Ngân sách: rào cản lớn nhất với chương trình chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Mỹ

Chương trình chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Mỹ, hay còn gọi là Máy bay Chiếm ưu thế Trên không Thế hệ tiếp theo (NGAD) đang tạm thời bị đình lại. Các nguyên mẫu đầu tiên của NGAD được cho là đã cất cánh từ năm 2020, nhưng Không quân Mỹ (USAF) vẫn chưa chọn được nhà thầu là ai giữa Boeing và Lockheed Martin.
Đang có 2 hướng đi đối với NGAD, một bên thì cho rằng nó phải có năng lực hơn, tức là sẽ mắc hơn và chỉ mua được với số lượng hạn chế. Hướng đi kia thì nói rằng không cần phải nhồi nhét quá nhiều năng lực, để giá rẻ bớt và mua được nhiều hơn. Nỗi lo về ngân sách và bối cảnh toàn cầu thay đổi đã khiến USAF phải tạm dừng để suy ngẫm lại coi NGAD nên đi theo hướng nào.
Có một số rào cản mà chương trình NGAD đang gặp phải, thứ nhất là búa rìu dư luận. Tỷ phú Elon Musk từng chỉ trích tiêm kích F-35 thế hệ 5 và đặt nghi vấn về tương lai của chiến đấu cơ có người lái nói chung. Dù chưa nói đích danh, nhưng NGAD chẳng chóng thì chầy cũng sẽ được ông nhắc đến.
Công bằng mà nói thì F-35 có nhiều điểm sáng về mặt tài chính. Dù chi phí bảo dưỡng nó cao hơn các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 như F-15EX (Mỹ), Rafale (Pháp) và Eurofighter Typhoon. Song bất ngờ cái là giá của nó đã giảm xuống bằng, thậm chí rẻ hơn các máy bay đó.
Cụ thể thì F-35A có giá 82,5 triệu USD, F-35C tốn 102,1 triệu USD và mắc nhất là F-35B có giá 109 triệu USD. Trong khi đó F-15EX có giá 93-97 triệu USD, Rafale 125 triệu USD và Eurofighter là 124 triệu USD.
Vậy cũng không đến nỗi nào mà F-35 còn bị chỉ trích, thì NGAD ắt hẳn còn bị nói nhiều hơn. Bởi người ta ước tính rằng máy bay NGAD có thể có giá khoảng 300 triệu USD/chiếc, gấp 3 lần giá một chiếc F-35.
Nhưng rào cản thứ hai còn lớn hơn nữa, là hiện thực luôn chứ không chỉ là sự chỉ trích, đó là ngân sách bị thắt chặt. Trong 5 năm gần nhất từ 2020-2024 thì tỷ lệ chi tiêu quốc phòng của Mỹ lần lượt là 3,7%, 3,46%, 3,45%, 3,4% và 3,38% trên GDP. Tất những con số này cao hơn mức 2,7% hồi năm 1999, nhưng đây là khi mà Mỹ ít dính vào mấy cuộc chiến nhất, Chiến tranh Lạnh đã xong và chưa tới vụ 11/9; nên chưa nói lên điều gì.
Trong khi đó nếu so với mức 4,5% vào năm 2010 thì thấp hơn nhiều. Chúng ta có thể cho là chỉ TT Trump mới muốn tiết kiệm ngân sách, nhưng ngay cả thời TT Biden thì tỷ lệ vẫn chỉ quanh mức 3,5%. Như vậy thắt chặt ngân sách chính là một xu hướng.
Chưa kể là còn nhiều cái phải chi. Tổng chi tiêu quốc phòng của Mỹ cho năm tài chính 2025 là khoảng 850 tỷ USD, mà khoảng 217 tỷ USD trong đó được rót cho Bộ Không quân, với gần 30 tỷ USD là dành cho Binh chủng Không gian. Nên số còn lại dành cho USAF là khoảng 188 tỷ USD. Nghe có vẻ nhiều, song USAF còn phải lấy tiền đó chi cho nhiều dự án khác chẳng hạn làm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa LGM-35A Sentinel để thay thế tên lửa Minuteman III cũ.
Để đắp đổi cho chi phí cao, USAF dự tính vừa mua ít máy bay NGAD vừa phát triển các UAV gọi là Máy bay Chiến đấu Cộng tác (CCA), với kỳ vọng chúng sẽ gánh vác phần nào năng lực cho NGAD. Nhưng CCA cũng chẳng rẻ gì khi có giá khoảng 30 triệu USD, gần bằng một tiêm kích F-16 (40-50 triệu USD).
CCA và NGAD.
Nhiều chiến đấu cơ của USAF đang cũ đi và cần thay mới, nên đương nhiên họ rất muốn có máy bay NGAD. Vấn đề là không chắc có đủ kinh phí để tậu chúng không. Hồi cuối năm 2024, USAF cho biết họ sẽ đặt vận mệnh của NGAD vào tay TT Trump và vẫn chưa rõ ông muốn nghiêng về hướng nào. Vì vậy cần thêm thời gian để biết chương trình NGAD sẽ đi về đâu.