Galaxy Z Fold 7 bản 16GB RAM: anh em nghĩ Samsung đang ủ mưu gì với Galaxy AI của họ?

12/07/2025 08:24
Galaxy Z Fold 7 bản 16GB RAM: Samsung đang ủ mưu gì với Galaxy AI của họ?
Không chỉ gây ấn tượng với thiết kế quá mỏng, nhiều nâng cấp camera như mong đợi của nhiều người dùng mà Samsung Galaxy Z Fold 7 còn có một điểm thú vị chính là tùy chọn 16GB RAM và 1TB ROM. Ngay từ khi nhìn thấy tùy chọn cấu hình này, câu hỏi mình đặt ra trong đầu là tại sao một chiếc smartphone như Z Fold 7 lại cần tới 16GB RAM, con số vốn thường nằm trên bảng cấu hình của những chiếc laptop hiệu năng cao hay các điện thoại gaming nặng?

12GB RAM đã được minh chứng thực tế là quá đủ cho mọi thứ mà người dùng cần xưa giờ trên một chiếc smartphone, hà cớ gì Z Fold 7 phải có tùy chọn này? Liệu có một yếu tố nào khác trên chiếc Z Fold 7 đòi hỏi phải có RAM cao mới đảm bảo tính "Ultra" mà Samsung giới thiệu về nó? Câu trả lời có thể ở các tính năng phần mềm mà cụ thể là AI local mà nó sẽ đảm nhận.

Nghiên cứu nhiều hơn chúng ta thấy rõ hơn cấu hình phần cứng này hóa ra lại là một nền tảng vật lý bắt buộc cho tham vọng lớn hơn nhiều của Samsung: một hệ sinh thái AI toàn diện, mạnh và khác so với phần còn lại của thế giới smartphone. À, qua đây, chúng ta cũng hiểu rõ hơn AI của Samsung khác gì AI của các hãng khác hay gần hơn, câu hỏi mà mình được rất nhiều bạn thắc mắc: "Con AI trên điện thoại là Gemini của Google làm mà!". Thế nhưng, với điện thoại Samsung thì mọi thứ không đơn giản như vậy!

Screenshot-2025-07-08-at-11.50.08 AM.jpg


Theo lối nghĩ truyền thống xưa giờ, một thiết bị nhiều RAM hơn đồng nghĩa với bạn có thể chạy nhiều ứng dụng cùng lúc một cách mượt mà hơn mà không bị giật lag. Tuy nhiên, với sự ra đời của AI trên thiết bị, RAM giờ đây còn là yếu tố quan trọng quyết định khả năng xử lý của chính các mô hình AI. Các chuyên gia trong ngành hiện coi 16GB RAM là yêu cầu tối thiểu cho các thiết bị thông minh thế hệ tiếp theo - Next gen Smartphone và smartphone AI không thể nằm ngoài điều đó.

Cụ thể, các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - bản chất công nghệ của hầu hết các "con AI" hiện tại đều cần RAM. Các model AI này được huấn luyện với hàng tỷ tham số và khi nó được dùng để chạy một tác vụ, một phần lớn hoặc thậm chí là toàn bộ cả model này cần được load vào RAM của điện thoại. Lúc này, dung lượng RAM lớn hơn sẽ cho phép load được các model lớn hơn, phức tạp hơn. Các model càng lớn thì nó sẽ càng thông minh hơn, có năng lực cao hơn và phục vụ người dùng chính xác hơn.

llustration-of-offloading-an-LLM-in-a-multi-level-storage-system-Only-a-few-layers-of.png
Ảnh minh họa cách các tham số của model LLM được load vào RAM, CPU, GPU RAM hay ROM khi tính năng AI được chạy lên

Một điểm quan trọng khác của yêu cầu RAM lớn chính là context window (cửa sổ ngữ cảm). Một cách đơn giản thì đây là tổng lượng thông tin (gom cả Input của người dùng và đầu ra là phần trả lời của AI) mà một model có thể xử lý cùng một lúc. Càng nhiều RAM thì context windows lớn hơn, AI sẽ hiểu được các cuộc nói chuyện dài hơn, xử lý được các tài liệu phức tạp hơn và đưa ra các câu trả lời mạch lạc, phù hợp với ngữ cảnh hơn. Nói cách khác, RAM nhiều thì chúng ta nói chuyện lâu, nói chuyện phức tạp hơn với AI.

