Theo Nghị định 119/2024/NĐ-CP (quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ), Tài khoản giao thông là tài khoản mở cho chủ phương tiện giao thông đường bộ và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng.
Thông tin tài khoản giao thông
Theo Nghị định 119/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, thông tin tài khoản giao thông gồm:
- Số tài khoản giao thông, ngày mở tài khoản giao thông.
- Thông tin chủ tài khoản giao thông (trường hợp chủ tài khoản là cá nhân): Họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; địa chỉ liên lạc; số định danh cá nhân; số điện thoại đăng ký; email đăng ký.
- Thông tin chủ tài khoản giao thông (trường hợp chủ tài khoản là tổ chức): Tên tổ chức; quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ liên lạc; số điện thoại đăng ký; email đăng ký.
- Thông tin phương tiện gắn thẻ đầu cuối: Biển số xe, số khung, số máy, tải trọng, số chỗ ngồi, loại xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng minh xe ưu tiên (nếu có).
- Thông tin thẻ đầu cuối: Mã định danh thẻ đầu cuối (TID); mã sản phẩm điện tử của thẻ đầu cuối (EPC); ngày, tháng, năm gắn thẻ đầu cuối.
- Thông tin phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt: Loại phương tiện thanh toán; số phương tiện thanh toán; đơn vị cung ứng phương tiện thanh toán.
Theo Bộ GTVT, thực hiện Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thu phí điện tử không dừng đã được triển khai có hiệu quả tại các trạm thu phí trong cả nước.
96% tổng số lượng phương tiện trên cả nước dán thẻ, mở tài khoản thu phí tham gia dịch vụ. Từ khi triển khai đến nay đã có trên 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Tuy vậy, hệ thống thu phí điện tử không dừng mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí đường bộ nên chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản thu phí và hiệu quả đầu tư của hệ thống.
Khẳng định việc ứng dụng giao thông thông minh đang là xu thế, Bộ GTVT cho biết, nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đã đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng đã đầu tư như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định.
Khi đó, người dân, chủ phương tiện chỉ cần sử dụng duy nhất một tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ qua đó tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chủ phương tiện giao thông, tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, Quyết định 19 chỉ cho phép tài khoản thu phí chỉ cho phép thanh toán dịch vụ thu phí đường bộ tại các trạm thu phí đường bộ, không hướng dẫn thanh toán cho các loại dịch vụ khác.
Thêm nữa, việc thanh toán phí sử dụng đường bộ qua tài khoản thu phí là một loại dịch vụ thanh toán điện tử đặc thù chỉ phục vụ thu phí đường bộ nên không thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng nhà nước. Trường hợp mở rộng dịch vụ thanh toán cần thiết phải có tham gia quản lý của Ngân hàng nhà nước tương tự như các hình thức thanh toán điện tử khác.
Từ phân tích trên, Bộ GTVT khẳng định, việc xây dựng và ban hành nghị định quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ là cần thiết.
Dẫn quy định tại Luật Đường bộ về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ GTVT cho biết, đây là hình thức thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.
Quy định mở rộng dịch vụ thanh toán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện khi thanh toán các dịch vụ liên quan đến hoạt động của phương tiện là một trong những điểm mới nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua.