Meta, Instagram, WhatsApp và vụ kiện chống độc quyền: sẽ ra sao khi Mark Zuckerberg không mua lại

Vào năm 2012, Mark Zuckerberg đã viết một tấm séc trị giá 1 tỷ đô để mua lại Instagram, lúc đó vẫn còn là một ứng dụng chia sẻ ảnh nhỏ bé chuyên dùng để áp filter. Vài năm sau, Mark lại tiếp tục chi tiếp 19 tỷ đô để sở hữu WhatsApp, một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở châu Âu và Mỹ Latin nhưng gần như không ai ở Mỹ biết đến. Cả hai thương vụ khi ấy đều bị chê là “điên rồ”, “ngông cuồng” và “thừa tiền”.
Câu chuyện mua lại Instagram và WhatsApp
Vào những năm 2012–2014, mạng xã hội vẫn còn bị nhìn nhận như đồ chơi kỹ thuật số dành cho giới trẻ. Mình còn nhớ vào giai đoạn đó, Instagram của mình ngập tràn hình ảnh bạn bè đi chơi du lịch, khoe bữa ăn sáng cùng những tấm hình được áp các bộ lọc màu ảo diệu. Trong khi đó, WhatsApp thì chỉ là một app nhắn tin không có quảng cáo, không có mô hình kinh doanh cụ thể. Ngay cả Facebook tại thời điểm đó cũng bị nghi ngờ về tính bền vững khi đợt IPO năm 2012 của công ty được đánh giá là một trong những lần lên sàn thất vọng nhất kể từ thời bong bóng dot-com.
Facebook từng bị chỉ trích khi mua lại Instagram hay WhatsApp
Thời điểm đó, Mark Zuckerberg và Facebook được xem như một nhóm những đứa trẻ không biết mình đang làm gì, chỉ biết chi tiền như nước. Một số bài báo còn kể lại trụ sở Instagram ở khu South Park Commons, San Francisco, thời điểm đó như một không gian startup ngập tràn nghệ thuật, tự do với Kevin Systrom, đồng sáng lập Instagram, vừa đi bộ vừa bàn ý tưởng quanh xích đu gỗ ngoài sân, còn Jack Dorsey từ Twitter thì vẫn đang mơ mộng các ý tưởng tương lai trong sân chơi kế bên.
Những thương vụ mua lại này đối mặt với sự chỉ trích và mỉa mai từ phía các nhà đầu tư. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh điều ngược lại khi hiện nay, Instagram là ứng dụng chủ lực cho mảng quảng cáo của Meta, đồng thời góp phần lớn trong việc định hình xu hướng toàn cầu về thời trang, âm nhạc, chính trị và thể thao. Trong khi đó, WhatsApp thì lại trở thành một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất, đóng vai trò trọng yếu trong kết nối cá nhân và cộng đồng ở hơn 180 quốc gia. Hai thương vụ từng bị cười nhạo giờ đây được coi là những cú “bắt đáy” thông minh nhất trong lịch sử công nghệ.
Phiên tòa chống độc quyền và những “kịch bản lịch sử thay thế”
Chính sự thành công này lại biến Meta trở thành tâm điểm khi một phiên toà chống độc quyền diễn ra vào ngày 14 tháng 4 vừa qua tại Washington, D.C. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã khởi xướng, cáo buộc Meta, công ty mẹ của Facebook, đã duy trì vị thế độc quyền trên thị trường mạng xã hội cá nhân thông qua việc thâu tóm hai đối thủ tiềm năng: Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014. FTC cho rằng các thương vụ này không nhằm mục đích đổi mới hay phục vụ người dùng, mà là một phần trong chiến lược “mua hoặc chôn vùi” để loại bỏ cạnh tranh và củng cố quyền lực thị trường của Meta.
Trong phiên toà này, FTC lập luận rằng Meta đã vi phạm luật chống độc quyền bằng cách mua lại các đối thủ tiềm năng để loại bỏ sự cạnh tranh, thay vì cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Cơ quan này cũng trích dẫn các email nội bộ, trong đó Zuckerberg được cho là đã viết rằng việc mua lại Instagram nhằm “vô hiệu hóa một đối thủ cạnh tranh tiềm năng”. FTC cho rằng hành vi này là bất hợp pháp và yêu cầu tòa án buộc Meta phải thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp để khôi phục sự cạnh tranh trên thị trường.
Mark Zuckerberg tại phiên toà chống độc quyền
Trong khi đó, Meta phản bác rằng các thương vụ mua lại này đã được các cơ quan quản lý phê duyệt vào thời điểm đó và đã mang lại lợi ích cho người tiêu dùng bằng cách cải thiện sản phẩm và dịch vụ. Công ty cũng cho rằng thị trường mạng xã hội hiện nay rất cạnh tranh, với sự hiện diện mạnh mẽ của các nền tảng như TikTok, YouTube, X, tiền thân của Twitter và iMessage của Apple. Meta lập luận rằng việc buộc công ty phải bán đi các ứng dụng này sẽ gây tổn hại đến người dùng và cản trở sự đổi mới.
