Việc giảm thuế GTGT trong hai quý đầu năm 2025 sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ và địa phương cho ý kiếnvề giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2025.
Các ý kiến, đóng góp từ các bộ, ngành và địa phương sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp trước ngày 18-11 nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành, nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế sớm được thụ hưởng chính sách giảm thuế GTGT.
Theo tờ trình, việc đề xuất tiếp tục chính sách giảm thuế GTGT năm 2025 nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 218/NQ-CP ngày 12-11-2024.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2025, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc nhóm được ưu đãi thuế: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thời gian áp dụng từ 1-1-2025 đến hết 30-6-2025.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, việc giảm thuế GTGT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân tổng cộng khoảng 51.400 tỉ đồng. Năm 2023, việc giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23.400 tỉ đồng.
Năm 2024, số thuế GTGT được giảm ước khoảng 49.000 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc tiếp tục chính sách giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025 sẽ khiến giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT trong hai quý đầu năm 2025 sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ. Từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Riêng đối với người dân, việc giảm trực tiếp 2% thuế suất thuế GTGT sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ giảm giá bán. Từ đó, người dân có nhiều cơ hội mua hàng hóa với giá rẻ hơn, tăng hiệu quả tiết kiệm chi phí và hỗ trợ phục hồi các mô hình sản xuất, kinh doanh cũng như cải thiện sức khỏe tài chính tiêu dùng.