Dung lượng RAM cũng ảnh hưởng tới tốc độ suy luận (inference) của AI. nếu không đủ RAM, hệ thống phải liên tục đổ đỡ dữ liệu vào ROM vốn có tốc độ chậm hơn, gây ra tình trạng thắt cổ chai và làm giảm đáng kể tốc độ xử lý của AI. Với 16GB RAM, toàn bộ các tác vụ AI trên điện thoại có thể được giữ trong RAM vốn có tốc độ rất cao, từ đó đảm bảo các tính năng AI sẽ được phản hồi tức thì.
1-CzZNjIZVyxGRN-4ajcxJdQ.png
Minh họa các model được lượng tử hóa (quantization) để làm giảm kích thước

Cuối cùng, RAM nhiều còn hỗ trợ việc lượng tử hóa (quantization) tối ưu hơn. Sơ một chút về chỗ này. Để các model lớn chạy được trên các thiết bị có phần cứng giới hạn như smartphone, người ta phải sử dụng một kỹ thuật gọi là lượng tử hóa, nôm na là giảm kích thước của nó. Điều này sẽ làm giảm độ chính xác của các tham số của model, thí dụ như từ 32bit xuống còn có 4bit hay 8bit.

QUẢNG CÁO


Ở đây sẽ có một nguyên tắc chung là chạy một mô hình lớn ở mức lượng tử hóa thấp sẽ cho kết quả tốt hơn là chạy một mô hình nhỏ ở mức lượng tử hóa cao. Thí dụ bạn chạy một model lớn nhưng quantization 4 bit sẽ hiệu quả hơn là chạy model nhỏ nhưng quantization 8 bit. Khi này, RAM 16GB chắc chắn sẽ cung cấp dung lượng cần thiết để chạy các model lớn này hiệu quả hơn.

Có thể thấy, vai trò của RAM hiện tại đã chuyển từ hỗ trợ chạy đa nhiệm như truyền thống sang vai trò là sân chơi của các model AI chạy trên thiết bị mà không cần mạng. Khi người dùng xài một tính năng có AI, đầu tiên model cần phải được load vào RAM, sau đó nhận lệnh của người dùng, đi suy luận (inference) và trả kết quả về, xong lại ngồi đợi coi người dùng có hỏi gì nối tiếp không để hiểu bối cảnh và trả lời tiếp. RAM ở đây sẽ đảm bảo không chỉ model được load nhanh mà tốc độ, độ trễ sẽ được tối ưu, hỗ trợ nói chuyện dài, liên tục. Thí dụ, RAM nhiều thì bạn sẽ gọi AI lên nhanh hơn, nó phản hồi tức thì, nói chuyện lâu vẫn hiều đoạn trước đó mà không cần bắt người dùng đợi hay trả lời bậy.

Với các lợi ích trên, rõ ràng dung lượng 16GB RAM là con số đảm bảo cho một chiếc máy cao cấp vốn được tuyên bố là hỗ trợ 8 năm cập nhật OS như Galaxy Z Fold 7 có thể vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiếc AI Smartphone ở hiện tại và tương lai.

Nhưng đến đây, chắc chắn chúng ta sẽ thắc mắc, "ủa, chạy AI là cụ thể chạy cái gì?"


