Theo dự báo, năm 2025, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 8-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (trong đó có 3-5 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào thời điểm cuối năm.
Còn 6-8 cơn bão trên Biển Đông
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia nhận định, giai đoạn từ nay đến tháng 10/2025, dự kiến có khoảng 6-8 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2-3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12/2025, có thể xuất hiện thêm 2-3 cơn bão/ATNĐ, trong đó khoảng 1-2 cơn có khả năng đổ bộ vào đất liền.
Từ nửa cuối tháng 7-9/2025, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa vừa, mưa to kéo dài. Khu vực Trung Bộ cần đặc biệt lưu ý khả năng xuất hiện mưa lớn bất thường trong những thời điểm giao mùa, nhất là các đợt mưa trái mùa hoặc mưa lớn cục bộ.
Mùa mưa tại Trung Bộ năm nay dự báo sẽ tập trung nhiều vào các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12/2025, trùng thời kỳ hoạt động mạnh của bão, ATNĐ cùng với dải thời tiết xấu đi qua Trung Bộ.
Đỉnh lũ trên các sông chính khu vực Bắc Bộ dự báo ở mức BĐ1 đến BĐ2; các sông nhỏ và thượng lưu đạt mức báo động (BĐ2-BĐ3); các sông từ Thanh Hóa đến Lâm Đồng phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, trên một số sông nhỏ và thượng lưu các sông vượt mức BĐ3.
Đối với các sông từ Quảng Trị đến Lâm Đồng các đợt lũ lớn khả năng tập trung trong tháng 10, 11/2025 và khả năng xuất hiện các đợt lũ muộn vào cuối năm trùng vào thời kỳ tích nước ở khu vực Trung Bộ.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định: "Nắng nóng còn có khả năng còn tiếp tục xuất hiện tại khu vực Trung Bộ trong nửa cuối tháng 7 và kéo dài đến tháng 8/2025, tuy nhiên cường độ có xu hướng suy giảm dần từ nay đến tháng 9.
Bước sang cuối năm, không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9-10/2025 và gia tăng cường độ, tần suất từ tháng 11/2025. Hiện tượng rét đậm, rét hại diện rộng ở khu vực miền Bắc có khả năng xuất hiện ở mức tương đương so với TBNN cùng thời kỳ (khoảng từ nửa cuối tháng 12/2025). Cần đề phòng khả năng xảy ra sương muối, băng giá ở vùng núi cao khu vực Bắc Bộ".
Sẽ triển khai hệ thống cảnh báo thiên tai đến từng cấp xã
Sau một loạt bài học thiên tai khốc liệt xảy ra trong năm 2024, đặc biệt là trận lũ lịch sử sau bão số 3 (Yagi) lớn nhất kể từ năm 1971, hay "lũ tần suất 5.000 năm mới có một lần" ở Nghệ An xảy ra mới đây sau cơn bão số 3 (Wipha), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh củng cố thế trận phòng, chống thiên tai theo hướng chủ động hơn, phù hợp với chính quyền hai cấp là giải pháp cấp thiết.
Theo dự báo, năm 2025, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 8-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (trong đó có 3-5 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào thời điểm cuối năm.
Với diễn biến khí tượng trên, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và các sông suối nhỏ Bắc Bộ sẽ ở mức báo động 2-3; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.
Vì vậy, để kịp thời phòng, chống thiên tai, ông Hiệp cho rằng một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là cần phải sớm rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn và mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Ông Hiệp cũng nhấn mạnh tới việc hoàn thiện bộ quy chế hoạt động trong công tác phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp; kiện toàn cơ quan giúp việc về công tác phòng, chống thiên tai của ban chỉ đạo, ban chỉ huy các cấp, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả, kế thừa các cơ quan hiện có, tránh chồng chéo, không để gián đoạn trong chỉ đạo, tham mưu ứng phó với thiên tai, nhất là tại Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã.
Về công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai, ông Hiệp nhấn mạnh cần tiếp tục tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng...
"Chúng ta không thể để thiên tai xảy ra rồi mới chạy theo khắc phục. Phòng chống thiên tai phải đi trước một bước, đó không chỉ là quan điểm chỉ đạo mà còn là hành động cụ thể, là trách nhiệm của toàn hệ thống", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Cùng với đó là lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung; ban hành và triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đề án phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét khu vực miền Trung và miền núi phía Bắc.
Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai theo chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác định trọng điểm, chuẩn bị ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình.
Để công tác ứng phó hiệu quả, ông Hiệp cũng đặc biệt lưu ý tới việc nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương để chủ động ứng phó; hoàn thành công tác xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến cấp thôn, bản tại các khu vực trọng điểm.
Tinh thần chủ đạo xuyên suốt năm 2025 là xây dựng và vận hành hiệu quả "thế trận phòng chống thiên tai toàn dân," lấy người dân là trung tâm, cấp xã là nền tảng. Do vậy, các địa phương được yêu cầu xây dựng kịch bản sát thực tế, gắn với đặc điểm địa hình, dân cư, cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng đến các tình huống vượt thiết kế như mưa lũ đặc biệt lớn, hồ đập xả tràn khẩn cấp hay ngập lụt đô thị kéo dài.
Hiện nay, các đơn vị chuyên môn đang tiếp tục đầu tư hệ thống giám sát mưa, giám sát nước, bản đồ cảnh báo rủi ro đến tận cấp xã; ứng dụng công nghệ ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo và máy bay không người lái cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm nay.