Và cũng trong phiên toà này, cả hai bên cũng đã tranh luận xung quanh những viễn cảnh không thể kiểm chứng: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các thương vụ này không được thông qua? Có rất nhiều viễn cảnh đã có thể xảy ra: Instagram sẽ rơi vào tay Jack Dorsey và Twitter. Hay Google sẽ mua được WhatsApp và nếu thành công, cuộc cạnh tranh trên mạng xã hội có thể đã hoàn toàn khác. Ngoài ra, liệu có phải Facebook đã dìm chết các đối thủ nhỏ hơn như VSCO bằng cách nuốt chửng những cái tên nổi bật nhất? Hay ngược lại, nếu không mua, liệu Facebook có thất bại và trở thành công ty “hết thời”? Tất cả những câu hỏi này đều chỉ có thể trả lời bằng cách quay ngược thời gian.
Ở thời điểm hiện tại, phiên tòa dự kiến kéo dài khoảng 8 tuần, với sự tham gia của nhiều nhân chứng quan trọng, bao gồm CEO Mark Zuckerberg, cựu COO Sheryl Sandberg và người đứng đầu Instagram Adam Mosseri. Nếu FTC thắng kiện, Meta có thể bị buộc phải bán Instagram và WhatsApp, một hành động có thể làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc của công ty và ảnh hưởng sâu rộng đến ngành công nghệ. Bên cạnh đó, việc tách rời hai ứng dụng này không chỉ là thách thức về mặt pháp lý mà còn về mặt kỹ thuật, do chúng đã được tích hợp sâu vào hạ tầng và hệ sinh thái của Meta. Ngoài ra, kết quả của phiên tòa cũng có thể tạo ra tiền lệ quan trọng cho các vụ kiện chống độc quyền khác nhằm vào các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon và Apple.
Hệ quả đặt ra từ phiên toà này
Thực tế thì phiên toà này lại một lần nữa cho thấy sự khó đoán của giới công nghệ. Silicon Valley có thể là nơi mà các công ty đi từ một ý tưởng điên rồ đến kỳ lân chỉ trong vài năm và ngược lại. Một nửa số ứng dụng từng cạnh tranh với Facebook giờ đã không còn tồn tại. Chính sự biến động này khiến cho việc truy cứu trách nhiệm hay điều chỉnh hành vi trong thế giới công nghệ trở nên cực kỳ khó khăn. Không ai, kể cả Zuckerberg hay các cơ quan quản lý, có thể dự đoán được rằng những ứng dụng tưởng chừng như “vô tri” ngày nào lại trở thành trung tâm của câu chuyện chống độc quyền.
Ngoài ra, phiên toà này không chỉ là một cuộc đối đầu giữa một tập đoàn công nghệ khổng lồ và chính phủ Mỹ, mà còn mở ra những tranh luận sâu rộng về cách thức mà xã hội hiện đại nhìn nhận sự cạnh tranh, đổi mới và quyền lực thị trường. Tâm điểm của tranh cãi là câu hỏi liệu những thương vụ mà Zuckerberg thực hiện có phải là hành vi độc quyền được tính toán để loại bỏ đối thủ, hay đơn thuần là các quyết định mang tính chiến lược nhằm giúp Facebook sống sót và thích nghi trong một thị trường đang thay đổi chóng mặt.
Vụ kiện này có thể để lại rất nhiều hệ luỵ trong thế giới Silicon Valley thay đổi từng ngày
Bên cạnh đó, vụ kiện còn cho thấy mức độ khó khăn trong việc đánh giá những kết quả không xảy ra dựa trên những “chuyện gì nếu…” hay “giá mà…” mà cả hai bên đưa ra. Việc giả định xem điều gì đã có thể xảy ra nếu Meta không mua Instagram hoặc WhatsApp là một thách thức lớn, đặc biệt khi công nghệ luôn thay đổi, thế giới có nhiều biến số và quan trọng là các ứng dụng có thể trở nên lỗi thời chỉ sau vài năm. Cũng vì thế mà vụ kiện này càng nhấn mạnh sự biến động khôn lường của ngành công nghệ: nơi các công ty non trẻ có thể vụt sáng thành gã khổng lồ, và nơi những cái tên từng dẫn đầu cũng có thể nhanh chóng bị quên lãng.
Điều quan trọng hơn là phiên tòa phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức văn hóa về mạng xã hội. Từ chỗ bị xem là công cụ “khoe ảnh latte” hay “chơi đùa với filter ảnh cổ điển”, Instagram và WhatsApp giờ đây đã trở thành nền tảng then chốt trong việc hình thành dư luận xã hội, truyền tải tin tức, và kết nối toàn cầu. Sự chuyển dịch này không chỉ cho thấy vai trò ngày càng lớn của công nghệ trong đời sống hiện đại, mà còn đặt ra thách thức về việc quản lý và điều tiết các nền tảng đang ảnh hưởng trực tiếp đến thông tin, quyền riêng tư và cả nền dân chủ.
Cuộc chiến pháp lý giữa Meta và FTC là một trong những nỗ lực rất lớn nhằm kiểm soát quyền lực của các công ty công nghệ. Nhưng cũng giống như chính lịch sử của Instagram và WhatsApp, kết quả của phiên tòa phụ thuộc vào những điều không ai có thể biết chắc. Thực tế thì ai cũng thấy rõ rằng Zuckerberg đã có những bước đi thiên tài để thâu tóm và phát triển những nền tảng đó. Tuy nhiên, động cơ thật sự từ đầu là điều mà có lẽ phiên toà này sẽ dùng để đánh giá liệu Facebook có vi phạm luật chống độc quyền hay không. Và kết quả của nó có thể định hình lại cách thế giới công nghệ vận hành, vốn luôn đi trước các quy định.