Từ nút camera trên iPhone 16 nhìn lại sự thất bại liên tiếp của Apple trong thiết kế sản phẩm
Mình là người kỳ vọng rất nhiều vào nút camera control trên Apple sẽ giúp việc chụp hình trở nên dễ dàng, nhanh gọn hơn nhưng thực tế dùng nó lại không như vậy khi mà từ vị trí đặt đến thiết kế cách chụp đều quá khó để thao tác. Mời anh em đọc thêm bài:
Nói không ngoa thì cái nút camera này là đỉnh cao sự “làm màu” của Apple trong một chuỗi những sản phẩm làm màu gần đây của hãng như:
1. Ốp lưng Finewoven: thứ vật liệu tệ nhất mà Apple từng sản xuất
Finewoven là một loại vật liệu thế hệ mới do Apple nghiên cứu sản xuất mà theo lời giới thiệu của hãng nó sẽ giúp thay thế các ốp lưng da với trải nghiệm sử dụng, cầm nắm mềm mịn, bền chắc mà lại thân thiện với môi trường. Nhưng thực tế thì đây là loại vật liệu có độ bền bề mặt kém nhất mà Apple từng sản xuất khi mà nó cực kỳ dễ để lại các tì vết không thể khôi phục trên bề mặt chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng với những va chạm đời thường. Đó là chưa nói đến phần thành ốp quá mỏng và các lỗ cắt thì không đều nhau khiến cho không ít người dùng thất vọng chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.
Khi sự việc trở nên nghiêm trọng Apple đã phải đào tạo cho nhân viên bán hàng trực tiếp tại cửa hàng bộ câu hỏi để giải đáp cho khách về sự kém bền của loại vật liệu này. Chưa đầy 9 tháng sau khi được giới thiệu thì toàn bộ sản phẩm này bị rút khỏi hệ thống bán lẻ trực tiếp của Amazon, Bestbuy, Costco… chỉ còn bán trực tuyến và người dùng cũng được khuyến cáo về sự kém bền của sản phẩm trước khi mua bằng dòng chữ “sản phẩm thường xuyên bị trả lại”. Và rồi điều gì đến cũng phải đến khi mà ốp lưng vật liệu Finewoven chính thức được rút khỏi toàn bộ khỏi trang chủ Apple kết thúc sứ mệnh tuy ngắn ngủi nhưng cay đắng.
2. Action button trên iPhone: bánh vẽ rất ngon
Kể từ iPhone 15 Pro/Pro Max Apple đã quyết định hoán cải nút gạt Rung/Chuông thành một nút bấm và cho phép người dùng gán hàng chục tính năng khác nhau vào đó để giúp truy cập nhanh. Bức tranh mà Apple vẽ ra cho người dùng lúc giới thiệu sản phẩm là rất đẹp nhưng rồi thời gian trôi qua số lần thực tế mà người dùng nhớ đến và sử dụng cái nút đó cho những tính năng mới gán về sau này không biết được bao nhiêu lần ?
3. Apple Vision Pro: Món đồ không dành cho mọi người
Mình không có số liệu bán chính thức của Apple Vision Pro để có thể khẳng định nó thành công hay thất bại về mặt thương mại nhưng mình chưa từng chứng kiến một sản phẩm top-of-the-line nào của Apple trôi vào quên lãng nhanh như Apple Vision Pro hay cũng chưa từng chứng kiến sản phẩm nào của Apple làm nhiều anh em thương lái ôm hàng cay đắng như vậy. Tổng hợp một vài lý do khiến Apple Vision Pro trôi vào quên lãng:
- Nó là một cái kính thực tế tăng cường với đầy công nghệ tiên tiến đi trước thời đại nhưng nó lại không giải quyết một vấn đề cụ thể nào của người dùng phổ thông hiện nay, làm việc cũng không hẳn mà giải trí thì… quá đắt.
- Thiết kế cồng kềnh, pin rời, dây lòng thòng
- Hạn chế đối với người có bệnh về mắt, muốn dùng thêm 300$.
- Giá thành quá cao, 3.500$.
- Quá nhiều rào cản nên tốc độ phát triển các ứng dụng dành cho Vision Pro sẽ chậm và bị hạn chế về nhiều mặt.
4. Apple Solo Knit Band: khi mà “quả táo không muốn rơi xuống đất”
Trong tất cả các hình ảnh và video giới thiệu chiếc kính tăng cường đầy công nghệ của mình, Apple đã dùng một thiết kế đai đeo đầu hoàn toàn mới có tên là Solo Knit Band mà theo lời của hãng nó giúp người dùng đeo một cách thoải mái mà không ảnh hưởng đến kiểu tóc của họ. Các hình ảnh này giúp cho thiết bị đeo của Apple trở nên sang trọng và lung linh hơn rất nhiều so với các đai đeo đầu khác.
Và rồi khi những chiếc kính tới tay người dùng thì hàng loạt phản hồi trả về là cái đai đeo này không thể dùng trong thời gian dài được khi mà cái kính thì quá nặng còn đai Solo Knit Band thì không đủ điểm tựa để giữ được kính trên mặt người dùng. Người dùng muốn đeo chắc chắn thì buộc phải xiết chặt Solo Knit Band, khi này kính sẽ tì vào hốc mắt và dây đai sẽ hằn vào đầu, hậu quả là chỉ sau một thời gian ngắn đeo thì người dùng sẽ bị khó chịu, rõ ràng Solo Knit Band không thể chống lại được trọng lực của trái đất.
Đỉnh điểm của sự thất bại này là Apple phải thay các đai đầu của Apple Vision Pro tại cửa hàng sang loại Dual Loop Band, là loại truyền thống có dây choàng qua đầu để giúp người dùng khi đeo kính Vision Pro được phân bổ lực đều hơn giúp thoải mái hơn để tập trung trải nghiệm nội dung.
5. Dynamic Island: chiến thần phân tâm, bà hoàng gây bấm nhầm chuyển app
Một chiếc bánh vẽ khác nữa của Apple đó là hòn đảo động Dynamic Island. Cái khu vực nhỏ mà rối này của Apple cũng được hứa hẹn chứa đựng nhiều thông tin hữu ích cho người dùng. Nhưng thời gian trôi qua nó chỉ là một khu vực nhỏ xíu hiển thị những thứ nhỏ xíu, không hiệu quả cũng không mang tính trang trí mà còn gây phân tâm hoặc tệ hơn là gây chuyển app không mong muốn trong quá trình sử dụng điện thoại.
6. Apple Watch Ultra: một thiết kế lạc lõng
Apple Watch Ultra có thiết kế không xấu nếu đặt cạnh Samsung Galaxy Watch Ultra nhưng nó rất xấu khi đặt cạnh những sản phẩm khác trong đại gia đình Apple. Apple Watch Ultra có các cạnh, các góc, các khu vực bị chia cắt và phân mảnh khiến nó trông rất “nửa nạc, nửa mỡ” chứ không liền lạc, mượt mà như các sản phẩm khác nói chung hay các Apple Watch thường nói riêng.
Một lần nữa mình cũng không đủ dữ liệu doanh số bán Apple Watch Ultra để có thể khẳng định việc thành công hay thất bại của model này nhưng mình tin rằng lợi thế khiến người dùng mua Apple Watch Ultra chính là thời lượng pin dài hơn chứ không phải thiết kế hầm hố, dị biệt của nó.
Và nhiều sản phẩm khác đã lặng lẽ đi vào dĩ vãng như: Touch bar; 3D Touch; Butterfly keyboard…