
Kênh đào Panama được mệnh danh là một trong bảy Kỳ quan của thế giới hiện đại và ngày nay chúng ta khó mà tưởng tượng được giao thương toàn cầu sẽ ra sao nếu thiếu nó. Dù kênh được biết tới rộng rãi là do người Mỹ xây dựng, nhưng người Pháp mới là bên khởi công nó. Việc xây dựng bắt đầu năm 1881 ở một chỗ hẹp gần cuối dải đất Trung Mỹ.
Người Pháp đã quản lý công tác đào kênh khá tệ hại. Họ để cho hàng chục ngàn người thương vong vì tai nạn và bệnh sốt vàng da cùng bệnh sốt rét, xuất phát từ sự coi nhẹ vấn đề vệ sinh ở khu vực đào kênh. Nên khi người Mỹ tiếp tục công việc vào năm 1903 thì gần 80% lực lượng lao động đã bỏ đi.
Từ năm 1904-1905, người Mỹ dầu tiên quản lý việc đào kênh là John Findley Wallace. Nhưng phải tới khi kỹ sư John Frank Stevens phụ trách vào năm 1905 thì ông mới ra tay ngăn chặn dịch bệnh. Để triệt nơi sinh sôi của muỗi, Stevens yêu cầu tháo cạn các đầm lầy, cắt cỏ, trang bị mùng và gắn lưới mắt cáo cho khu nhà ở công nhân. Họ còn xài thuốc diệt muỗi và trị sốt rét bằng thuốc Quinine. Kết quả là dịch bệnh gần như được xóa sổ.
Trước đó người Mỹ tính đào một con kênh đi qua Nicaragua, nơi có một cái hồ rộng tới 8.264 km² và xem ra lý tưởng hơn cả Panama. Nhưng giữa hồ lại có 2 núi lửa còn hoạt động cùng vài núi lửa khác trên bờ. Vì vậy Tổng thống Theodore Roosevelt quyết định chọn Panama, chỗ mà người Pháp đã xí phần trước và đang thất bại.
Năm 1903, Mỹ trả cho Pháp 40 triệu USD để họ tiếp tục dự án. Ban đầu người Pháp tính làm kênh ngang mực nước biển giống Suez, nhưng vấn đề là mực nước 2 đại dương không bằng nhau nên kỹ sư Stevens đã đổi lại, yêu cầu phải xây một loạt âu tàu.
Trước khi người Mỹ đào kênh, mọi thứ ở đó chưa định hình gì mấy và bộ phận then chốt của kênh là hồ Gatun cũng chưa có. Lúc đó ở đây chỉ có 1 dòng sông chính tên là Chagres và Mỹ đã xây Đập Gatun để ngăn nước lại, cuối cùng làm thành hồ Gatun. Cái hồ này đóng vai trò là nguồn nước chính để tăng giảm mực nước trong các âu tàu.
Sau đó người ta đào bới gần 204 triệu m³ đất đá rồi đem đi trút xuống biển, một phần khác thì được đổ vào khu rừng bên cạnh. Trong suốt 10 năm từ 1904-1914, một lượng lớn xi măng và thuốc nổ sản xuất tại Mỹ đều chuyển xuống Panama.
Kênh Panama được mở cừa vào năm 1914 và SS Ancon trở thành chiếc tàu đầu tiên đi qua kênh. Trong 5 năm đầu tiên, lưu lượng qua lại rất ít do Thế chiến I nổ ra nhưng đến Thế chiến II thì kênh đào trở thành một tuyến đường quan trọng cho tàu chiến đi qua.
Năm 1977, Mỹ ký Hiệp ước Torrijos-Carter để trả quyền kiểm soát kênh cho Panama và có hiệu lực vào năm 1999. Từ năm 2007-2016, kênh được nâng cấp bằng cách xây thêm hai âu tàu mới rộng từ 53-56 mét và cho phép tàu có độ dài tối đa 366 mét đi qua, nên ngay cả những tàu sân bay và tàu hàng lớn nhất cũng qua được.
Nhìn từ biển Caribe thì kênh Panama có 3 âu tàu chính là Gatun, Pedro Miguel, Miraflores. Mỗi âu tàu đều có một bức tường ngăn chính giữa để phân làn ra/vào cùng các cổng ngăn nước. Các cổng chia âu tàu thành từng khoang và những khoang này sẽ đổ nước vào hoặc tháo nước đi bằng hệ thống van khóa nằm dưới đáy. Âu tàu Gatun có 3 khoang, Pedro Miguel có 1 khoang và Miraflores có 2 khoang. Trong dự án nâng cấp, người ta đã xây thêm hai âu tàu Cocoli và Agua Clara dành cho tàu siêu lớn.
Từ biển Caribe thì tàu sẽ đi vào khoang đầu tiên trong 3 khoang của Âu tàu Gatun. Khi nó đã ở trong khoang, cửa ở cả hai đầu khoang sẽ đóng lại cùng với van khóa (đằng sau tàu) để ngăn nước thoát đi. Sau đó van khóa (phía trước tàu) mở ra để nước từ hồ Gatun chảy vào thông qua các lỗ dưới đáy trong 8 phút.
Khi nước dâng thì tàu cũng được nâng lên ngang bằng khoang tiếp theo và quy trình này lặp lại thêm hai lần nữa. Sau khi qua cả 3 khoang, tàu được nâng lên bằng mực nước hồ Gatun ở độ cao 26 mét.
Sau khi đi hết hồ Gatun, tàu đến Âu tàu Pedro Miguel và mọi thứ diễn ra ngược lại. Ở đó nó được hạ xuống 1 nấc để vào hồ Miraflores, rồi tiếp tục đi qua Âu tàu Miraflores và hạ xuống 2 nấc để về lại mực nước biển. Toàn bộ chuyến đi dài 82 km và mất từ 8-10 tiếng. Hàng năm có gần 14.000 chuyến tàu đi qua kênh và việc thu phí đem lại cho Panama hơn 2,5 tỷ USD/năm.