YouTube gây tranh cãi khi kiểm duyệt các quan ngại về vaccine COVID-19 từ bác sĩ Drew Pinsky
Những ngày gần đây, xu thế về việc loại bỏ kiểm duyệt cùng tự do ngôn luận đang dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, một sự cố mới đây giữa YouTube và bác sĩ Drew Pinsky về vấn đề kiểm duyệt thông tin lại gây nên quan ngại về tự do ngôn luận trên nền tảng này.
Bác sĩ Drew Pinsky là một bác sĩ đồng thời là một YouTuber nổi tiếng trong lĩnh vực sức khoẻ. Ông vốn nổi tiếng là một người phản đối việc sử dụng mRNA vì những tác dụng phụ của nó. Gần đây, ông đã phải đối mặt với một tình huống gây tranh cãi khi YouTube gỡ bỏ một số video trên kênh của mình với cáo buộc phát tán "thông tin y tế sai lệch". Nội dung bị gỡ bỏ liên quan tới việc các chuyên gia y tế thảo luận và bày tỏ quan ngại về vaccine COVID-19 cùng tác dụng phụ của chúng. Drew sau đó bị bắt buộc phải tham gia 90 ngày huấn luyện với chính sách của Google hoặc có nguy cơ mất kênh của mình hoàn toàn. Sự cố này đã dấy lên một cuộc tranh luận lớn về ranh giới của tự do ngôn luận và vai trò của các nền tảng truyền thông xã hội trong việc điều chỉnh nội dung liên quan đến sức khỏe.
Cuộc thảo luận về vaccine COVID-19
Các video bị YouTube dán nhãn và gỡ bỏ liên quan tới việc bác sĩ Drew tổ chức trò chuyện với các chuyên gia y tế khác như bác sĩ Kelly Victory và luật sư Warner Mendenhall. Trong các buổi thảo luận này, những vấn đề liên quan đến sức khoẻ và COVID-19 đã được đưa ra thảo luận. Đầu tiên, bác sĩ Victory cho rằng những người trẻ tuổi, khỏe mạnh dưới 50 tuổi đã gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng từ vaccine mRNA, đặc biệt là viêm cơ tim. Trên thực tế, viêm cơ tim là một tác dụng phụ hiếm gặp, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy nam giới từ 12–30 tuổi có nguy cơ cao hơn sau liều thứ hai. Theo CDC, tỷ lệ mắc viêm cơ tim ở nam giới từ 16–17 tuổi sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech là khoảng 105.9 ca trên một triệu liều.
Bên cạnh đó, Mendenhall cũng đã đề cập đến một khách hàng của ông gặp phải vấn đề hô hấp nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine. Cuộc thảo luận cũng đề cập đến các tác dụng phụ phổ biến như mệt mỏi, sốt, đau đầu và buồn nôn, vốn là những triệu chứng đã được biết đến rộng rãi trong các thử nghiệm lâm sàng và hệ thống giám sát sau tiêm chủng. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đăng tải trên kênh của bác sĩ Victory khẳng định rằng những triệu chứng này nghiêm trọng hơn những báo cáo kể trên.
Với những thông tin này, bác sĩ Drew cho rằng đó là những lo ngại hợp lý, hợp pháp được nêu ra bởi các chuyên gia nhưng YouTube đã coi cuộc thảo luận này vi phạm chính sách về việc lan truyền thông tin y tế sai lệch.
Chính sách điều chỉnh nội dung của YouTube
Trên thực tế, YouTube đã thực hiện chính sách nghiêm ngặt để chống lại thông tin sai lệch, đặc biệt là liên quan đến nội dung sức khỏe trong thời gian đại dịch COVID-19. Nền tảng này phân loại các thông tin sai lệch thành 3 loại chính. Đầu tiên là các thông tin khác biệt với chính quyền trong việc phòng ngừa bệnh tật. Sau đó là các nội dung cổ xuý các biện pháp khác biệt so với khuyến cáo từ các cơ quan y tế. Cuối cùng là các nội dung liên quan tới việc phủ nhận sự tồn tại hoặc tính nghiêm trọng của một số vấn đề sức khoẻ được chính quyền công nhận.
