Hạnh phúc là gì mà mỗi nơi có một chuẩn mực khác nhau, và khoa học đang đi tìm một mẫu số chung

Các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu hạnh phúc và sống tốt (well-being) và định nghĩa, đo lường nó nhưng tới nay vẫn chưa tồn tại một định nghĩa chung, một thang đo lường chung để thực hiện việc này.
Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc có giống với well-being không?
Thật ra, Khái niệm “sống tốt” hay “hạnh phúc” tưởng đơn giản, nhưng từ hàng ngàn năm qua, loài người vẫn đang cố gắng tìm ra định nghĩa rõ ràng cho nó. Với nhiều anh em, hạnh phúc gắn với cảm xúc tích cực, nhưng các nghiên cứu hiện nay cho thấy: hạnh phúc không nhất thiết đồng nghĩa với “well-being” – tức là trạng thái sống tốt toàn diện.
Happiness thường được gắn liền với những giá trị cao hơn, trong khi Well-being lại được coi là trạng thái sống tốt, liên quan chủ yếu đến yếu tố vật chất
Triết gia Aristotle từng phân biệt hai loại hạnh phúc: Hedonia và Eudaimonia. Hedonia là cảm giác vui sướng, khoái lạc tức thời, trong khi eudaimonia là hạnh phúc sâu xa hơn, đến từ việc sống có mục đích, phát huy năng lực cá nhân và hành xử có đạo đức. Chính khái niệm eudaimonia này được xem là nền tảng cho những lý thuyết hiện đại về sự phát triển bền vững của con người.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu hiện đại còn nhấn mạnh rằng “well-being” không chỉ là cảm xúc thăng trầm hàng ngày (mood) mà còn là sự hài lòng tổng thể với cuộc sống (life satisfaction). Hai yếu tố này có thể không hoàn toàn trùng khớp, và mỗi anh em có thể có sự đánh giá cao một yếu tố hơn yếu tố kia.
Các nhà nghiên cứu đo lường “well-being” như thế nào?
Để đo lường mức độ sống tốt, các nhà nghiên cứu thường sử dụng thang đo như Satisfaction With Life Scale (Thang đo sự hài lòng với cuộc sống). Đây là một bộ gồm năm câu hỏi đơn giản, yêu cầu người tham gia tự đánh giá mức độ đồng tình với các phát biểu như “Cuộc sống của hiện tại gần đạt đến lý tưởng của cá nhân tôi kì vọng”.
Satisfaction With Life Scale thường được dùng để đo lường sự hài lòng với cuộc sống
Điều thú vị là khi trả lời các câu hỏi này, mỗi người thường cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, cảm xúc và sự hài lòng về cuộc sống có thể liên quan đến các nguồn lực xã hội như tần suất giao tiếp, chất lượng các mối quan hệ, trong khi sự hài lòng tổng thể lại gắn với điều kiện vật chất như địa vị xã hội hay thu nhập.
Bên cạnh đó, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, bảng xếp hạng hạnh phúc của hơn 140 quốc gia mỗi năm, còn sử dụng một phiên bản rút gọn hơn: yêu cầu người trả lời tưởng tượng một chiếc thang từ 0 đến 10, với 10 là cuộc sống tốt nhất có thể, và cho biết họ đang đứng ở bậc nào. Tuy nhiên, mô hình này lại nhận nhiều chỉ trích vì sử dụng hình ảnh bậc thang có và điều này có thể gợi lên cảm giác về sự phân cấp, quyền lực hay giàu nghèo, thay vì các yếu tố mang tính cá nhân như sức khỏe hay các mối quan hệ. Một số nghiên cứu cho thấy, khi bỏ hình ảnh chiếc thang ra khỏi câu hỏi, người tham gia lại tập trung nhiều hơn vào sức khỏe, gia đình và các mối quan hệ thân thiết thay vì địa vị hay tài sản. Điểm thú vị là trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2025, Việt Nam đứng thứ 46 trên tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, tăng 8 bậc so với năm 2024 và đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ khi báo cáo này ra đời.
