Ngày 23/10, Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức họp báo thường kỳ quý 3, cung cấp thông tin liên quan đến dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Bộ Công Thương khẳng định với sự phát triển của năng lượng tái tạo thì vai trò của điện nền, trong đó có điện hạt nhân là rất quan trọng.
Điện hạt nhân có vai trò quan trọng
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là việc Chính phủ sẽ độc quyền xây dựng dự án điện hạt nhân. Báo chí đặt câu hỏi việc phát triển lại nguồn điện hạt nhân hiện nay có muộn hay không, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay chủ trương phát triển điện hạt nhân đã có, nhưng sau đó tạm dừng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện quy hoạch điện, Bộ Công Thương đang nghiên cứu lại thực tiễn để đánh giá việc có nên triển khai hay không. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế cho thấy với sự phát triển của năng lượng tái tạo thì vai trò của điện nền, trong đó có điện hạt nhân là rất quan trọng. Ông Tân cũng cho hay: Thực tế, một số nước có nhu cầu phát triển tăng gấp 2-3 lần điện hạt nhân. Như với Nhật Bản, Pháp tính toán tỉ trọng điện hạt nhân là 20-25%, dù ở Nhật Bản từng xảy ra sự cố về điện hạt nhân.
Về công nghệ phát triển điện hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Chắc chắn khi triển khai sẽ lựa chọn công nghệ thế hệ mới đã được áp dụng thực tiễn nhằm đảm bảo tối đa an toàn, đưa rủi ro về bằng 0.
Với việc phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới, theo ông Tân, còn phụ thuộc vào việc xin chủ trương cấp có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ theo nhiệm vụ được giao tiến hành nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch điện để triển khai, từ đó tính toán việc đầu tư, kỹ thuật, công nghệ và các vấn đề khác...
Nghiên cứu kỹ lưỡng đề đề xuất phương án lên Chính phủ
Thông tin thêm, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay: Việc phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo yếu tố kinh tế, xã hội và khoa học. Năm 2009 Việt Nam đã triển khai phát triển điện hạt nhân, nhưng do nhiều nguồn lực khó khăn nên Quốc hội đã có nghị quyết dừng triển khai.
"Hiện nay, tình hình của đất nước và thế giới có chuyển biến tích cực, đặc biệt là nguồn lực nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu về phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tới. Bộ Công Thương đã có báo cáo và phát triển thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn an ninh năng lượng sau khi có chủ trương của các cấp có thẩm quyền phê duyệt", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, việc phát triển như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong Quy hoạch Điện VIII để rà soát điều chỉnh…
Thông tin thêm về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay: Trong Luật Điện lực mới có 6 nhóm chính sách lớn được đưa ra. Gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.
Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Ngày 22/11/2016, Quốc hội quyết định dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau nhiều năm chuẩn bị, triển khai một số dự án thành phần. Giải thích việc dừng dự án khi đó, cấp có thẩm quyền cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với lúc quyết định đầu tư dự án.
Mặt khác, Việt Nam thời điểm đó cũng tập trung nguồn vốn đầu tư ưu tiên một số dự án trọng điểm quốc gia và một số dự án, chương trình quan trọng như xử lý kịp thời, cấp bách vấn đề biến đổi khí hậu.
Sau gần 8 năm, trước bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống dần cạn kiệt, để bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện quốc gia, Thường trực Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới.
"Từ đó đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định", thông báo kết luận về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, gió ngoài khơi của Thường trực Chính phủ ngày 12/9 nêu rõ.