trong công ty, hóng “drama” phòng này phòng kia. Khi nghỉ hưu rồi thì những thói quen này ít lại hoặc không còn nữa, phụ thuộc vào số lượng mối quan hệ xã hội bên ngoài công việc mà chúng ta có. Đây cũng chính là lúc mà cơ thể và não bộ bắt đầu thích nghi với hoàn cảnh mới khi chúng tự nói với nhau là “Chắc người ta không cần đến mình nữa.” Sau nghỉ hưu một thời gian, chúng ta thấy rõ sự đi xuống về chất lượng hoạt động của não bộ, và đây là một phản ứng hết sức tự nhiên của cơ thể vì cái gì không hoạt động thì nó sẽ dần dần bớt nhạy.
Nhưng nghỉ hưu cũng là một cơ hội để cải thiện nhận thức và sức khỏe tinh thần. Đi làm áp lực quá làm cho chúng ta stress, hay còn gọi là “sống nay trét mai”. Giờ nghỉ hưu rồi, anh em sẽ không còn chịu áp lực như khi đi làm nữa, mà có nhiều thời gian hơn tập trung vào các mối quan hệ xã hội hoặc gia đình mà tưởng như chúng ta đã bỏ quên trong thời gian đi làm. Hay anh em cũng có thể học một kỹ năng mới hoặc theo đuổi một sở thích mới, chẳng hạn như đàn ca, nuôi chim, cá cảnh,...
Sau đây là một vài bằng chứng khoa học. Một phân tích trên hơn 8.000 người đã nghỉ hưu ở châu Âu cho thấy trí nhớ bằng lời nói (khả năng nhớ lại một tập hợp các từ sau một khoảng thời gian nhất định) thường suy giảm nhanh hơn sau khi nghỉ hưu, so với khi còn đi làm. Một cuộc khảo sát khác được tiến hành ở Anh cho thấy trí nhớ bằng lời nói suy giảm mạnh sau khi nghỉ hưu, mặc dù các kỹ năng khác, như lý luận trừu tượng, không bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ giữa việc nghỉ hưu và bệnh trầm cảm. Đột nhiên chuyển từ cuộc sống công việc bận rộn và nhiều drama sang tình cảnh không còn một ai bên cạnh có thể làm trầm trọng thêm cảm giác vô giá trị (cảm giác như mình là người thừa), chán nản, buồn bã và mất trí nhớ.
Bản chất công việc và cách một người nhìn nhận công việc đó cũng ảnh hưởng đến nguy cơ sức khỏe não bộ. Ví dụ, những người làm việc ở các công việc cấp cao hơn có thể có sự suy giảm mạnh hơn những người khác, có thể là do họ làm việc dưới áp lực nhiều hơn. Những người ngừng làm việc sớm hơn so với độ tuổi nghỉ hưu có mức suy giảm ít hơn những người ngừng làm việc muộn hơn. Điều đó có thể là do những người nghỉ hưu sớm hơn có thể không có những công việc đòi hỏi nhiều về mặt tinh thần, làm cho sự suy giảm này đến từ từ hơn sau khi nghỉ hưu.
Và cuối cùng, phụ nữ ít có khả năng bị suy giảm tinh thần hoặc nhận thức nghiêm trọng hơn, là do họ thích giao lưu với hội chị em bạn dì hơn và dành thời gian cho gia đình sau khi nghỉ hưu hơn nam giới.
Làm gì bây giờ?
Vậy thì chúng ta cần làm gì? Đừng đợi đến khi chính thức nghỉ hưu rồi mới lập kế hoạch nghỉ hưu. Lý tưởng nhất là nên có đam mê hay thói quen mới trong vài năm trước khi ngừng làm việc. Ngay cả khi không bắt đầu ngay lập tức, anh em cũng nên lập kế hoạch trước. Lập kế hoạch càng trễ thì khả năng thực hiện càng thấp. Mục tiêu là "chuyển từ kiểu sống thường ngày này sang kiểu sống thường ngày khác".
Tìm kiếm lẽ sống mới. Mọi người cảm thấy mục đích sống của họ là đóng góp thông qua công việc, và khi mục đích đó bị tước mất, họ phải sáng tạo ra thứ gì đó khác để thay thế. Những người có mục đích sống có xu hướng ít bị suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác hơn. Những người thường xuyên làm tình nguyện khi nghỉ hưu có tốc độ lão hóa sinh học chậm hơn và họ có thể ngăn chặn tình trạng suy giảm nhận thức bằng cách duy trì hoạt động và sự gắn kết.
Giao lưu đều đặn. Mọi người thường mất đi các mối quan hệ xã hội khi nghỉ hưu. Khi số lượng các mối quan hệ xã hội giảm đi, thì nhận thức cũng giảm đi. Do đó, lời khuyên là những người về hưu nên dần thay thế việc gặp đồng nghiệp bằng các cuộc gặp khác với những người bạn mới quen hoặc nói chuyện online cũng được. Nhưng không phải tất cả các hoạt động giao lưu đều như nhau. Các hoạt động tốt nhất là những hoạt động kích thích trí óc và có những cuộc nói chuyện có ý nghĩa với người khác.
Hãy thử những điều mới mẻ. Làm điều gì đó sáng tạo và mới lạ có thể mang lại cảm giác có mục đích và giúp não bộ nhanh nhẹn, chẳng hạn như học chơi nhạc cụ hoặc nấu ăn. Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng đối với sức khỏe não bộ khi già đi, vì vậy anh em cũng có thể cân nhắc thử một môn thể dục mới.
Anh em đã có kế hoạch gì cho việc nghỉ hưu chưa?