Câu trả lời chính là các tính năng phiên dịch trực tiếp, trợ lý chat, trình phiên dịch, tóm tắt nội dung ở nhiều nơi về lưu trong Samsung Notes hay các xử lý đa phương thức.
cirle-to-search.jpg


Thí dụ như tính năng dịch các cuộc gọi thoại theo thời gian thực sẽ yêu AI cầu xử lý local để có độ trễ thấp và hoạt động không cần mạng. 16GB RAM đảm bảo quá trình dịch diễn ra mượt mà mà không làm chậm các chức năng khác của điện thoại. Tương tự các tính năng dịch thuật, thay đổi văn phong và sửa lỗi ngữ pháp trong Bàn phím Samsung và ứng dụng Trình phiên dịch đều được hưởng lợi từ việc xử lý nhanh trên thiết bị, giúp các cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên.

Hơn nữa, xu hướng hiện tại là AI cần phải xử lý cùng lúc nhiều loại dữ liệu (gồm đồng thời văn bản, giọng nói, hình ảnh), gọi là model đa phương thức (cũng là cái được trang bị cho Galaxy Z Fold 7) vốn đều đòi lượng lớn RAM để giữ luồng data chạy mượt cùng lúc.

Bởi thế, RAM nhiều không còn chỉ phục vụ cho khái niệm đa nhiệm nặng hay game thủ, mà chính xác hơn với vai trò AI Smartphone, thì nó còn đảm bảo cho Z Fold 7 nói riêng hay bất cứ chiếc smartphone AI nào chạy được các tính năng AI tiên tiến sẽ được phát hành trong các bản cập nhật phần mềm trong tương lai, trong khi các thiết bị có ít RAM hơn có thể không chạy được.

Trên đây là các tính năng AI chạy local không cần mạng được tích hợp sẵn ngay trên các máy Galaxy và đã được tối ưu hóa từ phần cứng vật lý để hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng mà "Ủa em, vậy còn con AI trên điện thoại là Gemini, nó chạy online trên mây mà ta! Rồi còn Galaxy AI là sao nữa?" Câu chuyện của cái gọi là "Galaxy AI" mà Samsung áp dụng cho Z Fold 7 không đơn giản như vậy mà bao gồm sự kết hợp từ hàng nhà họ trồng với cả Gemini, phân chia các nhiệm vụ để chạy các tính năng được gọi chung là AI.


Trong cuộc đua vũ trang AI, việc chỉ dựa vào công nghệ của đối tác, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng tiềm ẩn rủi ro chiến lược. Một công ty có quy mô và tham vọng như Samsung chắc chắn hiểu rõ điều này hơn ai hết. Do đó, song song việc hợp tác với Google, từ 2023, Samsung đã âm thầm phát triển vũ khí của riêng mình: mô hình ngôn ngữ lớn mang tên Samsung Gauss. Đây không chỉ là một sản phẩm công nghệ, mà còn là một nước cờ phòng thủ, cho thấy con bài muốn sự độc lập và là nền tảng cốt lõi để tạo ra sự khác biệt hóa cho toàn bộ hệ sinh thái Galaxy so với các OEM khác trong thế giới smartphone, tất nhiên, bao gồm cả Apple.
samsung-gauss-ai-4.jpg

Câu chuyện về Samsung Gauss không bắt đầu từ bộ phận R&D thuần túy, mà từ một cuộc khủng hoảng bảo mật nội bộ. Việc phát triển mô hình này được đẩy mạnh sau các báo cáo về việc nhân viên Samsung đã vô tình làm rò rỉ dữ liệu nhạy cảm của công ty khi sử dụng các công cụ AI tạo sinh của bên thứ ba như ChatGPT. Sự cố này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, dẫn đến việc Samsung cấm sử dụng các hệ thống AI công cộng trong nội bộ vào tháng 5 năm 2023 và đẩy nhanh quá trình phát triển một giải pháp "cây nhà lá vườn" do họ tự phát triển.

