Có thể anh em chưa biết: Northrop F-5: "Chim cắt" siêu thanh hạng nhẹ do Mỹ sản xuất

Có thể anh em chưa biết: Northrop F-5: "Chim cắt" siêu thanh hạng nhẹ do Mỹ sản xuất

Northrop F-5 là một dòng chiến đấu cơ hạng nhẹ siêu thanh ban đầu được Tập đoàn Northrop thiết kế như một dự án do tư nhân tài trợ vào cuối những năm 1950. Những chiếc F-5 đầu tiên được đưa vào sử dụng đầu thập niên 1960 và các biến thể mới hơn của nó cũng đã hoạt động từ đầu thập niên 1970. Là một chiến đấu cơ bền bỉ và dễ vận hành, F-5 vẫn còn hoạt động đến tận ngày nay.

Northrop F-5 có 2 mẫu tiêm kích chính, gồm phiên bản gốc F-5A/B Freedom Fighter, được đưa vào sử dụng ngày 30/7/1959 và phiên bản nâng cấp F-5E/F Tiger II được cho bay lần đầu vào ngày 11/8/1972. Khách hàng chính của tiêm kích F-5 là Hải quân Mỹ, sau này đa số tiêm kích F-5 đều phục vụ ở nước ngoài bên cạnh các nước đồng minh. Chủ yếu tập trung vào tính hiệu quả chi phí, hiệu suất cao và chi phí bảo trì thấp; F-5 dễ vận hành hơn nhiều so với các loại phản lực hạng nặng và phức tạp hơn như chiếc F-4 Phantom II của McDonnell Douglas.


Chiếc F-5 ban đầu được thiết kế để tối ưu hóa chi phí và tiết kiệm nhiên liệu, người ta dự định cho nó thực hiện một loạt các nhiệm vụ ấn tượng. Cuối năm 1958, Northrop đã giành được hợp đồng của Bộ quốc phòng Mỹ để sản xuất 3 chiếc nguyên mẫu, chiếc đầu tiên cất cánh vào ngày 30/8/1959, được trang bị một cặp động cơ tua-bin phản lực luồng General Electric YTJ85-GE-1. Nó thể hiện rất ấn tượng trong quá trình thử nghiệm và phá vỡ hàng rào âm thanh trong chuyến bay đầu tiên.

Sau gần 3 năm thử nghiệm, Lầu Năm Góc tuyên bố F-5 chính thức được chọn làm chiến đấu cơ đa năng mới để cung cấp cho các đồng minh theo Hiệp ước Tương trợ. Năm 1963, nó được đưa vào sản xuất với tên gọi Freedom Fighter và có 1.204 chiếc thuộc biến thể này được chế tạo từ năm 1959 đến 1987.

Chiếc F-5 đầu tiên được cho bay cùng với Bộ Tư lệnh Không quân Chiến thuật của Không quân Mỹ tháng 4/1964. Không quân Đế quốc Iran là quân đội nước ngoài đầu tiên mua loại tiêm kích này, họ đã đưa các phi đội F-5 vào hoạt động vào tháng 2/1965. Không quân Hoàng gia Hy Lạp đưa vào biên chế hai phi đội F-5 năm 1965, còn Na Uy đã mua tới 108 chiếc F-5 từ đầu năm 1967.

Nó đem lại hiệu suất ấn tượng đối với một tiêm kích chiến thuật, đạt tốc độ tới 1.487 km/giờ và độ cao tối đa đạt 15.392 mét. Bán kính tác chiến là 313,8 km, được trang bị hai súng M39A2 cỡ nòng 20 mm cộng thêm các giá treo có thể mang theo 1.995 kg vũ khí. Mặc dù chủ yếu được thiết kế cho vai trò chiếm ưu thế trên không vào ban ngày, máy bay này cũng có khả năng tấn công mặt đất.

Phiên bản F-5E đã trải qua nhiều nâng cấp lớn, trong đó nâng cấp quan trọng nhất là sử dụng radar mới, Emerson AN/APQ-159 với tầm hoạt động 37 km để thay thế loại AN/APQ-153 ban đầu. Chiếc F-5F cũng được đề xuất nâng cấp, với AN/APQ-167 sẽ thay thế AN/APQ-157, nhưng kế hoạch đã bị hủy bỏ. Phiên bản nâng cấp radar mới nhất bao gồm Emerson AN/APG-69 - bản kế thừa của AN/APQ-159, tích hợp khả năng lập bản đồ. Tuy vậy hầu hết các nước không nâng cấp radar vì lý do tài chính và radar này rất ít khi dùng tới trong các phi đội của Không quân Mỹ và Không quân Thụy Sĩ.

Sau khi nhận những chiếc F-5 Tiger đầu tiên vào năm 1979, Singapore vận hành khoảng 49 chiếc F-5S (một chỗ ngồi) và F-5T (hai chỗ ngồi) được hiện đại hóa và đến đầu thập niên 2010 mới dừng hoạt động. Các nâng cấp của Singapore bao gồm radar băng tần X FIAR Grifo-F mới của Galileo Avionica, buồng lái được nâng cấp với màn hình đa chức năng. Bản nâng cấp của Chile, được gọi là F-5 Tiger III Plus, tích hợp radar Elta EL/M-2032 mới. Còn chiếc F-5M của Brazil, bổ sung thêm một radar Grifo-F mới cùng các cải tiến về hệ thống điện tử hàng không, buồng lái và mũ bảo hiểm Dash. F-5M còn được trang bị các hệ thống vũ khí mới như tên lửa Beyond Visual Range Derby, tên lửa không đối không tầm ngắn Python IV và bom "thông minh" SMKB.

Là một di sản đáng tự hào của quá khứ, nhưng ngày nay F-5 vẫn được hơn một chục nước sử dụng trên khắp thế giới, trong đó nổi bật bao gồm Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, Không quân Thụy Sĩ, Không quân Hoàng gia Thái Lan.


Vì có nhiều nước khác nhau sử dụng, nên F-5 liên quan đến nhiều cuộc xung đột từ nhỏ đến lớn, chẳng hạn trong biến động ở Venezuela năm 1992, 3 chiếc F-5 đã bị mất do một chiếc OV-10 Bronco do phiến quân điều hành ném bom Căn cứ Không quân Barquisimeto. Ngoài ra nó cũng góp mặt trong cuộc Nội chiến Yemen, tháng 3/2015, ít nhất một chiếc F-5B và một chiếc F-5E đã bị phá hủy trên mặt đất tại Sân bay Quốc tế Sanaa bởi các cuộc oanh tạc của Không quân Hoàng gia Ả Rập Saudi.

F-5E cũng được Ả Rập Saudi triển khai trong Chiến tranh vùng Vịnh, thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ và ngăn chặn trên không chống lại các đơn vị Iraq ở Kuwait. Một chiếc F-5E của Không quân Hoàng gia Ả Rập Saudi bị bắn hạ do hỏa lực trên mặt đất vào ngày 13/2/1991, dẫn đến cái chết của phi công.