
Chúng ta bây giờ đang sống mà không thể thiếu smartphone, mà thứ rất quan trọng trên smartphone mà chúng ta thường không hay để ý đến chính là viên pin. Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào smartphone khiến việc hiểu rõ về công nghệ pin bên trong và cách tối ưu hóa hiệu suất, độ bền của nó trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, đi cùng với đó là những quan niệm, hiểu lầm về chuyện pin và sạc pin từ những thế hệ pin cũ sang thế hệ pin mới sau này như Li-ion và Li-Po. Trong chủ đề bài này mình muốn chia sẻ đến các bạn để phá bỏ đi những hiểu lầm về pin để chúng ta dùng máy sướng hơn, hiệu quả hơn.
Lầm tưởng 1: Không nên sạc pin qua đêm
Với các công nghệ pin cũ trước đây như Niken-Cadmi chẳng hạn, việc sạc pin qua đêm hay chúng ta còn quen gọi là sạc nhồi có thể gây hại cho pin. Nhưng với thế hệ pin mới như Li-ion hay Li-Po cùng với sự phát triển của công nghệ quản lý điện năng trên các thiết bị ngày nay, việc sạc pin qua đêm không còn là vấn đề nữa.
Hầu hết các smartphone và bộ sạc đạt chuẩn hiện nay đều được trang bị mạch quản lý năng lượng thông minh. Mạch này sẽ tự động ngắt dòng sạc khi pin đạt 100% dung lượng. Do đó, nguy cơ "sạc nhồi" (overcharging) theo kiểu cũ gây phồng pin hoặc cháy nổ là cực kỳ thấp nếu bạn sử dụng thiết bị và bộ sạc chất lượng.
Hiện nay không chỉ ở khía cạnh hệ điều hành như íOS hay Android, ngay các nhà sản xuất như Samsung, Xiaomi, vivo hay OPPO đều có những tính năng để tối ưu cho việc sạc pin (hoặc nạp năng lượng), đặc biệt với các hãng áp dụng các công nghệ sạc nhanh công suất cao từ Trung Quốc.
Trên iOS hay macOS có tính năng Optimized Battery Charging để tối ưu hóa việc sạc pin khi để máy sạc qua đêm, hay Android và các OEM cũng có tính năng tương tự. Tức là khi bạn cắm sạc máy qua đêm, máy sẽ sạc đến 80% và giữ ở đó cho đến khi máy dự đoán bạn sắp ngủ dậy thì tự động sạc đầy lên 100%.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng việc sạc pin và duy trì mức pin 100% liên tục trong nhiều giờ liền cũng không phải là điều tốt. Vì việc luôn "ép" pin ở mức dung lượng 100% sẽ làm cho pin bị "stress" và thúc đẩy nhanh hơn quá trình lão hoá của pin.
Lầm tưởng 2: Phải dùng cạn pin thì mới sạc
Đó không hẳn là quan niệm sử dụng máy là nhiều khi là thói quen sử dụng. Mình biết rất nhiều người có thói quen dùng máy đến khi pin chỉ là 1-2% hay thậm chí là tắt nguồn luôn mới chịu đi sạc và điều này gây hại cho pin hơn là lợi.
Vì sao lại là hại nhiều hơn lợi? Đối với công nghệ pin cũ thì pin sẽ có một hiệu ứng gọi là "memory effect", đây là hiện tượng giảm dung lượng pin khi pin không được xả hết trước khi sạc lại. Nói cách khác nếu pin không được nạp lại từ mức 0% thì nó sẽ "quên" đi dung lượng thực mà nó có, thay vào đó nó sẽ nghĩ nó chỉ có dung lượng và thời lượng dùng như thói quen sử dụng của người dùng.
Nhưng đó cũng là câu chuyện của công nghệ pin cũ mà thôi, đối với pin Li-ion hay Li-Po thì nó không có memory effect. Ngược lại, việc cố tình xả cạn pin Li-ion về 0% thường xuyên sẽ làm giảm tuổi thọ của pin. Có thể có trường hợp cần xả cạn và sạc đầy 1-2 lần mỗi năm để giúp hệ điều hành "hiệu chỉnh" lại việc hiển thị phần trăm pin cho chính xác, nhưng việc này không liên quan đến việc "chống chai pin".