Được giới thiệu tại hội nghị lập trình viên Samsung AI vào cuối 2023, model Gauss (đật theo tên của nhà toán học Carl Friedrich Gauss, người đã đặt nền móng cho lý thuyết phân phối chuẩn, cũng chính là xương sống của machine learning và AI về sau này) được giới thiệu với 3 thành phần chuyên biệt là Gauss Language (xử lý các tác vụ ngôn ngữ như soạn email, tóm tắt văn bản và dịch thuật,...), Gauss Code (dành cho developer Samsung code nhanh hơn) và Gauss Image (model genAI hình ảnh, tạo và chỉnh sửa ảnh, đổi phong cách, bổ sung chi tiết, nâng độ phân giải ảnh,...).
8645133-tinhte-duc-trai-nghiem-s25-ultra-07.jpg

Một năm sau đó, Samsung cho ra mắt Gauss 2 nhưng họ thay đổi cách tiếp cận. Lúc này Gauss 2 đã là một model đa phương thức có thể xử lý đồng thời cả ngôn ngữ, hình ảnh, giọng nói và code. Đáng chú ý hơn, lúc này Gauss 2 được phát hành với 3 kích thước gồm compact (nhỏ gọn, tối ưu việc chạy on device), blanced (cân bằng giữa hiệu suất và tốc độ) và Supreme (model có kiến thúc MoE Mixture of Expert tương tự như cách tiếp cận của DeepSeek đình đám hồi đầu năm) để đạt hiệu suất cao nhưng vẫn có chi phí tính toán thấp.

Việc Samsung sử dụng model nào trên Z Fold 7 hay các máy khác, thậm chí là tầm trung tất nhiên vẫn là một bí ẩn. Hay thậm chí, từ đó đến giờ vẫn chưa có thông tin về Gauss 3 nhưng với những tính năng AI mới, câu hỏi "có hay không một model mới, mạnh hơn, nhưng cũng đòi phần cứng cao cấp hơn" chắc chắn sẽ được chúng ta đặt ra khi thấy những tính năng AI hiện tại hoặc sắp tới trên các máy cao cấp của hãng.

Ban đầu, Gauss được định vị là một công cụ nội bộ, được thiết kế để nâng cao năng suất của nhân viên trong một môi trường được kiểm soát và an toàn. Tuy nhiên, Samsung đã nhanh chóng nhận ra rằng những lo ngại về quyền riêng tư trong môi trường doanh nghiệp cũng chính là mối quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng cá nhân. Đồng thời, họ cũng nhanh chóng nhận ra rằng việc tự phát triển một model có khả năng ngang với Google hay OpenAI là điều cực kỳ khó khăn. Từ đó, một chiến lược khác được hình thành: biến một giải pháp AI cho nội bộ xài trở thành một nền tảng AI dành cho người, cái mà sau đó vài năm chính là Galaxy AI.
[​IMG]

Nếu để ý, các bạn sẽ thấy từ năm ngoái, Samsung bắt đầu quảng bá mạnh mẽ khả năng xử lý AI on-device như một cam kết về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu người dùng. Soi chiếu lại sẽ thấy các tính năng như dịch cuộc gọi, thông dịch, gợi ý viết hay sửa trên Samsung Keyboard đều chạy offline và rõ ràng, đều xoay quanh câu chuyện quyền riêng tư. Thậm chí, trong cài đặt Galaxy AI còn có hẳn tùy chọn "Chỉ xử lý dữ liệu trên thiết bị" (Process data only on device) để khẳng định điều đó.

Trên thực tế, khi thị trường điện thoại đã bão hòa, việc tạo sự khác biệt chỉ bằng phần cứng ngày càng trở nên khó khăn thì cuộc chiến giờ đây nằm ở phần mềm và trải nghiệm người dùng. Samsung tự sở hữu model Gauss và triển khai nó thành các ứng dụng AI chạy cục bộ trên smartphone Galaxy đã cho thấy chiến lược tạo sự khác biệt của họ so với các nhà sản xuất khác về mặt trải nghiệm người dùng.

