Lập trình viên ứng dụng bên châu Âu: Apple tống tiền dev chẳng khác gì mafia

Lập trình viên ứng dụng bên châu Âu: Apple tống tiền dev chẳng khác gì mafia

Trước khi đến với những tuyên bố của vài nhà phát triển ứng dụng tại châu Âu, thì mình đã có một bài tổng hợp khá chi tiểt giải thích lý do vì sao dù Apple buộc phải mở hệ sinh thái iOS cho những chợ phân phối ứng dụng bên ngoài App Store cùng tồn tại, phân phối app trên iPhone hay iPad, nhưng nhiều CEO của các ứng dụng lớn như Spotify lại coi đây là một hành động tống tiền và lách luật:

Nói ngắn gọn, muốn phân phối ứng dụng thông qua những cửa hàng phân phối của bên thứ ba, thì nhà phát triển vẫn phải cung cấp bản build cho Apple để họ phê duyệt. Và cứ mỗi lượt tải ứng dụng trên những chợ của bên thứ 3, thì đơn vị quản lý chợ ứng dụng sẽ phải trả cho Apple 0.5 Euro. Khoản phí này được Apple đặt tên là Core Technology Fee. Khoản này do chợ bỏ tiền túi hay lấy từ các nhà phát triển ứng dụng, Apple không quan tâm.

Vậy là, một cuộc chiến để giành quyền kiểm soát nền tảng phân phối ứng dụng đang diễn ra trong hệ sinh thái iPhone bên châu Âu. Các nhà phát triển ứng dụng và những tổ chức hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng đang gây sức ép để các nhà lập pháp liên minh châu Âu vào cuộc, chỉnh sửa những lỗ hổng trong đạo luật thị trường điện tử (Digital Markets Act), chính là thứ đã ép Apple phải mở hệ sinh thái iOS, trước giờ thường bị gọi là “khu vườn kín”.

Matthias Pfau, đồng sáng lập kiêm CEO Tuta, một dịch vụ thư điện tử mã hóa đưa ra tuyên bố như thế này: “Apple đang tống tiền những đơn vị phân phối ứng dụng hệt như lũ mafia.” Theo Pfau, Apple đang coi iPhone là “lãnh địa" của riêng họ, từ đó kiểm soát vô cùng chặt chẽ cách các dev tiếp cận với nền tảng, trước khi lấy đi một khoản lợi nhuận của họ: “Bất kỳ ai muốn cung cấp ứng dụng iOS đều phải trả một khoản tiền cho Apple, không có cách nào khác.”

Cũng theo vị CEO này, trong nhiều năm qua, Apple đã từ chối phân phối ứng dụng Tuta trong trường hợp ứng dụng này thêm đường link dẫn về trang chủ của công ty. Giống hệt như tất cả mọi ứng dụng iOS khác, Tuta không được phép trực tiếp thu tiền từ những người dùng mua dịch vụ, mà luôn phải qua nền tảng thanh toán của App Store.

Pfau từng kỳ vọng rằng đạo luật thị trường số mà liên minh châu Âu thông qua, dự kiến tháng 3 tới sẽ có hiệu lực sẽ cho phép các công ty phát triển ứng dụng bớt phụ thuộc vào Apple. Nhưng tiếc thay, những quy định mới “tuân thủ luật châu Âu” đang khiến Pfau cùng nhiều nhà phát triển ứng dụng khác cảm thấy thất vọng:

“Thứ họ nghĩ ra là bằng chứng rõ ràng nhất mô tả việc họ đang lợi dụng sự thống trị trên thị trường số. Apple giờ đang cư xử hệt như độc tài.”

Theo đạo luật DMA, Apple bị coi là một tập đoàn “gatekeeper”, với những hành động ngăn chặn các bên khác cùng tồn tại trên thị trường phân phối ứng dụng cho iPhone và iPad, còn App Store là cánh cửa duy nhất kết nối các doanh nghiệp với người tiêu dùng. Và những thay đổi trong cách kinh doanh phân phối ứng dụng và chia sẻ doanh thu giữa Apple và các dev sẽ phải thay đổi trước ngày 7/3 tới, nếu Apple không muốn đối mặt với án phạt lên tới 20% tổng doanh thu toàn cầu, một con số khổng lồ.

Những quy định mới để Apple tuân thủ những quy định trong đạo luật DMA về cơ bản là có thể cho phép người dùng iPhone hay iPad có thể tiếp cận những chợ ứng dụng khác, và các dev thì có thể sử dụng những hệ thống thanh toán riêng của họ, không phải đóng 30% phí chia sẻ doanh thu cho Apple nữa.

