Giữa lúc cả thế giới đi mua CMOS của Sony, Canon khẳng định vẫn sẽ tự thiết kế cảm biến máy ảnh

Nghiên cứu và phát triển cảm biến chụp hình CMOS nổi tiếng là tốn kém, đó là lý do tại sao nhiều nhà sản xuất lại chọn hợp tác với các công ty chuyên sản xuất cảm biến như Sony Semiconductor (Sony SSG) thay vì tự phát triển và sản xuất cảm biến.
Giờ, từ iPhone của Apple, rồi Fujifilm, Nikon, hay thậm chí cả Hasselblad và có thể là cả Leica đều đang dùng cảm biến CMOS của Sony, hoặc mua trang bị luôn, hoặc đặt hàng Sony SSG gia công cảm biến theo thiết kế riêng của các hãng. Lấy ví dụ:
- Fujifilm đặt hàng Sony gia công cảm biến X-Trans với lưới lọc màu rất khác bộ lọc Bayer quen thuộc.
- Nikon thì thiết kế lớp phụ của cảm biến trên Z9 rồi nhờ Sony SSG gia công, chồng lớp photodiode do Sony phát triển lên trên để tạo ra cảm biến 45.4 megapixel.
- Hasselblad thì dùng cảm biến medium format 44x33mm 100 megapixel do Sony sản xuất, trang bị trên chiếc X2D.
- Còn anh em trên mạng xã hội thì đồn đoán, kể từ thế hệ máy ảnh M11, Leica cũng đã mua cảm biến của Sony chứ không còn hợp tác phát triển cảm biến với CMOSIS và STMicroelectronics như thế hệ M10 nữa.
- Còn trên thị trường smartphone, máy ảnh điện thoại là cuộc chơi của IMX từ Sony và Isocell của Samsung.
Canon là một trong số rất ít những ngoại lệ, và theo lời của ban lãnh đạo tập đoàn Nhật Bản, họ sẽ tiếp tục duy trì điều này.
Trong cuộc trò chuyện với PetaPixel tại triển lãm CP+, tổ chức tại Yokohama, Nhật Bản vào tháng 2 vừa rồi, đội ngũ quản lý cấp cao của Canon đã bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển cảm biến hình ảnh in-house. Ông Go Tokura, Phó Chủ tịch điều hành và giám đốc mảng Nhiếp ảnh của Canon chia sẻ: “Anh nói đúng, việc phát triển cảm biến đòi hỏi khoản đầu tư rất lớn, nhưng Canon sẽ tiếp tục đi theo hướng hiện tại, đó là tiếp tục đầu tư vào R&D cảm biến in-house để sử dụng cho các máy ảnh của chúng tôi."
“Chúng tôi thực sự muốn duy trì chiến lược tự phát triển cảm biến in-house, vì nó rất quan trọng để tiếp tục tạo ra sự khác biệt, ví dụ như khả năng lấy nét tự động chéo chất lượng cao, ứng dụng trong chiếc máy R1.”
Ở thời điểm hiện tại, với a9 III, Sony là nhà sản xuất duy nhất tung ra máy ảnh dành cho người tiêu dùng được trang bị cảm biến global shutter (màn trập điện tử toàn phần, khác với màn trập điện tử tuần tự - rolling electronic shutter), Canon đã có nhiều cảm biến global shutter được thương mại hóa, đều là những cảm biến ghi hình phục vụ môi trường công nghiệp và nghiên cứu khoa học.
Câu hỏi đặt ra là liệu Canon có đang xem xét thương mại hóa công nghệ global shutter, đưa công nghệ này vào các máy ảnh mirrorless ngàm RF dành cho người tiêu dùng nói chung hay không:
“Chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của cảm biến global shutter, nhưng đồng thời chúng tôi cũng quen thuộc với những thách thức đi kèm. Ví dụ như vấn đề về dải động (dynamic range), chúng tôi nhận thức được và sẽ tiếp tục cải thiện những vấn đề này trong quá trình phát triển nội bộ các cảm biến,” ông Tokura nói.
Ông Tokura cũng có đề cập đến sự suy giảm đáng kể hiệu suất chụp trong môi trường thiếu sáng, và hiệu năng tương phản động kém của cảm biến Exmor RS phiên bản mới, trang bị trên Sony a9 III. Dựa trên những chia sẻ của phó chủ tịch Canon, có vẻ như họ không tin rằng những lợi ích của cảm biến global shutter xứng đáng với những đánh đổi đó, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Ở khía cạnh gần như trái ngược hoàn toàn, là các cảm biến độ phân giải rất cao, từ 50 đến 100 megapixel. Mặc dù Canon sẽ không sản xuất một phiên bản flagship EOS R1 với cảm biến độ phân giải cao (45 đến 50 MP), nhưng đội ngũ phát triển cảm biến của họ đã tạo ra nhiều cảm biến có độ phân giải vượt xa những gì hiện có trên các máy ảnh dành cho người tiêu dùng.
Ví dụ, họ đã công bố một cảm biến định dạng 35mm mới với độ phân giải lên đến 410 megapixel vào tháng 1 vừa rồi:
Đây là cảm biến 410 megapixel của Canon, kích thước full frame 35mm, ghi hình độ phân giải 24K
“Chúng tôi cũng đang phát triển các cảm biến cho máy ảnh mirrorless đa năng và sẽ tiếp tục phát triển công nghệ theo cách có thể chia sẻ trên nhiều lĩnh vực. Chúng tôi chưa thể chia sẻ bất kỳ kế hoạch sản phẩm cụ thể nào với bạn vào lúc này, nhưng chúng tôi chắc chắn muốn tận dụng khả năng của cảm biến 410 megapixel và tiếp tục khám phá cách sử dụng nó trong các sản phẩm máy ảnh để in ấn được ở khổ lớn hơn, và độ phân giải tốt hơn. Chúng tôi cũng muốn cải thiện tốc độ khung hình, độ nhạy sáng và tỷ lệ tín hiệu hình ảnh so với noise. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu những sản phẩm nào có thể ứng dụng được những tính năng này.”
Trên mạng xã hội, quan điểm cho rằng, Canon đang gặp khó khăn với các cảm biến độ phân giải cao vì công ty chưa từng sản xuất máy ảnh dành cho người tiêu dùng nào có độ phân giải trên 50 megapixel. Phủ nhận quan điểm này, ông Tokura nói:
“Nếu chúng tôi chỉ đơn giản phát triển một chiếc máy ảnh độ phân giải cao, điều đó là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, nếu chúng tôi cố gắng phát triển một chiếc máy ảnh 100 megapixel bằng công nghệ hiện tại, tôi tin rằng chúng ta sẽ phải hy sinh nhiều yếu tố hiệu suất khác, chẳng hạn như hiệu suất chụp thiếu sáng, tốc độ chụp liên tục, méo hình khi chụp và quay với màn trập rolling shutter, tốc độ truyền hình ảnh và thời gian quay video.
Nếu chúng ta không muốn thỏa hiệp với những nhược điểm ấy, giá máy ảnh sẽ tăng vọt, và xét đến các biện pháp tản nhiệt và các yếu tố khác, nó có thể không tạo ra được một chiếc máy với công năng cho phép mọi người cầm chụp một cách thoải mái. Công nghệ cảm biến độ phân giải cao tồn tại, và chúng tôi đang sở hữu nó, nhưng thách thức nằm ở việc thương mại hóa một sản phẩm khả thi. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn quá sớm. Nhưng tôi nghĩ một ngày nào đó chắc chắn chúng ta sẽ làm được điều đó vì bản thân tôi cũng mong đợi điều đó.”