Bằng cách vẫn có Gemini siêu thông minh của Google, nhưng xài AI cây nhà lá vườn để "điều hướng kết quả tạo ra bởi Gemini" vào các ứng dụng của Samsung, đồng thời vận hành các tính năng AI riêng chạy local, họ đã làm OneUI ngày càng trở nên khác biệt hơn. Các tính năng AI được tối ưu hóa riêng cho bút S Pen, cho ứng dụng Samsung Notes , cho Bàn phím Samsung , hay cho ứng dụng Bộ sưu tập ảnh đều là những trải nghiệm mà các nhà sản xuất Android khác, vốn chỉ đơn thuần cấp phép dịch vụ của Google, không thể dễ dàng sao chép, đẩy họ vào thế cũng phải có một model như Gauss của Samsung (như cách mà Xiaomi đang làm với XiaoAI hay Oppo với OAI của họ).

Và mình nghĩ, đây cũng là cách Samsung dùng để thuyết phục người dùng lựa chọn Samsung thay vì một thương hiệu khác, ngay cả khi cả hai đều chạy trên cùng một nền tảng Android. Bằng cách này, Samsung tránh được việc trở thành một công cụ cho AI của Google mà thay vào đó, họ cũng muốn có con đường triển khai trải nghiệm người dùng cho họ ở thời đại mới. Lúc này, rõ ràng mối quan hệ giữa Samsung và Google đã trở thành co-opetition (tạm dịch là "cạnh tranh hợp tác), vừa là đối tác nhưng cũng vừa là đối thủ. Họ hợp tác ở chỗ có lợi ích chung và cạnh tranh ở chỗ cần tạo ra giá trị riêng. Làm rõ mối quan hệ này, chúng ta sẽ có câu trả lời cuối cùng rằng Galaxy AI là cái gì.

ChatGPT-Image-11-28-18-8-thg-7,-2025.jpg

Samsung là một đế chế phần cứng trong khi thế mạnh cốt lõi của Google nằm ở phần mềm, tìm kiếm và xử lý dữ liệu quy mô lớn. Việc tự mình xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn trên nền tảng đám mây để cạnh tranh trực tiếp với Gemini, GPT-4 hay Llama là một nhiệm vụ cực kỳ tốn kém về cả tài chính và thời gian. Vì vậy thay vì lao vào một cuộc chiến không cân sức, Samsung đã chọn cách qua chơi với người dẫn đầu.

Điều này giúp Samsung có thể nhanh chóng đưa các tính năng gen AI lên điện thoại của họ để sớm cạnh tranh với các hãng sản xuất khác. Bằng chứng là Samsung chính là công ty đầu tiên đem gen AI lên điện thoại vào 2 năm trước. Đổi lại tại thời điểm đó, Google cũng có được một kênh phân phối khổng lồ, một lượng dữ liệu khổng lồ, giúp họ nhanh chóng lấy lại thế cân bằng với OpenAI và được phân phối rộng rãi như hiện tại.

Để tránh chồng chéo và xung đột, Samsung đã triển khai AI của họ và Gemini của Google theo những vai trò rất khác nhau. Galaxy AI chính xác là một bộ công cụ tích hợp giúp tăng cường các ứng dụng và chức năng hiện có. Nóâm thầm chạy ở chế độ nền, làm cho các ứng dụng như Bộ sưu tập, Ghi chú, Bàn phím, Trình duyệt Samsung Internet trở nên thông minh hơn. Ngược lại, Google Gemini được định vị là trợ lý đàm thoại chính thay cho Google Assistant và dần đảm nhận vai trò của Bixby cho các truy vấn mục đích chung và các tác vụ phức tạp, đa ứng dụng.

Nói cách khác, Gemini được dùng là "giao diện" để người dùng có thể trò chuyện trực tiếp với AI. Sau đó, kết quả của cuộc trò chuyện sẽ được agent AI của Samsung đẩy về các ứng dụng AI của Samsung xử lý tiếp. Cũng chính vì lý do người dùng cứ thấy AI là thấy Gemini trên điện thoại Galaxy nên nhiều người mặc định luôn "AI trên điện thoại là của Google làm" là thế.


