Hiện giờ chính bản thân chuẩn kết nối WiFi 7, tên chính thức là IEEE 802.11be vẫn còn chưa được hoàn thiện quy chuẩn. Nhưng các hãng thành viên của liên minh IEEE cũng đã bắt đầu nghiên cứu phát triển công nghệ WiFi 8, trên giấy tờ là chuẩn 802.11bn. Dự kiến, tháng 9/2028, IEEE sẽ công bố chuẩn 802.11bn, rồi cũng phải đợi thêm một thời gian nữa để có những sản phẩm thương mại đầu tiên, từ router tới thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ kết nối không dây này.
Hiện tại, MediaTek đã công bố tài liệu nghiên cứu, qua đó khẳng định rằng WiFi 8 sẽ không khác biệt quá nhiều so với WiFi 7 về mặt băng thông và tốc độ kết nối. Băng thông tối đa của các kênh kết nối vẫn là 320MHz, tốc độ kết nối vật lý tối đa vẫn là 23 Gbps. Đó là trên lý thuyết, còn trên thực tế, các kỹ sư của MediaTek dự đoán rằng hiệu năng thực tế của WiFi 8 sẽ đạt khoảng 80% con số kể trên.
Khác biệt cơ bản, như tiêu đề, sẽ là hiệu năng vận hành của chuẩn kết nối. Thay vì tập trung tạo ra những cải thiện lớn về băng thông kết nối như giữa WiFi 6, 6E và 7, các kỹ sư và các nhà phát triển đang muốn tạo ra một kết nối không dây ổn định hơn, không có chuyện tốc độ tải dữ liệu trồi sụt thất thường như hiện giờ nữa. Nếu đã từng chạy Speedtest qua kết nối WiFi 7, anh em có thể sẽ thấy tốc độ vọt lên rất cao trước khi bị nghẽn, tụt băng thông, rồi kết quả là trung bình tốc độ gửi những packet dữ liệu trong quá trình thử nghiệm tốc độ đường truyền. IEEE, và các kỹ sư các hãng muốn giải quyết vấn đề này, giúp kết nối không dây ổn định hơn.
Kế hoạch hiện tại khi phát triển WiFi 8 là tạo ra một kết nối không dây hỗ trợ cho đường truyền mạng internet 100 Gbps, đủ sức xử lý nhiều kết nối tốc độ tính bằng Gigabit chỉ với 1 router duy nhất. Công thức để đạt được điều đó bao gồm những cải tiến mới trong tương tác giữa thiết bị và đường truyền.
Việc tập trung vào trải nghiệm người dùng và độ ổn định của đường truyền kết nối không dây có thể coi là một bước chuyển dịch quan trọng và rất khác biệt trong triết lý thiết kế chuẩn kết nối không dây của IEEE. Khi được áp dụng, chuẩn 802.11bn sẽ tạo ra môi trường mạng hiệu quả và ổn định hơn. Đối với người dùng trong quy mô hộ gia đình, kết nối sẽ mượt mà hơn, không có đứt quãng hay trồi sụt băng thông. Còn với doanh nghiệp, WiFi 8 có thể phục vụ tốt hơn cho hàng chục, hàng trăm thiết bị cùng kết nối.
Ba trong số những cải tiến đáng kể nhất trong quá trình phát triển WiFi 8 bao gồm những kỹ thuật Coordinated Spatial Reuse, Coordinated Beamforming và Dynamic Subchannel Operation.
Đầu tiên, Coordinated Spatial Reuse cho phép điểm truy cập điều chỉnh công suất sóng WiFi kết nối với các thiết bị. Những thiết bị ở gần router hơn sẽ được tối ưu kết nối mà không gây ảnh hưởng tới những thiết bị ở xa. Những thử nghiệm sơ bộ kỹ thuật kết nối này đã cho kết quả cải thiện throughput lên tới 25%.
Thứ hai, Coordinated Beamforming là giải pháp mở rộng của kỹ thuật điều hướng chùm sóng kết nối không dây đã được phát triển và hoàn thiện ở những chuẩn WiFi ra mắt trước đó. Những thiết bị hỗ trợ Co-BF sẽ có thể điều hướng tín hiệu chính xác hơn giữa các thiết bị cùng kết nối trong một mạng không dây. Giải pháp này sẽ hữu ích trong môi trường doanh nghiệp hay công cộng, còn ở môi trường hộ gia đình, chỉ vài thiết bị kết nối với router WiFi, khác biệt về chất lượng đường truyền sẽ không thực sự ấn tượng.
Thứ ba, Dynamic Subchannel Operation là tính năng gán kênh phụ cho các thiết bị, phụ thuộc vào khả năng kết nối và nhu cầu dữ liệu của chúng. Nếu nhiều thiết bị cùng đang tải về một file dữ liệu, DSO sẽ tự động gán kênh kết nối phụ để tối ưu tốc độ tải file. Công nghệ này đã hiện diện ở chuẩn WiFi 7, nhưng phải điều chỉnh thủ công. Những router chuẩn WiFi 8 có thể tự động xác định nhu cầu của từng thiết bị để vận hành hiệu quả hơn.