Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Pháp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện
08/10/2024 11:14
Việt Nam - Pháp cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực và sẽ xây dựng kế hoạch hành động trong thời gian sớm nhất nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chung trong khuôn khổ quan hệ mới.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện, nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (6-7/10/2024).
Theo Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ, hai nước cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi bên.
Trên bình diện song phương, hai bên cam kết duy trì trao đổi và tiếp xúc cấp cao thông qua tất cả các kênh giữa chính quyền Pháp với Đảng Cộng sản, Chính phủ, Quốc hội và chính quyền địa phương Việt Nam; nâng cấp, nâng cao hiệu quả và mở rộng các cơ chế hợp tác song phương. Hai bên cam kết tăng cường tham vấn và phối hợp tại các diễn đàn khu vực, đặc biệt là ASEAN, và quốc tế, trong đó có Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.
Pháp và Việt Nam tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông cũng như cam kết đối với việc tôn trọng đầy đủ Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về luật biển. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine, phù hợp với luật pháp quốc tế và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia.
Theo đó, bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự leo thang đáng lo ngại của tình hình Trung Đông, kêu gọi tất cả các bên liên quan giảm leo thang và hết sức kiềm chế. Đồng thời, hai bên kêu gọi ngừng bắn tại Li-băng nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao phù hợp với Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việt Nam và Pháp cam kết phát triển quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng nhằm tăng cường năng lực tự cường, phù hợp với nhu cầu của mỗi bên.
Đồng thời, hai bên mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chia sẻ ký ức sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quân đội Pháp nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự của Pháp cập cảng Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước.
Hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác và đào tạo trong lĩnh vực an ninh, chống nhập cư bất hợp pháp và buôn bán người. Hai bên cam kết tăng cường trao đổi thông tin trong hoạt động chống tội phạm. Đồng thời, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong bảo vệ người dân và tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Hai bên tái khẳng định quyết tâm chung thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trụ cột của quan hệ song phương, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Việt Nam mong muốn Pháp sớm thông qua EVIPA.
Bên cạnh đó, hai bên mong muốn phát triển và làm sâu sắc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ mới, đặc biệt thông qua các trao đổi về chính sách công và hoạt động đào tạo.
Trước các thách thức do biến đổi khí hậu, hai bên tái khẳng định quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris 2015. Hai bên tái khẳng định cam kết hướng tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, trong khuôn khổ Đồng thuận Paris vì Con người và Hành tinh (Đồng thuận 4P).
Theo Tuyên bố chung, Việt Nam ghi nhận và ủng hộ sáng kiến CTA - Coal Transition Accelerator - nhằm phát triển các giải pháp để thúc đẩy thay thế nguồn năng lượng từ than đá. Pháp sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn lãnh thổ, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.
Hai bên công nhận vai trò thiết yếu của đại dương đối với hành tinh và khí hậu và cam kết làm sâu sắc hơn các trao đổi về chủ đề này trong khuôn khổ đối thoại hợp tác về biển, đặc biệt để bảo đảm thành công của Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3, sẽ được tổ chức tại thành phố Nice vào tháng 6/2025. Trên tinh thần đó, hai bên duy trì và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thủy hải sản bền vững, trên cơ sở các quy định hiện hành của quốc tế và EU.
Hai bên cũng cam kết thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước, tạo thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có di sản, thể thao, trao đổi giáo viên, sinh viên và nhà khoa học, cũng như cho giảng dạy tiếng Việt và tiếng Pháp.
Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực y tế, tư pháp, quản trị và nông nghiệp và vui mừng nhận thấy hợp tác giữa các địa phương không ngừng được củng cố.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp ngày 6-7/10, theo lời mời của Tổng thống Macron. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Pháp sau 22 năm. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2013.
Đã không có cú sốc nào xảy ra tại Việt Trì. Đội tuyển Việt Nam đã giải quyết nhanh gọn trận lượt về với thêm một chiến thắng trước Singapore để thiết lập nên nhiều cột mố...
Giá vé máy nhiều chặng từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao ngất ngưởng, thậm chí "cháy vé" ở hạng phổ thông khiến nhiều n...
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các hoạt động đối ngoại trong năm qua được triển khai chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo nên...