Gần đây, chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức trục vong, giải hạn lại có xu hướng diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, khiến người dân bức xúc, lo lắng, trong đó có những vụ việc, đối tượng lừa đảo của bị hại lên đến 28 tỷ đồng
Chiêu trò “trục vong, giải hạn”, lừa 28 tỷ đồng
Mới đây, ngày 28/10 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 5, thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phan Thị Thu Trang ( SN 1990, trú tại quận 5) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, Trang sử dụng mạng xã hội Facebook, Tiktok với các nick name như: Phan Thu Trang, Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang, rồi đăng tải bài viết nhằm thu hút người dân có nhu cầu xem bói, tử vi, tướng số và bán các vật phẩm phong thủy. Khi có người liên hệ, Trang bịa ra các câu chuyện tâm linh nhằm thao túng tâm lý khách hàng.
Những người nào tâm lý yếu, tin vào chuyện tâm linh, dần dần sẽ "sập bẫy" lừa của “cô đồng”. Sau đó, người này yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong. Sau khi nhận được tiền của các nạn nhân, Phan Thị Thu Trang trả nợ và tiêu xài cá nhân. Tính đến hiện tại, tổng số tiền Trang chiếm đoạt là hơn 28 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2023, TAND thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tuyên phạt Trương Thị Hương (SN 1986, còn gọi là cô đồng bổ cau đúng nhận sai cãi) 7 năm, 3 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, vào tháng 2/2022, lợi dụng sự mê tín của vợ chồng anh P.S.T, cô đồng này xem bói, đưa ra thông tin gian dối nếu không làm lễ giải hạn thì bố anh này sẽ gặp hạn, tiền của làm ra sẽ mất hết. Tin lời “cô đồng” này, vợ chồng anh T. chuyển tổng số 62,5 triệu đồng cho 2 lần. Sau khi làm lễ, anh P.S.T thấy cuộc sống và công việc vẫn gặp khó khăn như trước, bố anh bị tai biến nên một năm sau người này làm đơn trình báo Công an thị xã Kinh Môn.
Đến đầu tháng 12/2022, nữ bị cáo tiếp tục lợi dụng sự mê tín của vợ chồng anh T.T.X (ở Hải Phòng) rồi xem bói, đưa ra thông tin gian dối về việc nhà anh bị yểm bùa, có ma quỷ quấy phá, gia đình có vận hạn. Hương nói với anh T.T.X để giải vận hạn và bán được nhà thì phải làm lễ giải hạn. Tin lời, gia đình anh T.T.X đã hai lần chuyển tổng cộng 180 triệu đồng. Sau khi làm lễ xong và chờ hết tháng 12/2023 vẫn không bán được nhà, công việc không thuận lợi nên anh T.T.X đã gửi đơn tố giác hành vi của Trương Thị Hương tới công an địa phương.
Tổng số tiền nữ cô đồng bổ cau "đúng nhận, sai cãi" chiếm đoạt của hai bị hại trên là 242,5 triệu đồng.
Ngoài 2 bị hại trên, cơ quan điều tra còn nhận được 3 đơn tố giác của một số người khác tại thị xã Kinh Môn nhưng người dân không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh. Do đó, cơ quan điều tra không đủ căn cứ để xử lý bị cáo.
Có thể thấy, mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tuyên truyền mê tín dị đoan để lừa đảo, nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”. Chỉ cần nhập từ khóa “coi bói online” trên các nền tảng mạng xã hội, với hình thức quảng cáo rầm rộ đủ mọi “dịch vụ tâm linh”, các trang web, tài khoản mạng xã hội này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi, chia sẻ.
Một số tài khoản còn tự xưng là “thầy”, “cô”, “cậu”…, quảng cáo có năng lực đặc biệt, luận giải được mọi vận hạn của đời người thông qua các đường chỉ tay, tướng mạo… Ngoài việc livestream bói toán, bán hàng phong thủy giả, những “dịch vụ tâm linh” này còn bị một số kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán vật phẩm phong thủy mang màu sắc mê tín dị đoan và đánh cắp thông tin cá nhân. Và thực tế, đã có nhiều người “sa lưới” vào những lời quảng cáo gắn với “mác tâm linh” cầu an, giải hạn, xua đuổi rủi ro, bệnh tật.
