Các chiến đấu cơ hiện đại thường bay rất nhanh và vận tốc âm thanh không còn là một rào cản với chúng nữa, nhưng việc bay liên tục hết một quãng đường dài hàng ngàn km lại là chuyện khác. Nước Mỹ có diện tích rất rộng lớn với hai phía trông ra Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nếu chọn ra 2 thành phố lớn nhất nằm ở hai bờ đại dương là New York và Los Angeles, thì khoảng cách giữa chúng theo đường hàng không là khoảng 3.935 km.
Mỹ có 3 chiến đấu cơ tiêu biểu là F-15E Strike Eagle, F-22 Raptor và F-35A Lightning II. Những máy bay này đều có thông số ấn tượng và đều đạt tốc độ siêu thanh, nhưng để vượt qua chặng đường gần 4 ngàn cây số của nước Mỹ thì cả ba đều phải tiếp nhiên liệu trên không và không thể giữ vững tốc độ đó trong suốt hành trình. Thay vào đó, chúng cần bay chậm hơn tốc độ âm thanh khi làm một nhiệm vụ dài hơi như vậy.
F-22
F-22 là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới. Nó có thể thực hiện mọi loại nhiệm vụ, từ tấn công mặt đất và chiếm ưu thế trên không, tác chiến điện tử cho tới thu thập thông tin tình báo. F-22 sử dụng 2 động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney F119-PW-100, mỗi động cơ có lực đẩy 160 kN. Động cơ này giúp F-22 đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 (2.778 km/giờ).
F-22 có một điểm vượt trội là tính năng siêu hành trình, giúp nó bay được tốc độ hành trình ở mức siêu thanh: Hơn Mach 1,5 (1.852 km/giờ). Con số này nhanh hơn đáng kể so với tốc độ hành trình chỉ ở mức cận âm của F-15E lẫn F-35.
Một chiếc F-22 có thể bay xa 2.977 km, đạt gần 76% quãng đường bay ngang nước Mỹ nên nó cần tiếp nhiên liệu trên không trong 10 phút. Để bay hết 3.935 km với tốc độ 1.852 km/giờ cần 2 tiếng 7 phút, nếu thêm 10 phút tiếp nhiên liệu thì sẽ mất 2 giờ 17 phút.
Có một vấn đề là việc giữ tốc độ siêu hành trình suốt gần 4.000 km sẽ rất hao nhiên liệu, nên nếu có đi hết nước Mỹ thì F-22 sẽ bay ở tốc độ hành trình tiêu chuẩn là 1.110 km/giờ. Như vậy sẽ mất 3 giờ 42 phút để bay, tính luôn 10 phút tiếp nhiên liệu. Con số này chưa xét đến các yếu tố phức tạp tác động như tốc độ gió, thời gian cất và hạ cánh, sự thay đổi vận tốc, v.v… mà chỉ là thời gian tối thiểu để bay từ New York đến Los Angeles.
F-35A
F-35 là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 tiên tiến hàng đầu hiện nay. Nó có 3 phiên bản là F-35A/B/C và được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng năm 2015. Trong đó Không quân vận hành chiếc F-35A, Thủy quân lục chiến dùng F-35B, còn Hải quân sử dụng biến thể F-35C.
F-35A chỉ có 1 động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney F135-PW-100, cung cấp lực đẩy 190 kN. Động cơ này giúp nó đạt tốc độ tối đa Mach 1.6 (1.975 km/giờ), chậm hơn mức tối đa của F-22 lẫn F-15E.
Để băng ngang nước Mỹ nó cần bay ở tốc độ hành trình là Mach 0,86 (1.062 km/giờ). Do chỉ có các thùng nhiên liệu bên trong, F-35A có phạm vi bay vỏn vẹn 2.172 km và rất cần phải tiếp nhiên liệu. Để bay hết 3.935 km với tốc độ 1.062 km/giờ, nó cần 3 tiếng 42 phút. Khi tính luôn 10 phút tiếp nhiên liệu thì sẽ mất 3 tiếng 52 phút để F-35A bay ngang nước Mỹ.
F-15E
F-15E là chiến đấu cơ tấn công thế hệ thứ 4, đã ra mắt từ năm 1988 và được nâng cấp nhiều lần suốt hơn 30 năm qua. F-15E được trang bị 2 động cơ Pratt & Whitney F100-PW-220 hoặc F100-PW-229, giúp máy bay đạt tốc độ lên tới Mach 2,5 (3.087 km/giờ). Tất nhiên là nó không thể duy trì tốc độ đó trong chuyến bay xuyên quốc gia.
Tốc độ hành trình của F-15E chậm hơn mức tối đa nhiều, rơi vào khoảng 925 km/giờ. Nhờ các thùng nhiên liệu quy chuẩn cùng với 3 thùng nhiên liệu bên ngoài nên F-15E có phạm vi bay 3.862 km.
Dù chỉ thiếu 73 km nữa là bay được hết bề ngang nước Mỹ, nhưng đằng nào thì nó cũng phải tiếp nhiên liệu. Để bay hết 3.935 km với tốc độ 925 km/giờ cần 4 tiếng 15 phút, nếu cộng thêm 10 phút tiếp nhiên liệu thì sẽ mất 4 tiếng 25 phút.
Nhìn chung thì F-22 là tiêm kích có thời gian bay ngắn nhất nhưng lại cần đến 2 động cơ để đạt thành tích này. Trong khi đó F-35A bay chậm hơn vài phút mà chỉ có 1 động cơ, còn F-15E có tốc độ tối đa lớn nhất song lại thiếu sức bền. Tất cả đã chỉ ra F-35A là máy bay có sự tối ưu nhất. Có thể thấy các động cơ tiên tiến hiện nay như F135-PW-100 của F-35 không còn ưu tiên tốc độ quá cao nữa mà hướng đến sự cân bằng giữa vận tốc và sức bền.