
Trong một thông cáo vừa công bố gần đây, hãng chip hiện không có CEO chính thức này cho hay họ đã dời lại thời điểm hoàn tất xây dựng tổ hợp đầu tiên (Mod 1) của nhà máy chip tại New Albany, hạt Licking, bang Ohio (Mỹ) tới tận 2030. Trong đó việc sản xuất của Mod 1 sẽ chỉ bắt đầu giữa 2030 - 2031. Còn tổ hợp 2 (Mod 2) sẽ hoàn tất trong 2031 và bắt đầu sản xuất vào 2023. Đây là lần thứ 2 công ty này thay đổi lại tiến độ dự án, các bất ổn về CHIPS Act có thể là nguồn cội của vấn đề.
Phối cảnh tổ hợp 1 nhà máy chip Ohio của Intel
Tổ hợp nhà máy sản xuất chip tại Ohio của Intel, còn được gọi là Trái tim Silicon (Silicon Heartland), đã được khởi công từ tận 2022, với mục tiêu ban đầu là hoàn tất xây dựng trong năm nay. Tuy vậy rất nhiều vấn đề xảy ra đặc biệt từ năm ngoái đã khiến công ty này ra quyết định lùi lại thời điểm hoàn công Mod 1 tới 2027-2028. Tại thời điểm đó, các chính trị gia bang vẫn rất lạc quan với dự án. Về cơ bản, dự án tổ hợp nhà máy Ohio dự kiến sẽ áp dụng những tiến trình bán dẫn mới nhất của hãng như Intel 14A và 14A-E, sử dụng những cỗ máy Twinscan EXE:5200 (High-NA EUV) đắt đỏ nhất do ASML sản xuất. Nên việc chậm đi vài năm vẫn có thể chấp nhận được.
Về chi tiết dự án, đây là một tổ hợp sản xuất có diện tích tới 4 km2, cho phép xây được tới 8 nhà máy fab cũng như thêm không gian cho các công ty đối tác cung ứng nguyên liệu khác nếu cần. Tổng chi phí dự toán ban đầu của Intel cho toàn bộ tổ hợp này tới 100 tỷ USD. Với vòng đầu tư đầu tiên tốn khoảng 28 tỷ. Tính tới hiện tại, toàn bộ phần móng công trình đã được làm xong, phần xây dựng phía trên đang được tiến hành. Intel cho biết họ đã lắp đặt 36 khối vật tư siêu trường siêu trọng. Trong đó có 4 khối "ngoại cỡ" dùng cho việc chia tách buồng hơi trong các nhà máy.
Một thông tin thú vị là dù vừa cho biết dự án này sẽ bị chậm lại, Intel vẫn đang tiếp tục tuyển dụng nhân sự ở Ohio để huấn luyện tại Arizona, New Mexico và Oregon. Nó cho thấy việc trì hoãn này dường như không đến từ khó khăn kỹ thuật mà dường như từ... ý chí con người.
Naga Chandrasekaran, phó chủ tịch tập đoàn kiêm trưởng giám đốc vận hành toàn cầu của Intel Foundry, nêu trong thông cáo: "Chúng ta chọn bước đi khôn ngoan nhằm đảm bảo chúng ta sẽ hoàn tất dự án theo cách có trách nhiệm về tài chính rằng Ohio One sẽ thành công tốt đẹp trong tương lai. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng với tốc độ chậm hơn, trong khi vẫn duy trì được tính uyển chuyển để tăng tốc tiến độ và bắt đầu vận hành nếu khách hàng cần sự đảm bảo. Nhưng tôi muốn rõ ràng và thẳng thắn với các bạn (nhân viên) về kế hoạch hiện tại của chúng ta".
Dự kiến lộ trình công nghệ Intel 14A sẽ đi vào sản xuất trong 2027
Nói cách khác, Intel hoàn toàn có thể hoàn tất đúng tiến độ (đã được sửa sang 2027-2028). Song họ chọn cách "đi chậm lại và quan sát tình hình". Thực tế việc xây dựng nhà máy, ngoài "xây dựng" ra còn là vấn đề mua sắm trang thiết bị sản xuất. Ở đây rõ nhất là các cỗ máy High-NA EUV có giá không dưới 350 triệu USD. Có thể thấy công ty này ngoài việc sử dụng nguồn vốn tự có, họ TỪNG trông chờ vào nguồn trợ cấp chính phủ, cụ thể là chương trình CHIPS Act. Nhưng chỉ trong chưa tới 2 tháng làm chủ Nhà Trắng, tổng thống Mỹ đời thứ 47 muốn xoá sổ hoàn toàn CHIPS Act và tất nhiên, sẽ không có xu nào để hỗ trợ Intel.
Toàn cảnh dự án nhà máy chip Ohio của Intel tới đầu 2025
Thế nên cái mốc 2030 mới hoàn tất sẽ rơi vào nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đời thứ 48. Còn lúc đó mọi thứ ra sao thì... cứ chờ thôi!