Lầm tưởng 3: Máy mới mua về phải sạc đủ 8 tiếng cho 3 lần đầu tiên
Cách dùng này cũng xuất phát từ công nghệ pin cũ, còn với pin Li-ion và Li-Po hiện đại ngày nay, việc này là hoàn toàn không cần thiết.
Thứ nhất là pin Li-ion hay Li-Po không có memory effect và từ đó thì nó đã được các nhà sản xuất tối ưu hoá để đạt dung lượng tốt nhất ngay từ những lần sạc đầu tiên rồi. Vì thế, khi mua máy về bạn cứ dùng và sạc như bình thường, không cần phải chờ 8 tiếng làm gì cả.
Lầm tưởng 4: Sạc nhanh có hại cho pin
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ pin và thời lượng dùng pin chính là nhiệt độ. Và đa phần khi sạc nhanh, máy sẽ toả nhiều nhiệt và từ đó có quan niệm cho rằng sạc nhanh có hại cho pin.
Thực tế là, các công nghệ sạc nhanh hiện tại được thiết kế với nhiều cơ chế an toàn và quản lý nhiệt độ, và bản chất việc sạc nhanh không trực tiếp hay gây hại cho pin mà đến từ chính thói quen sử dụng của chúng ta.
Như đã nói, nhiệt độ là kẻ thù của pin và sạc nhanh thì phát sinh ra nhiệt, nhưng cách sạc nhanh như thế nào sẽ gây hại cho pin? Đó là khi bạn sạc nhanh và liên tục từ 0-100%, bản chất việc đưa máy cạn pin để đi sạc và lặp đi lặp lại chuyện đó nhiều lần đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình lão hoá của pin rồi chứ chưa nói đến việc bạn sạc nhanh cho máy và nhiệt độ khi sạc tăng cao.
Vì thế, bạn nên sạc nhanh ở một quãng thời gian nhất định và ở một mức dung lượng nhất định, tốt nhất là trong khoảng từ 20-80%.
Lầm tưởng 5: Sạc đi kèm máy là tốt nhất
Nếu bạn không biết nhiều về các loại sạc đang có ngoài thị trường thì quan niệm này đúng, nhưng đâu phải lúc nào hãng cũng hào phóng tặng bạn củ sạc khi mua máy.
Apple và Samsung đã không còn tặng kèm củ sạc trong máy từ lâu, may ra chỉ còn vài hãng Trung Quốc mà thôi. Và bản thân Apple và Samsung hay các hãng không tặng sạc nhưng họ lại bán sạc riêng, và về bản chất bạn cần xem điện thoại của mình tương thích với chuẩn sạc nào.
Các bộ sạc bên thứ ba có lợi thế hơn so với các bộ sạc của hãng đó là công suất, khả năng sạc tương thích với nhiều thiết bị, nhiều cổng sạc và nhiều công nghệ hơn. Lấy ví dụ cá nhân mình đã từ lâu không còn dùng sạc của hãng nữa vì cổng sạc hạn chế và giá thì thường cao hơn các bộ sạc bên thứ ba.
Nhưng sạc bên thứ ba cũng có nhiều loại không có các chứng nhận hay không có các biện pháp bảo vệ, thường là các loại sạc nhái các thương hiệu khác, sạc không có thương hiệu uy tín, không có nguồn gốc rõ ràng. Bạn nên nhớ, không có gì là ngon, bổ và rẻ cả, đã rẻ thì chưa chắc đã ngon và bổ. Mình thấy nhiều bộ sạc bán chỉ vài chục ngàn trên các sàn thương mại điện tử và đó là những bộ sạc không nên mua.
Đó là những lầm tưởng phổ biến mà nhiều người thường hay (hoặc vẫn hay) nghĩ về việc sạc pin trên điện thoại, nếu còn những lầm tưởng nào khác thì mời bạn đóng góp thêm dưới bình luận. Bài sau mình sẽ tiếp tục với một số chủ đề khác về các công nghệ pin đã được phát triển từ trước đến nay.