Sơ đồ này minh họa cho dễ hình dung những “con AI” nằm trong cái gọi là Galaxy AI của Samsung. Cái này chỉ nôm na thôi nha bởi các tính năng còn nói chuyện với nhau qua các agent và có thể hybrid vừa online, vừa on device tùy tình huống. Dù vậy các tính năng trọng yếu thì được phân chia sẵn ngay từ đầu là online hay offline, đồng thời người dùng cũng có thể chủ động tắt sử dụng online nếu muốn.

Các ứng dụng AI local vận hành bởi Samsung Gauss (và có thể có cả Gemini Nano) là một phần của Galaxy AI. Bản chất Galaxy AI là một kiến trúc lai kết hợp giữa xử lý local và trên mây, tùy vào từng tác vụ cụ thể. Các tác vụ cần AI trên thiết bị cần tốc độ cao, độ trễ thấp, cần đảm bảo tính bảo mật, riêng tư, đòi hỏi phải hoạt động khi không có internet như phiên dịch trực tiếp, dịch cuộc gọi thoại, trợ lý chat vốn có khả năng đọc bàn phím, dịch cơ bản,... sẽ được xử lý bởi các model on device như Gauss. Lúc này, RAM 16GB và Snapdragon 8 Elite for Galaxy của Qualcomm sẽ chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, các tác vụ đòi hỏi sức mạnh tính toán cực lớn như chỉnh sửa ảnh tạo sinh trong Gallery ảnh, tóm tắt văn bản phức tạp, Circle to search, tìm kiếm đa phương thức,... vốn cần chạy các model lớn sẽ được chuyển lên đám mây xử lý bởi các máy chủ của Google. Bằng cách kết hợp này, Samsung đã tận dụng những điểm mạnh của cả 2 phía để tác vụ "AI" nào cũng cho kết quả tốt.
Zfold 7 AI-2.jpg

Tóm lại, Galaxy AI có thể hiểu là một kiến trúc được Samsung triển khai, trong đó có hoạt động của Model Gauss do họ phát triển và cả Gemini của Google. Và cho tới đây, chúng ta cũng thấy được chiến dịch quảng cáo "Galaxy AI Hiểu tiếng Việt" là có cơ sở. Bản chất model Gauss vẫn cần hiểu được tiếng Việt để chạy các tác vụ dịch cuộc gọi thoại, sửa văn bản tiếng Việt,.... nên họ đã hợp tác với các trường đại học ở Việt Nam để fine tune model này bằng những data sets được cấp phép và có chất lượng cao để hiểu được chính xác không chỉ tiếng Việt mà còn cả ngữ điệu, phương ngữ, các thuật ngữ genZ sau này,....

Vậy tới đây, Bixby thì sao? Có thể thấy nó vẫn không hoàn toàn bị khai tử mà chuyển sang một nhiệm vụ khác. Một cách sòng phẳng, Bixby không thể cạnh tranh với Gemini về kiến thức phổ thông hay khả năng đàm thoại tự nhiên. Nhưng nó có lợi thế là đã được tích hợp sâu vào phần cứng và phần mềm của Samsung, không chỉ trên điện thoại mà còn trên TV, tủ lạnh, máy giặt và toàn bộ hệ sinh thái SmartThings.

Các động thái gần đây cho thấy rõ hơn vai trò tương lai của Bixby có thể sẽ chuyển từ một "công cụ trả lời" (answer engine) thành một "công cụ điều khiển thiết bị" (device control engine) chuyên dụng cho hệ sinh thái SmartThings của Samsung. Nếu như câu hỏi "Thủ đô của Pháp là gì?" sẽ dành cho Gemini trả lời sau khi bạn nhấn giữ nút nguồn, thì bạn có thể ra lệnh cho Bixby, được vận hành bởi Gauss, thực hiện các tác vụ phức tạp trên thiết bị như "kiểm tra coi máy sấy xong chưa" khi đang xem TV NeoQLED 4K chẳng hạn.

