Cục CSGT lên tiếng về quy định phạt tài xế lái xe liên tục quá 4 giờ
11/01/2025 18:30
Theo Cục CSGT, quy định thời gian lái xe, nghỉ ngơi của tài xế là biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người điều khiển phương tiện, góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn khi tham gia giao thông.
Ngày 11/1, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an cho biết, theo Luật Trật tự,an toàn giao thôngđường bộ, người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không được phép lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ.
Đồng thời, trong một tuần, nhóm tài xế này cũng được quy định không được lái xe quá 48 giờ.
Theo Cục CSGT, Nghị định 168/2024 nêu rõ, người lái xe quá thời gian quy định trên hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục, sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm giấy phép lái xe.
Ngoài ra, chủ xe để cho tài xế của mình lái xe ô tô liên tục quá thời gian quy định, cũng sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng (đối với cá nhân) và 8-12 triệu đồng (đối với tổ chức).
Cục CSGT phân tích, quy định về thời gian lái xe trên được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ trước đây và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.
Còn theo quy định Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm việc bình thường của người lao động tại Việt Nam không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần. Bên cạnh đó, việc quy định lái xe không quá 48 giờ mỗi tuần cũng phù hợp Công ước Vienna về giao thông đường bộ.
Sau 4 tiếng lái xe liên tục, tài xế có thể nghỉ ngơi. Sau khoảng 15 phút, họ được phép lái xe tiếp tục hành trình. Mục tiêu cao nhất là giúp tài xế tỉnh táo, không mệt mỏi dễ dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn.
"Khi lái lập trung quá lâu với thời gian trên 4 tiếng liên tục, theo nguyên lý sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi. Việc nghỉ ngơi giúp hệ thần kinh ngắt tình trạng căng thẳng, tái tạo sức lao động", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Quy định thời gian lái xe, nghỉ ngơi của tài xế còn là biện pháp bảo an toàn sức khỏe cho người lái xe, góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn khi tham gia giao thông. Việc thực hiện hiệu quả các quy định này cũng đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa ý thức cá nhân và trách nhiệm của các tổ chức vận tải.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, tài xế khi lái xe cần giữ tâm lý thoải mái nhất, khi cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ cần phải nghỉ ngơi ngay, dù có thể chưa đến 4 tiếng lái xe liên tục, tuyệt đối không nên "cố lái thêm".
Việc quy định thời gian nghỉ ngơi còn giúp ngăn nguy cơ người lái xe kinh doanh vận tải vì cố giữ tỉnh táo mà sử dụng chất kích thích.
"Không có chất kích thích nào thay thế được việc nghỉ ngơi, cơ thể phải được phục hồi", phía Cục CSGT khẳng định và cho rằng, trong các tình huống bất khả kháng, tài xế gặp kẹt xe ở thành phố hoặc điểm dừng xe nghỉ ngơi không đảm bảo, họ có thể tiếp tục hành trình để thoát khỏi khu vực đó.
Cục CSGT nhấn mạnh, khi xem xét các tình huống, cảnh sát giao thông sẽ tính toán thêm những yếu tố liên quan, không chỉ tập trung xử phạt.
Tuy nhiên, người lái xe sau khi thoát khỏi khu vực bất khả kháng, cần thực hiện ngay việc nghỉ ngơi, tránh lạm dụng để cố lái xe.
Với quy định trên, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm soát lái xe đường dài, sao cho họ có sự chủ động, lường trước và tính toán về thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đúng quy định.
Gọi điện mời chào những chương trình “khuyến mãi Tết”, “vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ” là 1 trong 2 chiêu trò lừa đảo qua điện thoại được các đối tượng sử dụng phổ biến th...
Theo Cục CSGT, quy định thời gian lái xe, nghỉ ngơi của tài xế là biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người điều khiển phương tiện, góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn ...
Các chuyên gia khí tượng nhận định, đợt rét này khả năng có thời điểm lạnh nhất từ đầu mùa đông, khi nhiệt độ toàn miền hầu như giảm thấp nhất dưới 10 độ, là vào khoảng s...
Quy định mới về giá dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam, các trường hợp đăng ký thường trú phải lấy ý kiến chủ nhà, phân loại thửa đất…là những chính sách nổi bật có hiệu lự...