Lừa đảo "làm nhiệm vụ kiếm tiền" cũng có bên Mỹ, FTC nói nửa đầu 2024, dân Mỹ bị lừa 220 triệu USD
Chiêu trò lừa đảo làm nhiệm vụ online để kiếm tiền thật, khiến biết bao nhiêu người, phần lớn là những người nhẹ dạ, những người thất nghiệp hoặc người cao tuổi, hưu trí ở Việt Nam bị lừa đảo những khoản tiền lớn đã không còn gì xa lạ, đã xuất hiện được khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây. Nhưng điều bất ngờ là bên Mỹ cũng có “làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng”.
Bằng chứng là mới đây, Ủy ban thương mại Liên bang đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng lừa đảo trực tuyến này. Theo các quan chức chính phủ Mỹ, thay vì cố gắng lấy cắp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản, số thẻ tín dụng như phổ biến, thì bọn tội phạm sử dụng những chiêu bắt mọi người phải tương tác và “làm việc”.
Năm 2020, FTC chưa ghi nhận vụ lừa đảo “làm nhiệm vụ kiếm hoa hồng” nào ở Mỹ. Nhưng đến năm 2023, số vụ việc được ghi nhận là 5 nghìn vụ. Năm nay, ước tính số vụ lừa đảo theo kiểu này sẽ tăng gấp 4 lần, 20 nghìn vụ.
Không chỉ dừng ở việc chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa đảo giao nhiệm vụ nhận tiền, FTC cũng ghi nhận những trường hợp lừa đảo như thế này đang có chiều hướng nhắm vào ví tiền mã hóa của nhiều người Mỹ. Nửa đầu năm 2024, lượng crypto mà những tên lừa đảo chiếm đoạt ước tính lên tới 41 triệu USD. Và tổng cộng trong 6 tháng đầu năm nay, tại Mỹ, những kẻ dùng chiêu trò lừa gạt mọi người làm nhiệm vụ kiếm tiền đã chiếm đoạt được tổng cộng 220 triệu USD, tương đương gần 40% tổng số tài sản mà tội phạm lừa đảo đã chiếm đoạt được.
Có thể mô tả những chiêu lừa đảo này giống hệt như cách các doanh nghiệp và tổ chức thay đổi chiến lược công việc và nhiệm vụ theo kiểu “gamification” để tăng tương tác từ nhân sự. Những người nhàn rỗi hay đang kiếm việc rất dễ rơi vào bẫy “làm nhiệm vụ” như kiểu vào nhóm, nạp tiền để làm nhiệm vụ rồi nhận hoa hồng. Một hay hai lần đầu, tiền vẫn về tài khoản, đánh vào lòng tham và tâm lý kiếm tiền nhanh và dễ dàng của nhiều người. Sau đó bọn lừa đảo mới bắt đầu giăng bẫy.
Các quan chức FTC, giống hệt như chính quyền nhiều nước, cũng cảnh báo rằng, nếu nhìn “nhiệm vụ” trông giống chơi game hơn là lao động thực sự, khả năng rất cao đó là lừa đảo. Và theo họ, hầu hết những vụ lừa đảo như thế này, bị hại không báo cho cơ quan chức năng. Điều này đồng nghĩa với việc, 20 nghìn vụ lừa đảo “làm nhiệm vụ kiếm tiền” ở Mỹ có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Một kinh nghiệm được đưa ra là từ chối những lời mời nhắn tin và kết bạn trông khả nghi, có tính mồi chài mời gọi hoặc cố tình hỏi nhầm người. Một kinh nghiệm khác là lờ đi những lời mời nhắn tin từ những tài khoản không quen trên Instagram hay WhatsApp, vì “nhà tuyển dụng không bao giờ liên hệ bằng công cụ nhắn tin.”