Những phân tích và dự đoán của Aiden Reiter và Robert Armstrong của tờ Financial Times.
Hồi tháng 8, thẩm phán toà án liên bang đưa ra phán quyết rằng, mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo trực tuyến của Google, trực thuộc tập đoàn Alphabet là một đơn vị vận hành độc quyền, thậm chí có những hành vi trái pháp luật để đảm bảo vị thế độc quyền ở hai thị trường công nghệ kể trên. Khi ấy, giá cổ phiếu tập đoàn Alphabet chẳng thay đổi.
Nhưng cho tới thời điểm các công tố viên thuộc bộ tư pháp Mỹ đưa ra những giải pháp để giải quyết tình hình độc quyền của Google, thị trường rõ ràng đã để ý. Giá cổ phiếu Alphabet giảm 5% giá trị. Tóm tắt lại thì, Bộ tư pháp Mỹ muốn Google làm những điều sau:
- Thoái vốn mảng kinh doanh trình duyệt Chrome
- Dừng trả tiền cho những bên như Apple để Google là công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị công nghệ
- Đồng ý việc không đầu tư hoặc sáp nhập với những công cụ tìm kiếm hay trình duyệt khác
- Công khai toàn bộ dữ liệu tìm kiếm của người dùng Google
- Cung cấp cho các đơn vị quảng cáo và người tiêu dùng quyền quản lý cũng như minh bạch hơn trong vận hành
Vấn đề hiện giờ là chưa một ai dám dự đoán tỷ lệ phần trăm thẩm phán toà án liên bang sẽ đồng tình với tất cả những yêu cầu kể trên của bên công tố. Và nếu giả định là Alphabet sẽ phải làm tất cả những gạch đầu dòng kể trên, sau khi họ thua kiện, thì chưa rõ liệu tập đoàn có thành công trong việc tái cơ cấu tập đoàn để tránh khỏi những hệ quả tiêu cực về mặt tài chính hay không.
Lịch sử việc quản lý chống độc quyền của Mỹ, xét riêng trên thị trường công nghệ, đặc biệt là nhờ vào một án lệ là vụ kiện giữa bộ tư pháp Mỹ và Microsoft cho thấy, trong một ngành dễ ngả về việc một tập đoàn độc quyền cả ngành theo xu hướng vô cùng tự nhiên, rất khó để chúng ta đảo ngược lại những gì đã diễn ra.
Nhưng trong vụ việc này, các công tố viên của bộ tư pháp Mỹ nắm trong tay một vũ khí cực kỳ đáng gờm: Thẩm phán liên bang, ông Amit Mehta hoàn toàn có thể đe doạ Alphabet việc ép họ phải thoái vốn thứ tài sản kinh doanh quan trọng không kém, hệ điều hành Android. Hiện tại, Android đang chiếm khoảng 70% tổng thị phần smartphone toàn cầu. Theo bộ tư pháp Mỹ, hiện tại họ không đưa ra yêu cầu Google phải thoái vốn Android, một phần để khuyến khích Google dừng những hành động cạnh tranh độc quyền. Theo Bill Baer, cựu giám đốc mảng chống độc quyền của bộ tư pháp Mỹ, có thể bộ nhắm vào mảng Chrome vì thoái vốn mảng này sẽ gọn gàng và dễ hơn so với việc thoái vốn Android.
Hãy đưa ra một dự đoán. Nếu Chrome bị tách khỏi Alphabet, những khoản thanh toán từ Google cho các hãng và các đơn vị khác dừng lại, dữ liệu được chia sẻ. Điều đó sẽ thay đổi thị trường tìm kiếm trực tuyến như thế nào? Google có thể vẫn sẽ giữ được vị thế và thị phần trên thị trường tìm kiếm trực tuyến, vì mọi người vẫn đang quá quen sử dụng công cụ này. Và khi Google không mất cả chục tỷ USD trả cho Apple, thì khoản đó sẽ chính là doanh thu mà Apple thâm hụt, còn Google sẽ lấy lại được nó. Mọi thứ sẽ chỉ thay đổi khi có ai đó xuất hiện cùng một công cụ tìm kiếm tốt hơn, thứ mà mọi người muốn đổi sang sử dụng.
Điều đó đưa chúng ta đến với một câu hỏi thực sự quan trọng và hấp dẫn: Liệu chủ sở hữu kế tiếp của Chrome có biến nó trở thành một nền tảng cạnh tranh trực tiếp với Google hay không? Chrome hiện tại, giống hệt Android, đang là trình duyệt được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Thị phần và số lượng người dùng của Chrome quan trọng và giá trị đối với Google tới mức trình duyệt này được Google phân phối hoàn toàn miễn phí.
Chrome đương nhiên có thể trở thành một doanh nghiệp vận hành độc lập như Firefox của Mozilla. Nhưng khi xây dựng mảng kinh doanh và quảng cáo trực tuyến từ con số 0 sẽ khiến mảng Chrome tốn thời gian sau khi được tách khỏi Alphabet.
Hoàn toàn có khả năng một gã khổng lồ trong ngành trí tuệ nhân tạo như Meta, OpenAI, Anthropic hay thậm chí là Amazon sẽ bỏ tiền mua lại Chrome. Nếu họ ghép công cụ tìm kiếm trực tuyến vận hành nhờ vào mô hình ngôn ngữ AI vào Chrome, có khi chúng ta sẽ có một giải pháp tìm kiếm thông tin hoàn toàn mới và xứng đáng dùng thử.
Vì thế, nếu bộ tư pháp Mỹ muốn thị trường tìm kiếm trực tuyến trở nên cạnh tranh hơn, bẻ gãy vị thế độc tôn của Google hiện tại, họ sẽ không nên ngăn cản một tập đoàn công nghệ lớn vung tiền ra mua Chrome.