Trung Quốc công bố một số cột mốc cho sứ mệnh không gian đầy tham vọng nhằm vượt mặt Hoa Kỳ

Vừa qua, Trung Quốc đã công bố những kế hoạch rất tham vọng về việc thám hiểm vũ trụ, thể hiện khao khát trở thành một cường quốc không gian mới và xa hơn là vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực này.
Kế hoạch không gian đầy tham vọng
Các kế hoạch đầy tham vọng này được thực hiện bởi “Phòng thí nghiệm Thám hiểm Không gian Sâu” (Deep Space Exploration Laboratory), được thành lập hợp tác giữa Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Tổ chức nghiên cứu này được thành lập cách đây ba năm với mục đích củng cố các chiến lược khám phá Hệ Mặt Trời, tập trung vào các sứ mạng bao gồm cả robot tự hành lẫn con người. Mới đây, các cột mốc chi tiết của kế hoạch này đã được công bố bao gồm:
- 2028: Tianwen-3 - Một sứ mệnh thu thập đất và đá từ sao Hỏa để mang về Trái Đất.
- 2029: Tianwen-4 - Khám phá sao Mộc và mặt trăng Callisto của nó.
- 2030: Phát triển một cơ sở lớn trên mặt đất để mô phỏng các chuyến bay dài hạn của con người vào không gian
- 2033: Sứ mệnh sao Kim - Thu thập mẫu khí quyển từ sao Kim.
- 2038: Trạm nghiên cứu sao Hỏa - Thiết lập một trạm tự động để khai thác tài nguyên tại chỗ.
- 2039: Sứ mệnh Triton - Gửi một tàu thăm dò đến mặt trăng Triton của sao Hải Vương để khám phá đại dương dưới bề mặt.
Mô phỏng sứ mạng Tianwen-1 trên Sao Hoả
Thách thức và khát vọng:
Các kế hoạch này nghe có vẻ viển vông và trên thực tế thì chỉ có hai sứ mạng đầu tiên được chính phủ Trung Quốc chính thức phê duyệt. Tuy nhiên, những sứ mạng này cũng sẽ có những thách thức rất lớn, hay có thể gọi là phi thực tế. Một ví dụ cụ thể là sứ mạng năm 2039 với việc nghiên cứu mặt trăng Triton. Trên thực tế thì chưa ai biết lớp băng trên Triton dày bao nhiêu, và việc thiết kế một thiết bị thăm dò có thể xuyên qua lớp băng đó để đến được đại dương bên dưới là một thách thức vô cùng lớn.
Ngoài ra, kế hoạch đầy tham vọng này cũng cho thấy Trung Quốc đang lên khao khát trở thành một cường quốc không gian, bên cạnh NASA của Mỹ. Phạm vi của những sứ mạng này cho thấy một kế hoạch thực hiện chương trình khám phá Sao Hoả và xa hơn nữa. Đây cơ bản vốn là mục tiêu gần như chỉ thuộc về NASA.
Bức ảnh selfie được tàu thám hiểm Zhurong và bệ đáp Tianwen-1 của Trung Quốc thực hiện trên sao Hỏa vào năm 2021.
Trên thực tế, việc lập ra một kế hoạch đầy tham vọng như vậy không phải là không có cơ sở. Trung Quốc cũng đã đạt được một số thành công nhất định. Chương trình thăm dò Mặt Trăng của họ được lên kế hoạch từ năm 2007, đã thành công trong việc mang về những mẫu vật từ phía xa của Mặt Trăng vào năm ngoái. Hay sứ mệnh Tianwen-1 đến Sao Hoả, được phóng vào năm 2020 cũng đã thành công trong việc hạ cánh xuống Sao Hoả, hoạt động trong một khoảng thời gian dài. Điều đặc biệt là sứ mạng này không chỉ gửi một vệ tinh, mà còn gửi cả tàu đổ bộ, xe tự hành nhỏ để hoạt động trong vòng một năm. Ngoài Mỹ, chưa có bất kì quốc gia nào thành công trong việc này cho đến khi Trung Quốc tham gia.
Kế hoạch không gian đầy tham vọng này cũng cho thấy khao khát của Trung Quốc trong việc thể hiện sức mạnh mềm, nhất là trong bối cảnh NASA gặp nhiều khó khăn trong các sứ mạng của mình và nguy cơ bị cắt giảm ngân sách từ chính quyền tổng thống Donald Trump. Nếu vượt mặt Hoa Kỳ, Trung Quốc có thể nâng cao vị thế toàn cầu, đồng thời thể hiện rằng họ là đối tác đáng tin cậy và tiềm năng. Tuy nhiên, chỉ cần một thất bại, nó có thể ảnh hưởng tới niềm tin của lãnh đạo Trung Quốc khi nguồn tài trợ cho các dự án này sẽ rất lớn, với những thách thức kỹ thuật cực kì cao, điều mà chắc chắn Trung Quốc sẽ phải đối mặt.