Mặc dù món khoai tây chiên nổi tiếng được cho là có nguồn gốc từ Pháp, nhưng thực tế là người Pháp trước đây từng không ưa chuộng loại củ này. Họ từng coi khoai tây là thức ăn dành cho heo và tin rằng nó có thể gây bệnh phong cho những ai ăn phải. Thậm chí, vào năm 1748, Quốc hội Pháp còn chính thức ban hành lệnh cấm khoai tây. Vậy làm thế nào khoai tây lại trở thành thực phẩm phổ biến và được người Pháp chấp nhận rộng rãi?
Khoai tây được người Tây Ban Nha du nhập từ Nam Mỹ đến châu Âu vào khoảng những năm 1500. Tuy nhiên vào khi đó, người Pháp lại từ chối chấp nhận loại củ này và chỉ dùng nó cho mục đích chăn nuôi mà thôi.
Mọi chuyện thay đổi từ đâu?
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi nhờ Antoine-Augustin Parmentier - một dược sĩ và nhà nông nghiệp người Pháp, ông từng là dược sĩ cho quân đội trong Chiến tranh 7 năm từ năm 1754 đến năm 1763. Trong khoảng thời gian này, Parmentier đã bị người Phổ bắt giữ. Vì biết người Pháp coi khoai tây là một thức ăn có độc, người Phổ đã bắt tù nhân phải trồng trọt và ăn khoai tây mỗi ngày. Parmentier cũng không ngoại lệ, ông đã ăn và nhận ra quan niệm của người Pháp về khoai tây là sai.
Sau khi được thả về Paris vào năm 1763, Parmentier bắt đầu các nghiên cứu về dinh dưỡng của khoai tây. Đến năm 1772, sự kiên trì của Parmentier đã có kết quả khi Viện Y khoa Paris tuyên bố khoai tây là thực phẩm an toàn mà con người có thể tiêu thụ, bác bỏ những quan niệm sai lầm trước đây của người dân. Năm 1773, lệnh cấm khoai tây bị gỡ bỏ. Cùng năm đó, Parmentier còn nhận được giải thưởng từ Học viện Besancon cho nghiên cứu chứng minh rằng khoai tây là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho những bệnh nhân mắc bệnh kiết lỵ.
Dù vậy, người Pháp vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận khoai tây. Không nản lòng, Parmentier đã tổ chức các buổi tiệc khoai tây, mời những người nổi tiếng như Benjamin Franklin và nhà hoá học Antoine Lavoisier. Có lần, Parmentier còn làm một bó hoa từ khoai tây để tặng Vua và Nữ Hoàng Pháp.
Bên cạnh đó, Parmentier còn nghĩ ra một cách độc đáo. Đó là dùng miếng đất được Vua Louis XVI ban tặng ở Sablons để trồng khoai tây. Sau đó, ông cho đặt những người lính canh có vũ trang xung quanh để bảo vệ nông trại khoai tây, nhằm để mọi người nghĩ rằng khoai tây là một loại thực phẩm quý giá. Đồng thời, ông còn ra lệnh cho lính canh phải để cho những kẻ trộm khoai tây trốn thoát. Nếu bất kỳ kẻ nào đưa hối lộ, những người lính canh sẽ được hưởng toàn bộ, bất kể lớn hay nhỏ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều vụ “trộm” khoai tây đã diễn ra ở nông trại của Parmentier. Các vụ trộm đã giúp khoai tây trở nên phổ biến hơn. Thời gian sau đó, Cách mạng Pháp diễn ra, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Chính nạn đói năm 1785 đã giúp khoai tây được chấp nhận rộng rãi ở Pháp. Đến năm 1795, khoai tây được trồng rộng rãi, ngay cả các khu vườn hoàng gia ở Tuileries cũng được cải tạo để trở thành những nông trại khoai tây. Vậy là, từ một loại củ không được chấp nhận, khoai tây đã trở thành một món ăn phổ biến trong văn hoá ẩm thực nước Pháp.