Nghiên cứu mới gây tranh cãi: tìm thấy thành phố ngầm dưới chân kim tự tháp Khafre ở khu Giza

Trong hai cuộc họp báo được tổ chức tại Ý, một nhóm các nhà khoa học vừa tuyên bố đã phát hiện ra một ‘thành phố ngầm lớn’ nằm bên dưới kim tự tháp Khafre ở khu Giza (Ai Cập), với niên đại lên tới hàng chục ngàn năm. Dự án này là công trình của 3 chuyên gia, bao gồm Corrado Malanga đến từ Đại học Pisa của Ý, Filippo Biondi thuộc Đại học Strathclyde (Scotland) và nhà Ai Cập học Armando Mei.
Các kim tự tháp Giza được xây dựng cách đây 4.500 năm, bao gồm ba kim tự tháp Cheops, Khafre và Menkaure. Ở giữa là kim tự tháp Khafre có chiều cao 138 mét và cạnh đáy 215 mét, đồng thời được cho là có những cấu trúc nằm sâu tới 640 mét dưới chân của nó. Theo họ thì chúng đã có niên đại từ 38 ngàn năm trước, lâu đời hơn nhiều so với chính các kim tự tháp.
Kim tự tháp Khafre.
Phương pháp nghiên cứu của họ khá giống cách hệ thống sonar của tàu ngầm lập bản đồ đáy biển. Để 'nhìn' xuống bên dưới Kim tự tháp Khafre, xung radar từ hai vệ tinh trên không gian được truyền xuống kim tự tháp, rồi họ phân tích cách các tín hiệu phản xạ trở lại.
Tiếp đó, các tín hiệu này được chuyển đổi thành sóng âm để dựng ra hình ảnh 3 chiều của các cấu trúc ngầm. Nhóm nghiên cứu nhận thấy chúng bao gồm 8 cấu trúc hình cột thẳng đứng có đường kính từ 10-11,9 mét, kéo xuống sâu ít nhất 650 mét tính từ mặt đất.
Ngoài ra, 8 cột này còn có các cấu trúc hình xoắn ốc bao quanh kéo dài xuống dưới cùng, dường như là cầu thang để đi xuống hệ thống ngầm phía dưới. Cuối các cột này là hai cấu trúc hình hộp lớn, có kích thước khoảng 79,2 mét mỗi cạnh và mỗi 'hộp' khớp với bốn cột.
Đặc biệt, họ đã xác định có cả một hệ thống dẫn nước ở phần hộp này, với các đường dẫn đi sâu hơn xuống bên dưới. Nhìn rộng hơn, họ tin rằng có nhiều công trình hơn nữa nằm sâu hơn 1.220 mét dưới chân kim tự tháp và đó là một thành phố ngầm thực sự.
Ngoài phương pháp khoa học, nhóm nghiên cứu còn sử dụng… manh mối từ các văn bản cổ đại. Chẳng hạn, cuốn ‘Book of the Death’ mô tả 14 nơi ở của thần linh mà họ cho là tàn tích của một nền văn minh có từ lâu trước thời Ai Cập cổ.
Tuy nhiên dự án này đã bị chỉ trích mạnh. Giáo sư Lawrence Conyers, một chuyên gia về radar ở Đại học Denver cho biết ý tưởng về thành phố ngầm là nói quá. Tại thời điểm 38.000 năm trước thì con người chủ yếu sống trong hang, chứ chưa có “thành phố" nào hết. Chưa kể công nghệ hiện nay cũng không thể 'soi' vào lòng đất sâu tới vậy.
Dù còn nhiều tranh cãi, song phát hiện mới này vẫn ít nhiều định hình lại những gì chúng ta biết về Ai Cập cổ. Nó còn cho thấy việc phân tích dữ liệu từ vệ tinh cũng có thể đem lại khám phá mới mẻ không kém nghiên cứu khảo cổ ngay hiện trường.