Với chính sách này, YouTube sẽ loại bỏ các nội dung mà nền tảng này cho là có nguy cơ gây hại. Chỉ riêng trong năm 2021, YouTube đã gỡ bỏ hơn 1 triệu video liên quan đến thông tin về virus corona. Nền tảng này lập luận rằng các thông tin về sức khoẻ chỉ nên dựa trên sự xác nhận từ các cơ quan y tế như WHO và CDC.
Ngoài ra, YouTube cũng đã áp dụng một giải pháp mới để giảm thiểu các biện pháp trừng phạt với những người làm nội dung trên nền tảng này. Thay vì bị phạt ngay lập tức, các nhà sáng tạo giờ đây có thể chọn tham gia các khóa đào tạo giáo dục được thiết kế để làm rõ quy tắc của nền tảng và giúp họ tránh vi phạm trong tương lai. Nếu họ hoàn thành khóa học và không vi phạm cùng một chính sách trong vòng 90 ngày, cảnh báo sẽ được gỡ bỏ. Sự thay đổi này nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hơn giữa YouTube và các nhà sáng tạo, cho phép hiểu rõ hơn về các quy tắc thay vì chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt.
Tranh cãi vì vi phạm quyền tự do ngôn luận
Việc gỡ bỏ nội dung của tiến sĩ Drew đã tạo nên một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ liên quan đến cách kiểm duyệt của YouTube, cùng với tác động của nó đến quyền tự do ngôn luận. Theo đó, rất nhiều người đã lập luận rằng hành động của YouTube đại diện cho một hình thức kiểm duyệt “độc tài” hơn là việc lắng nghe và điều chỉnh có trách nhiệm. Bằng cách buộc những quan điểm khác biệt im lặng, kể cả từ những chuyên gia có kinh nghiệm, khiến nền tảng này có nguy cơ tạo ra một môi trường mà chỉ một câu chuyện duy nhất tồn tại.
Ngoài ra, cách làm áp đặt của YouTube khi liên tục gỡ bỏ nội dung bị coi là thông tin sai lệch có thể làm giảm niềm tin công chúng vào cả nền tảng truyền thông xã hội và các cơ quan y tế nếu người dùng cảm thấy rằng những lo ngại của họ bị bác bỏ thay vì được giải quyết thông qua việc thảo luận và chia sẻ. Hơn nữa, việc hạn chế thảo luận xung quanh an toàn vắc-xin có thể tác động tiêu cực đến việc nói lên những quan ngại, nghiên cứu khoa học một cách logic để đưa ra những cập nhật mới nhất cũng như giải pháp phòng ngừa cho những quan ngại đó. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến sự hoài nghi gia tăng về cách các cơ quan y tế hoạt động khi người bệnh không được phép nói lên những quan điểm khác biệt.
Kết luận
Sự cố liên quan đến bác sĩ Drew Pinsky cho thấy thách thức mà các nền tảng mạng xã hội phải đối mặt trong việc cân bằng giữa kiểm duyệt nội dung và bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Trong khi nỗ lực chống lại thông tin sai lệch là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chúng không nên đánh đổi bằng việc hạn chế đối thoại mở hoặc làm im lặng những lo ngại hợp pháp từ các chuyên gia.
Với những thách thức này, không chỉ YouTube mà các nền tảng mạng xã hội khác cần minh bạch hơn trong việc thực thi chính sách của mình và tạo môi trường khuyến khích tranh luận mang tính xây dựng và phát triển, nhất là với những vấn đề nhạy cảm như độ an toàn của vaccine. Rõ ràng, việc cho không gian thảo luận, ngay cả khi nó thách thức những quan điểm truyền thống, vốn là cách để khoa học tiến bộ cũng như để duy trì sự tin cậy từ người dùng.