Trước khi nói tới nhận định của các nhà phân tích thị trường tiêu dùng, được đề cập trong tiêu đề, hãy bắt đầu với một con số thống kê. Đơn vị phân tích thị trường thương mại điện tử của Adobe, Adobe Analytics vừa đưa ra dự báo rằng, mùa mua sắm cuối năm nay, tổng giá trị hàng hóa mọi người bỏ ra để mua sắm những món đồ mới theo dạng mua trước trả sau sẽ tăng 11.4% so với cùng kỳ 2023.
Cùng với đó, Adobe Analytics cũng đưa ra dự báo, rằng doanh thu của các dịch vụ mua sắm trực tuyến từ ngày 1/11 tới 31/12/2024 sẽ là 18.5 tỷ USD. Chỉ tính riêng ngày lễ mua sắm Cyber Monday, các đơn vị thương mại điện tử dự kiến sẽ thu về 993 triệu USD.
Càng lúc càng nhiều người Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung chọn giải pháp “mua trước trả sau”, hay mua trả góp để chia nhỏ khoản tiền mua một món đồ, giúp họ có thể trang trải cuộc sống và tiết kiệm chi tiêu dễ đàng hơn. Giữa thời điểm lạm phát tăng cao và nợ tín dụng bên Mỹ đang ở mức kỷ lục, mua trả góp là một giải pháp đầy hấp dẫn trong mắt rất nhiều người.
Điều này đặc biệt đúng với những người trẻ tuổi, những người có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp. Lý đo là những công ty cung cấp dịch vụ trả góp mua sắm tiêu dùng, vì lý do phát triển, chỉ cho kiểm tra tín dụng khá dễ dàng, và không giống như các đơn vị thẻ tín dụng, họ không mấy khi báo cáo khoản vay và việc khách hàng mua đồ trả góp có thanh toán đúng kỳ hạn hay không cho các cơ quan quản lý.
Thậm chí ở Mỹ, trong năm nay, mua sắm trả góp còn hấp dẫn hơn nhiều trong mắt mọi người, đặc biệt là nếu găp khó khăn trong việc chi trả định kỳ. Tháng 5 vừa rồi, Cục bảo vệ tài chính tiêu dùng Mỹ đã tuyên bố rằng các công ty vận hành dịch vụ tài chính mua sắm trả góp phải tuân thủ những quy định quản lý tín dụng truyền thống của chính phủ Mỹ, chẳng hạn như cung cấp những cách để người dân và người tiêu dùng có thể yêu cầu hoàn trả hoặc khiếu nại về giao dịch.
Thông thường để mua trả góp, mọi người sẽ phải nhập thông tin tìa khoản ngân hàng với thẻ credit hoặc debit, và đồng ý với kỳ hạn trả góp trong vòng một khoảng thời gian nhất định, thường là 8 tuần hoặc hơn. Những khoản vay này thường được quảng cáo là lãi 0% hoặc lãi suất thấp. Nếu có phạt quá hạn thì khoản phí rất nhỏ. Hiện tại bên Mỹ, những đơn vị như Klarna, Affirm hay Afterpay đang là những đơn vị kinh đoanh mô hình mua trước trả sau cho người dùng lớn nhất.
Vấn đề lại nằm ở chỗ, theo một số người hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng, đăng ký mua trả góp và chấp nhận những kế hoạch trả góp hàng tháng với thẻ tín dụng sẽ đi kèm với khoản phí và lãi cao hơn. Lý do là mua trả góp nhưng người tiêu dùng vẫn phải đáo hạn theo lãi suất của công ty kinh doanh thẻ tín dụng. Nếu khoản vay diễn ra trong vài tháng, kết hợp phí quá hạn, lãi suất hoặc khoản phí phạt từ chính việc mua sắm trả góp.
Các chuyên gia tài chính luôn khuyến cáo mọi người không mua trả góp bằng thẻ tín dụng là vì lý do ấy.
Những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết, những plan trả góp cũng khiến người tiêu dùng chi tiêu quá mức. Lấy ví dụ, không phải trả toàn bộ chi phí một món hàng cùng một lúc sẽ khiến người tiêu dùng phải tốn nhiều tiền hơn vì họ có thể mua sắm được nhiều hơn. Các tổ chức này cũng cảnh báo rằng, cần thực sự cẩn trọng theo dõi việc sử dụng các dịch vụ mua sắm trả góp, vì những khoản thanh toán tự động có thể cộng dồn, và không hề được báo cáo cho chủ thẻ như sao kê thẻ tín dụng.
Mark Elliott, giám đốc khách hàng của công ty tài chính LendingClub cho rằng: “Mua trước trả sau là công cụ tuyệt vời để mua sắm. Vấn đề là nó sẽ thúc đẩy tình trạng chi tiêu quá mức.”
Đối với các đơn vị bán hàng, mua trước trả sau giúp hàng hóa của họ hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ đều nhận thấy rằng khách hàng có xu hướng bỏ nhiều đồ vào giỏ hàng hơn, hoặc thậm chí đang từ xem hàng, họ chuyển qua mua ngay lập tức nếu được mua trước trả sau. Một báo cáo từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, trích dẫn nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng trung bình sẽ chi tiêu nhiều hơn 20% nếu khi mua sắm có kèm dịch vụ trả góp.
Ông Elliott cho rằng: “Thực tế chi phí sinh hoat tăng, cùng với lạm phát vốn cũng đã đẩy rất nhiều người rơi vào tình trạng phải sống bằng thẻ tín dụng rồi. Tâm lý của việc mua trả góp có thể khác, vì nhiều người không nghĩ đó là khoản nợ. Nhưng nó chính xác là khoản nợ.”
Nếu người mua trả góp không thanh toán đúng hạn, họ sẽ phải đối mặt với phí, lãi suất hoặc bị khóa dùng dịch vụ mua trả góp trong tương lai.
Emily Childers, chuyên gia tài chính tiêu dùng của đơn vị fintech Credit Karma cho biết, dữ liệu nội bộ của đơn vị này cho thấy dư nợ thẻ tín dụng của những khách hàng độ tuổi Millennial và Gen Z, tức là sinh từ khoảng năm 1980 tới 2012 tăng hơn 50% so với tháng 3/2022, thời điểm FED bắt đầu thông báo tăng lãi suất cho vay.
Theo cô: “Người trẻ tuổi đang bước vào mùa mua sắm cuối năm nay trong tình cảnh ngập nợ. Nhưng dựa vào những dữ liệu chúng ta có, chắc chắn họ sẽ lại tiếp tục đâm đầu thêm vào những khoản nợ nữa.”