Mưa kỷ lục, không khí lạnh dồn dập, ngập lụt giữa mùa khô... là những điều dị thường của thời tiết diễn ra trong tháng 5. Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu cảnh báo một năm thiên tai diễn biến phức tạp.

Mưa kỷ lục, không khí lạnh lạ thường
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dù chưa bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa lũ ở miền Bắc nhưng từ đầu tháng 5 đến nay, miền Bắc đã xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét, mưa đá.
Đáng lưu ý, một số khu vực có lượng mưa cực đoan 100-200mm chỉ trong vài giờ như Yến Dương (Bắc Kạn) mưa 195mm trong 4 giờ, Na Hang (Tuyên Quang) mưa 198mm trong 3 giờ, Tân Lập (Hà Giang) mưa 132mm trong 4 giờ, Quảng Yên (Quảng Ninh) mưa 150mm trong 3 giờ, Dân Tiến (Thái Nguyên) mưa 192mm trong 3 giờ.
Thời tiết tháng 5 ở Hà Tĩnh đặc trưng với nắng nóng gay gắt, khô hạn và ít mưa. Thế nhưng những ngày cuối tháng 5 năm nay, mưa lũ kỷ lục đã xuất hiện tại khu vực này.
Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ tối 24/5 đến sáng 25/5, tại xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh mưa tới 601,4mm. Nhiều kỷ lục mưa lũ đã được thiết lập. Lượng mưa tại huyện Hương Khê cũng cao nhất trong lịch sử tháng 5, vượt qua kỷ lục được thiết lập vào 44 năm trước.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, đêm 24 và ngày 25/5, nước trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố dâng rất nhanh với biên độ lũ lên tại các trạm từ 2,5-8,5m, riêng tại sông Ngàn Sâu xuất hiện lũ kỷ lục trong tháng 5.
Do mưa rất to kéo dài, ngập lụt diện rộng đã xảy ra tại xã Kỳ Hoà, Kỳ Châu, Kỳ Thịnh (Kỳ Anh), Hà Linh, Phúc Đồng, Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên (Hương Khê), Mỹ Lộc (Can Lộc), Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Lạc, Cẩm Thạch, thị trấn Cẩm Xuyên (Cẩm Xuyên), Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà).
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn đã khiến 450 nhà bị ngập, hơn 2.220ha lúa và hơn 397ha cây trồng khác bị ảnh hưởng, hơn 2.000 tấn lúa thu hoạch bị ướt. Gần 13.000 gia cầm, gia súc bị chết và cuốn trôi. Tại hồ Đập Hà, hơn 10m đập bị vỡ cùng 3 tàu cá nhỏ hư hỏng.
Một điều "dị thường" nữa trong tháng 5 năm nay ở miền Bắc là không khí lạnh hoạt động khá mạnh. Đợt không khí lạnh tràn xuống nước ta vào ngày 25-26/5 đã lấn sâu xuống tận khu vực Trung Trung bộ, gây mưa dông diện rộng cho khắp miền Bắc và Bắc Trung bộ. Người dân miền Bắc trải qua những ngày thời tiết mát mẻ như mùa thu khi nhiệt độ thấp nhất xuống còn 20-23 độ, vùng núi dưới 19 độ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), nhận định tháng 5 vẫn là thời điểm có không khí lạnh nên không khí lạnh xuất hiện thời điểm này không bất thường. Đây là đợt không khí lạnh có cường độ yếu, dự báo sẽ ảnh hưởng tới miền Bắc đến ngày 30/5.
Theo quy luật miền Bắc vẫn đón các đợt không khí lạnh trong tháng 5 nhưng chủ yếu tập trung vào nửa đầu tháng. Các đợt không khí lạnh này thường ít gây rét mà nén rãnh áp thấp, gây mưa rào và dông diện rộng. Không khí vào cuối tháng 5, có khả năng gây lạnh ở vùng núi là khá hiếm gặp.
Không khí lạnh thường liên quan đến biến động của khối khí lạnh ở lục địa Trung Quốc, đẩy xuống phía Nam do sự thay đổi bất thường trong cấu trúc gió mùa và hoàn lưu tầng cao. Trên thực tế, không khí lạnh vẫn tồn tại quanh năm, tuy nhiên không phải lúc nào cũng đủ mạnh để ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Thiên tai thời gian tới sẽ thế nào?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo từ tối 28 đến 29/5, không khí lạnh tiếp tục nén rãnh áp thấp, kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao gây mưa vừa, mưa to đến rất to cho các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ. Lượng mưa ở Bắc bộ có thể từ 30-80mm, có nơi 180mm.
Từ ngày 29-30/5, Thanh Hóa và Hà Tĩnh có mưa to 40-70mm, có nơi trên 150mm. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ mưa cường suất lớn trên 100mm trong 3 giờ, có thể gây ngập lụt cục bộ ở vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, năm 2025 được dự báo sẽ có sự gia tăng đáng kể các hiện tượng thời tiết cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO trung tính. Sự biến đổi này không chỉ tác động đến nhiệt độ không khí mà còn làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các thiên tai cực đoan như nắng nóng gay gắt, bão mạnh và lũ lụt.
Ông Mai Văn Khiêm nhận định, nhiệt độ trong năm 2025 tại nhiều khu vực có thể vượt ngưỡng trung bình nhiều năm. Đặc biệt, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ được dự báo sẽ chịu đựng những đợt nắng nóng gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Ngoài tình trạng nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn cũng sẽ là những thách thức lớn trong năm 2025. Các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung dự kiến sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ tình trạng thiếu nước, gây tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Để ứng phó, cần triển khai các biện pháp quản lý, sử dụng nước hợp lý, đồng thời đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi và hệ thống cảnh báo sớm.
Dự báo trong năm 2025, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều đợt mưa lớn cục bộ, đặc biệt tại các khu vực vùng núi và đô thị. Những đợt mưa này có nguy cơ gây ra ngập úng nghiêm trọng, lũ quét và sạt lở đất, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Các khu vực trũng thấp, đô thị đông dân như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đồng bằng sông Cửu Long được xem là những nơi cần đặc biệt cảnh giác.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định rằng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và gió giật mạnh cũng có thể xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh mưa lớn, năm 2025 dự kiến sẽ chứng kiến sự gia tăng về số lượng và cường độ của các cơn bão, bao gồm cả siêu bão. Những cơn bão này có khả năng xuất hiện thường xuyên hơn, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Để đối phó, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, đồng thời cải thiện công tác dự báo và cảnh báo sớm.
Năm 2025, Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, cần thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả như cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dự báo và cảnh báo sớm, đồng thời quản lý tài nguyên nước một cách bền vững.