
Hồi trước mình chạy bộ tầm 1km là thở hổn hển rồi, nhưng bây giờ có thể chạy tầm 21km mà không phải tập quá nhiều. Có người còn chạy siêu marathon nữa. Thực tế thì sức người có thể chạy liên tục trong bao lâu mà không nghỉ?
Trong bài viết trên LiveScience, người ta cho rằng con người đang tiến hoá tốt hơn cho việc chạy, và giới hạn đôi khi nằm ở ý chí và mong muốn chứ không hẳn là thể chất. Và quan trọng nữa là, chúng ta còn cần phải đi vệ sinh và ngủ nghỉ chứ không thể chạy liên tục như một chiếc máy.
Vậy con người có thể chạy trong bao lâu mới phải ngừng? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần xác định "dừng lại" nghĩa là gì.
Kỷ lục: chạy liên tục 3,5 ngày - 4,5 ngày, chạy xuyên nước Mỹ 47 ngày rưỡi
Dean Karnazes đang nắm giữ kỷ lục không chính thức về quãng đường chạy dài nhất mà không ngủ – 563 km trong vòng ba ngày rưỡi vào năm 2005.
Năm 2023, vận động viên ultrarunning Harvey Lewis lập kỷ lục mới trong một cuộc đua mang tên "backyard ultra", nơi người tham gia phải hoàn thành một vòng chạy dài 6,7 km mỗi giờ, liên tục cho đến khi chỉ còn lại một người duy nhất. Lewis đã hoàn thành 108 vòng trong 108 giờ (tương đương 4,5 ngày), đạt tổng quãng đường 724 km, chỉ nghỉ vài phút mỗi giờ trước khi tiếp tục.
Do các vận động viên ultramarathon thường có những khoảng nghỉ ngắn để đi bộ, ăn uống, buộc lại dây giày, đi vệ sinh hoặc thậm chí ngủ (tùy vào loại và độ dài cuộc đua), nên không có kỷ lục chính thức nào cho việc chạy liên tục không ngừng. Nhưng nếu có, yếu tố sinh lý sẽ là rào cản lớn nhất.
"Theo tôi, nhu cầu đi vệ sinh sẽ là giới hạn lớn nhất," Jenny Hoffman – một nhà vật lý tại Đại học Harvard đồng thời là vận động viên ultrarunning – nhận định. Hoffman hiện đang nắm giữ kỷ lục chạy bộ nhanh nhất xuyên nước Mỹ dành cho nữ, với thời gian 47 ngày, 12 giờ và 35 phút.
Ngoài những yếu tố sinh lý, con người có nhiều đặc điểm giúp chúng ta chạy bền tốt hơn, theo Guillaume Millet – nhà sinh lý học tại Đại học Jean Monnet ở Pháp. Cụ thể, cơ mông lớn giúp tăng lực đẩy về phía trước, khả năng lưu trữ năng lượng đàn hồi trong gân và cơ, cùng với các dây chằng cổ chắc khỏe giúp giữ ổn định đầu khi chạy.
Con người cũng thích nghi tốt với việc chạy trong điều kiện nóng nhờ khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể qua mồ hôi. "Ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài rất cao, chúng ta vẫn có thể giữ nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định – điều này mang lại lợi thế lớn so với hầu hết các loài khác," Millet chia sẻ với Live Science.
Giới hạn sẽ bị phá vỡ nhưng con người không tiên hoá để chạy quá dài
Dù có những đặc điểm này, con người thực chất không tiến hóa để chạy những quãng đường quá dài. "Từ xưa đến nay, con người phải lao động vất vả để sinh tồn," Daniel Lieberman – nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Harvard – cho biết. "Nếu chạy đúng kỹ thuật, tránh chấn thương và bổ sung năng lượng hợp lý, cơ thể con người có thể làm được những điều phi thường. Nhưng đó không phải là điều chúng ta tiến hóa để làm – mà là tận dụng khả năng sẵn có ở mức tối đa."
Có nhiều yếu tố khiến một người chạy phải dừng lại – từ chấn thương, mệt mỏi cơ bắp cho đến thiếu ngủ. Tuy nhiên, yếu tố tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng. Để có thể chạy liên tục trong nhiều ngày, các vận động viên ultrarunning phải vượt qua cơn đau và sự kiệt sức bằng ý chí.
"Con người có một khả năng phi thường để ép bản thân làm những điều không tưởng. Bạn phải thực sự muốn làm điều đó," Lieberman nói. "Yếu tố quan trọng nhất giới hạn sức bền của con người chính là tinh thần."
Những người chinh phục cột mốc này cần có quá trình luyện tập kỹ lưỡng để tránh chấn thương. Trước khi thực hiện hành trình chạy xuyên nước Mỹ, Jenny Hoffman đã tập chạy tới 322 km mỗi tuần để đảm bảo thể lực và độ bền của xương trước áp lực lặp đi lặp lại từ mặt đường.
Dù vậy, ngày càng có nhiều người thử sức với ultramarathon, với số lượng người tham gia tăng đến 1.676% từ năm 1996 đến 2020. Khi bộ môn này ngày càng phổ biến, những vận động viên mới sẽ tiếp tục thử thách và có thể phá vỡ những kỷ lục cũ.
"Tôi nghĩ giới hạn này sẽ còn bị đẩy xa hơn nữa," Hoffman nhận định.