Anh em có biết: Elon Musk từng suýt trở thành giám đốc điều hành của OpenAI!

Anh em có biết: Elon Musk từng suýt trở thành giám đốc điều hành của OpenAI!

Những nguồn tin của Semafor vừa rồi đã hé lộ thời điểm những ngày đầu tiên startup OpenAI bắt đầu hoạt động. Những thông tin này đã giải thích lý do vì sao năm 2018, Elon Musk đã rút vốn khỏi OpenAI vào năm 2018 vì bất đồng với chính nhà đồng sáng lập, Sam Altman, cũng như thất bại trong việc leo lên vị trí CEO của OpenAI.

Hồi năm 2015, khi OpenAI vừa được khai sinh, Elon Musk cùng vài nhà đầu tư lớn khác như Reid Hoffman hay Peter Thiel đã đổ hơn 1 tỷ USD cho startup nghiên cứu trí thông minh nhân tạo. Musk cũng từng có thời kỳ ngồi ở vị trí đồng chủ tịch OpenAI, và cũng từng lên tiếng ủng hộ thử nghiệm mô hình ngôn ngữ thông qua mạng xã hội Reddit.

Hôm vừa rồi, Semafor đã dẫn nguồn giấu tên, hé lộ lý do vì sao chỉ trong vòng 3 năm, mối quan hệ giữa OpenAI và Elon Musk lại trở nên xấu đi, đến mức vị tỷ phú này rời khỏi vị trí đồng chủ tịch, đồng thời ngừng rót vốn cho đủ 1 tỷ USD như lời hứa trước đó. Tính đến trước thời điểm rời khỏi ban lãnh đạo OpenAI, Musk đã đầu tư khoảng 100 triệu USD.

Hoá ra, Elon Musk từng có ý định mua lại cả OpenAI, nhưng bị hai nhà sáng lập Grag Brockman và Sam Altman phản đối gay gắt. Nguồn tin này cho rằng, giữa Musk và Altman có những mâu thuẫn gay gắt. Có thời điểm Musk lấy luôn nhân sự của OpenAI, thuê Andrej Karpathy từ OpenAI về Tesla năm 2017, cho ông này đảm nhận vị trí giám đốc mảng phát triển công nghệ xe tự hành của Tesla.

Sau khi Musk rời khỏi vị trí đồng chủ tịch, OpenAI thiếu vốn nghiên cứu thuật toán machine learning trầm trọng. Vậy là họ bị tách làm đôi. Một nửa đảm nhiệm quá trình nghiên cứu phi thương mại, nửa còn lại thì trở thành OpenAI Limited Partnership vào năm 2019, tạo ra những giải pháp thương mại hoá. Được biết, bước chuyển này là hệ quả của định hướng học tập theo Google Brain, tạo ra những mô hình AI phức tạp và tốn kém hơn, phần khác chính là vì Musk rời đi, không ai cấp thêm vốn nữa.

Trước đó, bản thân Sam Altman cũng đã cố hết sức để OpenAI tiếp tục vận hành dưới hình thức một tổ chức phi lợi nhuận. Nhưng rồi cuối cùng họ cũng phải ký thoả thuận hợp tác với Microsoft, khi gã khổng lồ công nghệ hứa rót 1 tỷ USD cho OpenAI. Con số này vừa rồi đã tăng lên 10 tỷ USD, dưới dạng chi phí vận hành hệ thống điện toán đám mây Azure với những siêu máy tính xử lý AI mà Microsoft sở hữu.

Cũng vì định hướng buộc phải thương mại hoá như vậy, nên khi GPT-4 ra mắt gần đây, đã có những người lên tiếng phê phán OpenAI khi họ không chịu cung cấp API mô hình ngôn ngữ mới một cách rộng rãi. Phía OpenAI thì nói quyết định này đến từ “nỗ lực đảm bảo an toàn” cho người dùng và “lý do cạnh tranh.”

Hai tháng vừa rồi, Elon Musk cũng đã có vài lần nhắm vào OpenAI trên Twitter, nói rằng công ty này đã trở thành “một công ty chỉ làm vì lợi nhuận, cơ bản bị kiểm soát bởi Microsoft”, dù rằng ban đầu nó được tạo ra để phát triển những giải pháp mã nguồn mở, phục vụ mục đích tạo ra đối trọng với Google. Một lần khác, Musk đặt ra câu hỏi vì sao 100 triệu USD ông này đầu tư cho một tổ chức phi lợi nhuận lại biến thành 30 tỷ USD giá trị vốn hoá (dù rằng khoản đầu tư này chỉ là một phần nhỏ so với số tiền ban đầu OpenAI nhận được). Thậm chí sau đó Musk còn giới hạn khả năng truy xuất dữ liệu công khai trên Twitter để huấn luyện mô hình ngôn ngữ.

Gần đây trong một podcast, Sam Altman gọi Elon Musk là “kẻ tồi”, nhưng cũng thừa nhận “ông ta thực sự quan tâm và lo lắng cho tương lai của nhân loại.” Cũng không loại trừ khả năng, tính cách của Musk cũng như cách ông này điều hành các công ty chính là lý do vì sao OpenAI chọn cách hợp tác với những tập đoàn công nghệ lớn khác. Động thái gần đây nhất cuả Musk, theo nhiều nguồn tin, là nói chuyện với một cựu kỹ sư từng làm việc cho DeepMind để “tạo ra phiên bản ChatGPT của riêng ông”.