Nhưng để điều đó khả thi, thì mọi nhà phát triển ứng dụng đều sẽ phải ký với Apple thỏa thuận phân phối ứng dụng mới trên iOS. Theo Pfau, những quy định trong thỏa thuận mới là những điều khoản khiến các dev dè dặt hơn trong việc rời bỏ App Store, kể cả cửa hàng lẫn nền tảng thanh toán Apple tạo ra.

Nếu Tuta muốn tận dụng hệ thống mới, thì iPhone sẽ hiển thị những thông tin cảnh báo người dùng về những hiểm họa bảo mật khi sử dụng những nền tảng thanh toán không được Apple quản lý. Những người hoạt động vì lợi ích người tiêu dùng ở châu Âu gọi những màn hình hiển thị thông tin như thế này là “scare screen”, được tạo ra để khiến phần đông người dùng không hiểu biết rõ thông tin cảm thấy e ngại và tiếp tục ở lại với App Store.

Theo ước tính của Pfau, những “scare screen” như thế này có thể khiến một nửa người dùng ngừng thanh toán vì lo ngại những cảnh báo của Apple sẽ trở thành sự thật đối với họ.

Rồi như đã nói, là khoản tiền mang tên Core Technology Fee đã được đề cập ở trên. Nếu trong vòng 1 năm, một ứng dụng có trên 1 triệu lượt tải, thì cứ mỗi lượt tải sẽ phải trả tiền cho Apple. Pfau thừa nhận trong năm đầu tiên, Tuta, với chỉ khoảng hơn 100 nghìn người dùng trả tiền, sẽ không mất khoản phí kể trên cho Apple. “Nhưng chúng tôi đang tăng trưởng. Vì thế trong vòng vài năm nữa chắc chắn sẽ phải trả khoản phí này cho Apple.”


Một trong số những nhà phát triển ứng dụng châu Âu có những tuyên bố phản đối gay gắt nhất những thay đổi mà Apple công bố hồi tháng 1 chính là Spotify. Họ thừa nhận rằng không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục chấp nhận thỏa thuận hiện tại thay vì tìm đến một chợ ứng dụng mới, đi kèm với đó là một thỏa thuận mới.

Điều này, theo CEO Daniel Ek, đồng nghĩa với việc Spotify sẽ vẫn phải phân phối ứng dụng nghe nhạc trực tuyến của họ trên một nền tảng duy nhất, App Store. Và đương nhiên, cứ mỗi lần có ai đóng tiền nghe nhạc hàng tháng thì Spotify vẫn phải đóng khoản chia sẻ doanh thu với Apple. Dẫn lại lời CEO Daniel Ek:

“Không một dev nào tỉnh táo mà lại đi chấp nhận những quy định trong thỏa thuận mới mà Apple vừa đưa ra cả.” Ở lại với hệ thống hiện giờ không tệ với nhiều nhà phát triển và những công ty dịch vụ trực tuyến như Spotify, nhưng đi kèm với đó sẽ là thâm hụt doanh thu từ in app purchase, chẳng hạn như những người mua sách nói, một hướng đi mới của Spotify. Hiện tại ứng dụng này không bán sách nói trên ứng dụng iOS, để không phải trả phí chia sẻ doanh thu cho Apple.

Nhắc lại lời Apple. Họ luôn khẳng định những quy định mới của iOS và App Store hoàn toàn tuân thủ những quy định được đưa ra trong đạo luật DMA, cùng lúc cũng có những bước cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng từ những nguy cơ bảo mật, thứ mà Apple nói là “đi kèm với đạo luật mới.”

Người phát ngôn của Apple, Julien Trosdorf cho biết: “Cách tiếp cận đạo luật DMA của Apple dựa trên hai mục tiêu đơn giản: Tuân thủ đạo luật và làm giảm những nguy cơ chắc chắn sẽ hiện diện khi DMA có hiệu lực ở châu Âu. Điều này nghĩa là phải tạo ra những hàng rào bảo vệ người dùng châu Âu càng an toàn càng tốt, cùng lúc phản ứng lại những nguy cơ mới, bao gồm nguồn malware và virus, hay những nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và cả những thử thách đảm bảo ứng dụng chạy ổn định trên những nền tảng thiết bị Apple.”

Về phần các dev, họ không có quyền lực gì yêu cầu Apple thay đổi quy định mới, nên chỉ có một cách là gây sức ép để những nhà lập pháp điều chỉnh lại luật. Ủy ban châu Âu sau ngày 7/3 khi DMA chính thức có hiệu lực, thì các quan chức tại đây sẽ đánh giá lại giải pháp ủa Apple cũng như xác định phản ứng của thị trường.