Qua mặt Intel và Samsung, TSMC là nhà sản xuất chip có doanh thu lớn nhất thế giới

Qua mặt Intel và Samsung, TSMC là nhà sản xuất chip có doanh thu lớn nhất thế giới

Một thứ đáng ra phải xảy ra từ rất lâu nhưng mãi đến giờ mới thành sự thật, là việc TSMC thành công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới. Tuy vậy để canh đo đong đếm cho chuẩn là một bài toán khó vì mỗi con chip lại có số transistor khác nhau, công nghệ bán dẫn khác nhau. Vì thế đa số mọi so sánh đều dựa vô số tiền mà từng hãng kiếm được (nhưng vẫn không thực sự là chuẩn vì vẫn có những con chip tốn nhiều chi phí để sản xuất hơn nhưng giá bán ngoài thị trường lại thấp hơn đối thủ).

Mới đây nhất theo tổng kết của một chuyên gia tài chính người Đài Dan Nystedt, trong năm vừa qua, TSMC đã thu về được 69.3 tỷ USD, cao hơn mức 63 tỷ USD của Intel và 58 tỷ USD của Samsung, chính thức trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Một điểm nhấn thú vị là doanh thu của cả Intel lẫn Samsung cùng giảm đi so với các năm trước đó, cho thấy sự kinh doanh đi xuống của 2 công ty Mỹ và Hàn Quốc.

Tuy vậy nếu mà bàn cho rõ, những con số doanh thu chỉ thể hiện được một phần năng lực sản xuất và quy mô của từng doanh nghiệp. Lý do là vì Intel và Samsung cùng bán sản xuất cuối tới tay người dùng (B2B, B2C), còn TSMC chỉ gia công sản phẩm cho các công ty đối tác (B2B), nên sẽ không bao giờ được "hưởng trọn" số tiền mà khách hàng chi trả cho sản phẩm. Lấy ví dụ khi anh em mua một con chip có giá 300 USD từ AMD, NVIDIA hay Apple (giả sử), TSMC sẽ không bao giờ được nhận 300 USD đó mà thực lãnh sẽ tuỳ thuộc vào hợp đồng với các công ty trên (nhưng chắc chắn không bao giờ được tới 300 USD). Nhưng anh em mua con chip 300 USD đó từ Intel hay Samsung thì 2 công ty trên đều thu về được đúng 300 USD. Nói cách khác tuy cùng một công sản xuất như nhau nhưng cái bánh mà TSMC nhận được luôn nhỏ hơn 2 đối thủ.


Tất nhiên không thể bỏ qua việc chi phí R&D ban đầu mà các công ty cùng bỏ ra để thiết kế ra được con chip mới. Nhưng R&D chỉ tồn tại ở giai đoạn đầu của sản phẩm, sau khi sản phẩm đã ra mắt thị trường và hoàn vốn thì thứ còn lại sau cùng vẫn là chi phí sản xuất. Mà điều quan trọng là chi phí sản xuất gần như không thể khấu hao vì nguyên vật liệu vẫn phải đi mua và nhân công nhà máy vẫn phải hoạt động thì con chip mới có thể ra lò. Do đó dù ở bất kỳ giai đoạn nào thì chi phí hoạt động của TSMC vẫn luôn tồn tại và hệ số lợi nhuận biên rất khó để gia tăng như các công ty còn lại (nếu sản phẩm thành công, công ty sẽ thu được nhiều tiền hơn nhưng doanh thu của TSMC vẫn không đổi nếu đơn hàng vẫn giữ nguyên như cũ).

Vì thế với con số doanh thu lần này, thực sự cho thấy những nỗ lực mà TSMC đã bỏ ra không hề nhỏ. Đồng thời cũng phản ánh rõ nét việc đi xuống của cả Intel lẫn Samsung. Trong khi hệ số lợi nhuận biên vẫn cao hơn mà doanh thu còn thấp hơn thì chứng tỏ rằng sản lượng chip làm ra đã thua tụt nhiều đến thế nào so với công ty Đài Loan chỉ thuần tuý gia công sản phẩm.