Người dân cẩn trọng
Trước thực trạng này, Trung tá, Tiến sĩ Bùi Thị Liên - Khoa Tâm lý, Học viện An ninh nhân dân phân tích, hình thức của các đối tượng lừa đảo chủ yếu tập trung vào hai thủ đoạn chính.
Thứ nhất, các đối tượng lừa đảo nắm bắt được tâm lý của bị hại, biết được họ đang cần nhờ cậy đến thầy bói, nhằm mục đích hỗ trợ gia đình thoát khỏi những nỗi lo về mặt tâm linh. Từ đó, bị hại đặt mọi niềm tin, mong muốn thông qua thầy bói giúp họ thoát khỏi những vận hạn, những không may mắn mà họ có thể gặp phải trong cuộc sống.
Như vậy, đó gọi là lợi dụng lòng tin, thao túng tâm lý, khiến cho nạn nhân cảm thấy lo lắng và sợ hãi.
Thủ đoạn thứ hai mà các thầy bói thường áp dụng là lợi dụng nỗi sợ tiềm tàng. Khi nỗi sợ này đã hình thành ở các nạn nhân, nó sẽ chi phối họ, khiến cho đối tượng lừa đảo đưa ra yêu cầu gì, nạn nhân dễ dàng nghe và làm theo.
“Bản thân bị hại họ đang rất lo lắng, sợ hãi khi có người nói sẽ đứng lên và giúp đỡ mình bằng các phương pháp tâm linh.Với niềm tin và sự sợ hãi đó, đối tượng lừa đảo lợi dụng điều này, tác động đến nạn nhân và khiến cho tâm lý nạn nhân mất đi sự tỉnh táo và sáng suốt trong quyết định nên chuyển tiền cho đối tượng để nhờ cậy”- Tiến sỹ Liên nói.
Tiến sĩ Bùi Thị Liên cho biết, trong những trường hợp bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bao giờ nạn nhân cũng mong muốn sớm được trả lại tiền đã bị lừa.
Trong trường hợp này, Trung tá Bùi Thị Liên cho rằng, người dân cần đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan điều tra trực tiếp vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để trình báo các thông tin về quá trình mình bị lừa. Trong đó, cần phải lưu ý đến việc cần phải cung cấp các bằng chứng, những tin nhắn, hoặc những giao dịch chuyển khoản, hoặc liên quan đến những giao dịch về mặt tài sản.
Tuy nhiên, theo Trung tá Liên, cần phải có thời gian tương đối dài để tiến hành điều tra. Và bản thân người phạm tội, người lừa đảo còn phải có khả năng khắc phục được hậu quả, hành vi phạm tội của mình gây ra.
Từ những tình huống này, theo Trung tá Liên bài học rút ra đối với người dân đó là cần phải hết sức cảnh giác trước những hoạt động tôn giáo bộc lộ dấu hiệu trục lợi. Ví dụ, họ yêu cầu, đòi hỏi phải nộp nhiều tiền để thực hành một hoạt động nào đó, một nghi thức nào đó, người dân cũng cần phải chọn lọc.
Bởi, tất cả các hoạt động tôn giáo đều có cốt lõi bên trong là vô cùng tích cực và tốt đẹp chứ không trên cơ sở trục lợi tiền bạc.
“Chúng ta phải hết sức cảnh giác, cần có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia, những người có hiểu biết, thậm chí là những người thân trong gia đình để có được sự đồng thuận, hoặc có lời khuyên thích đáng trước khi chúng ta tiến hành thực hiện những nghi thức đó, cũng như là niềm tin tôn giáo cụ thể”- Trung tá Liên nói.