Ngoài ra, trong nghiên cứu về “well-being”, việc định nghĩa rõ ràng các thuật ngữ là rất quan trọng. Nhiều người, kể cả các nhà nghiên cứu, có thể hiểu khác nhau về khái niệm “hạnh phúc” hay “sống tốt”, dẫn đến sự khác biệt trong cách đánh giá và đo lường.
Một vấn đề nổi bật khác trong việc đo lường hạnh phúc và well-being là sự thiên lệch văn hóa. Các nền văn hóa WEIRD - Western, Educated, Industrialized, Rich, and Democratic (Phương Tây, có giáo dục, công nghiệp, giàu có và dân chủ) thường đặt nặng việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân, xem nó là mục tiêu sống. Trong khi đó, người dân ở các quốc gia khác lại không coi trọng hạnh phúc cá nhân đến mức như vậy. Một nghiên cứu do nhà tâm lý học Kuba Krys thực hiện trên 61 quốc gia cho thấy những quốc gia không WEIRD thường đưa ra điểm số thấp hơn khi đánh giá mức độ hài lòng lý tưởng với cuộc sống. Điều này cho thấy, “hạnh phúc” không phải là tiêu chuẩn duy nhất của một cuộc sống tốt trong mọi nền văn hóa.
Các cách tiếp cận mới: tình yêu, tâm linh và cộng đồng
Trước thực tế đó, các nhà khoa học như Krys đề xuất những thước đo toàn diện hơn, bao gồm các yếu tố như tình yêu, sự hài hòa nội tâm, ý nghĩa sống và đặc biệt là sự kết nối với cộng đồng. Trong một nghiên cứu tại Anh, ngoài “hạnh phúc”, nhiều người tham gia còn nhắc đến “ý nghĩa sống”, “hòa hợp” và “tình yêu” như những yếu tố tạo nên cuộc sống lý tưởng. Các nhà nghiên cứu cũng dự đoán rằng nếu mở rộng nghiên cứu ra các nền văn hóa đa dạng hơn, những thành phần cấu thành “well-being” sẽ còn phong phú hơn nữa, và vai trò của hạnh phúc cá nhân có thể giảm đi.
Báo cáo mức độ hạnh phúc trên toàn cầu, theo World Happiness Report. Việt Nam cũng đạt số điểm 6.4 đó anh em
Một công cụ được nhóm của Krys phát triển là Thang đo Hạnh phúc Liên kết (Interdependent Happiness Scale), trong đó có những câu hỏi như: “Tôi tin rằng tôi và những người xung quanh đều hạnh phúc” hay “Cuộc sống của tôi hạnh phúc không kém gì người khác”. Thang đo này nhấn mạnh yếu tố tập thể và được các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản đánh giá cao hơn, do họ có xu hướng đề cao tính cộng đồng và sự hòa hợp xã hội.
Các nghiên cứu cũng cho thấy: ở những cộng đồng nhỏ, các yếu tố như niềm vui cá nhân hay cảm xúc tích cực thường phổ biến hơn. Nhưng ở quy mô cộng đồng lớn hơn, người ta lại nhấn mạnh ý nghĩa sống, tâm linh và cảm giác hòa hợp. Điều này cho thấy quy mô và tính chất cộng đồng có thể ảnh hưởng đến những yếu tố mà mỗi người xem trọng trong “well-being”.
Một vấn đề lớn hiện nay là phần lớn dữ liệu và mô hình về “well-being” vẫn đến từ các nước WEIRD, gây nên sự thiếu toàn diện trong cái nhìn toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến những chính sách xã hội không phù hợp khi áp dụng tại các nước khác, bởi mỗi nền văn hóa có thể ưu tiên các giá trị khác nhau.
Các chuyên gia được khuyến khích mở rộng phương pháp nghiên cứu, chẳng hạn như dùng câu hỏi mở và phân tích ngôn ngữ tự nhiên để tìm ra các yếu tố khác biệt giữa các vùng miền. Việc sử dụng công cụ phân tích dữ liệu văn bản hiện đại sẽ giúp các nhà khoa học nắm bắt sự đa dạng này một cách hiệu quả hơn bao giờ hết, đồng thời có thể phát hiện ra nhiều yếu tố mới về “well-being” chưa từng được ghi nhận trước đây.