
Các nhà khoa học Đức vừa công bố phát hiện một “đường hầm vũ trụ” (cosmic tunnel) hướng thẳng về phía chòm sao Centaurus, nơi có hệ sao Alpha Centauri, vốn là hệ sao gần Mặt Trời nhất.
Phát hiện này được thực hiện nhờ kính viễn vọng không gian tia X eROSITA, cho phép các nhà thiên văn quan sát chi tiết cấu trúc khí nóng, mật độ thấp trong khu vực lân cận Hệ Mặt Trời.
Đường hầm liên sao (interstellar tunnel) này thực chất là một kênh khí ion hóa nóng, kéo dài xuyên qua môi trường liên sao lạnh hơn xung quanh. Nó là một phần của “bong bóng khí nóng cục bộ” (Local Hot Bubble – LHB), vốn là một vùng không gian rộng lớn chứa khí nóng ở nhiệt độ hàng triệu độ, bao quanh Hệ Mặt Trời và trải dài hàng trăm năm ánh sáng. Các nhà khoa học cho rằng bong bóng này hình thành từ hàng loạt vụ nổ siêu tân tinh cách đây khoảng 14 triệu năm, làm sạch và nung nóng không gian xung quanh.
Nhờ khả năng lập bản đồ 3D và độ nhạy cao của eROSITA, các nhà nghiên cứu đã phát hiện đường hầm này hướng về phía chòm sao Centaurus, nơi tọa lạc của hệ Alpha Centauri. Alpha Centauri là hệ sao gần nhất với Mặt Trời, bao gồm ba ngôi sao: Alpha Centauri A, Alpha Centauri B và Proxima Centauri. Đặc biệt, Proxima Centauri có ít nhất hai hành tinh, trong đó Proxima b nằm trong “vùng Goldilocks”. Vùng Goldilocks này được coi là khu vực có điều kiện nhiệt độ phù hợp để nước tồn tại ở dạng lỏng, làm dấy lên hy vọng về khả năng tồn tại sự sống.
Tuy nhiên, “đường hầm” này không phải là một “hố sâu không gian” (wormhole) như trong khoa học viễn tưởng, mà chỉ là một kênh khí nóng nối liền các bong bóng khí lớn trong thiên hà. Phát hiện này củng cố giả thuyết lâu nay rằng Dải Ngân Hà được đan xen bởi mạng lưới các bong bóng và đường hầm khí nóng, hình thành và phát triển nhờ gió sao và các vụ nổ siêu tân tinh.
Việc phát hiện đường hầm hướng về phía Alpha Centauri giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cấu trúc và lịch sử của môi trường liên sao quanh Hệ Mặt Trời. Nó cũng cho thấy không gian giữa các ngôi sao không hề tĩnh lặng mà vô cùng năng động, liên kết chặt chẽ bởi các dòng vật chất và năng lượng. Tuy không phải là “con đường tắt” để đến Alpha Centauri, phát hiện này mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về sự tiến hóa của môi trường liên sao và lịch sử hoạt động của các ngôi sao trong Dải Ngân Hà.