Có thể thấy, rõ ràng con số 16GB RAM mà chúng ta thắc mắc ban đầu đã có lời giải. Nó không phải là con số dư thừa mà rõ ràng là nền móng vật lý cho ngôi nhà AI có kiến trúc quá phức tạp, được xây bằng gạch Gauss sản xuất bởi Samsung lẫn vật liệu Gemini do Google cung cấp. Một cách nôm na thì Samsung đã 2 chân đạp 2 thuyền, một chân tận dụng sức mạnh của Google để không chậm chân trong cuộc đưa AI (nhiều khi để đối trọng xứng đáng với liên minh Apple - OpenAI), chân thứ 2 thì tự xây dựng năng lực cốt lõi Gauss để đảm bảo độc lập và bọc bằng quyền riêng tư không thể ngọt ngào hơn.

Ở hiện tại và tương lai, cuộc chiến smartphone hay chính xác hơn là AI di động sẽ không chỉ là về việc ai có nhiều tính năng hơn, mà là ai có thể tích hợp chúng một cách liền mạch, hữu ích và đáng tin cậy nhất. Cách tiếp cận của Samsung cho thấy rõ hơn cách họ chuẩn bị cho tương lai đó, nơi mà phần cứng và phần mềm phải cùng nhau song hành để tạo ra trải nghiệm thông minh cho người dùng.

Và vì vậy, nếu bạn đã có ý định mua hay nâng cấp từ Z Fold cũ lên Z Fold 7 vì sự sexy, độ mỏng hay camera mạnh, nhớ sẵn tiện chọn luôn bản 16GB RAM nếu được để tránh bực mình sau này.

Tin xem thêm

Galaxy Z Fold 7 bản 16GB RAM: anh em nghĩ Samsung đang ủ mưu gì với Galaxy AI của họ?

Chuyên mục UH Plus
12/07/2025 08:24

Galaxy Z Fold 7 bản 16GB RAM: Samsung đang ủ mưu gì với Galaxy AI của họ?

Thời điểm hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, thực hiện từ tháng 7/2025

Chuyên mục UH Plus
12/07/2025 08:21

Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 12/2025/TT-BNV quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có nội dung về thời điểm hưở...

Đồng hồ Garmin đã có Google Maps cho anh em nhé, quá mừng!!!

Chuyên mục UH Plus
11/07/2025 10:31

Đồng hồ Garmin đã có Google Maps

Microsoft vừa tiết lộ rằng họ đã tiết kiệm được hơn 500 triệu đô la đó anh em

Chuyên mục UH Plus
11/07/2025 10:28

Microsoft vừa tiết lộ rằng họ đã tiết kiệm được hơn 500 triệu đô la

Thời tiết ngày 11/7: Mưa lớn diện rộng, cảnh báo lũ quét ở Bắc Bộ và Trung Bộ

Chuyên mục UH Plus
11/07/2025 10:25

Trung tâm Dự báo Khí tượng cảnh báo ngày 11/7 có mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Trung Bộ có thể gây lũ quét, sạt lở nguy hiểm tại nhiều khu vực đồi núi ở Phú Thọ, Nghệ An, Q...

Mời anh em xem tường thuật trực tiếp sự kiện Galaxy Unpacked 9 giờ tối nay

Chuyên mục UH Plus
10/07/2025 08:54

Mời anh em xem tường thuật trực tiếp sự kiện Galaxy Unpacked 9 giờ tối nay

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo mới

Chuyên mục UH Plus
10/07/2025 08:49

cơ quan Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo mới.

Giá vàng miếng rơi thủng mốc 121 triệu đồng/lượng

Chuyên mục UH Plus
10/07/2025 08:35

Sau khi tăng nửa triệu đồng/lượng vào phiên giao dịch liền trước thì đến hôm nay (9/7), giá vàng trong nước lại quay đầu giảm về dưới mốc 121 triệu đồng/lượng.

Mình vừa chuyển từ MacBook Pro 14-inch M1 Pro "xuống" MacBook Air 13-inch M3 và cực kì hài lòng

Chuyên mục UH Plus
08/07/2025 23:41

Mình vừa chuyển từ MacBook Pro 14-inch M1 Pro "xuống" MacBook Air 13-inch M3 và cực kì hài lòng