Ô nhiễm không khí tăng cao những ngày đầu năm 2025
11/01/2025 18:29
Nhiều ngày qua, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận phải đối mặt với tình trạng không khí ngột ngạt, khó chịu với lớp bụi mịn bao phủ màu trắng đục.
Đó là thực trạng báo động tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đang đạt mức cao chưa từng có khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) liên tục báo đỏ ở nhiều khu vực.
Chất lượng không khí xuống thấp nghiêm trọng
Ứng dụng quan trắc không khí Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) cho thấy, nhiều khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh có nồng độ bụi mịn PM 2.5 vào lúc 8 giờ ngày 10/1 là 80,5 µg/m³ (mức cho phép là khoảng 5 µg/m³). Theo đó, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện cao gấp 16,1 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Theo các chuyên gia, thời điểm cuối năm, hoạt động giao thông gia tăng mạnh mẽ, cùng với việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa, đã phát tán lượng lớn bụi vào không khí. Lớp mù khô kết hợp với chất ô nhiễm bị giữ lại ở tầng thấp do gió yếu, khiến người dân dễ hít phải bụi mịn, gây ho, nghẹt mũi và khó thở. Cụ thể, PM2.5 là các hạt có đường kính nhỏ hơn 2.5 micromet, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và thậm chí vào máu.
Với mật độ dân số cao và giao thông tắc nghẽn, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số AQI tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những tháng đầu năm 2025 dao động từ 150 - 200, mức độ ô nhiễm đủ nguy hiểm đối với sức khỏe người dân.
Thực tế, trong mười năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn đã tăng lên mức “đáng lo ngại”, tập trung tại các thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, kết quả quan trắc cho thấy ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc có những đợt chất lượng không khí suy giảm xuống mức nghiêm trọng, bụi mịn PM 2,5 tăng cao, có trạm vượt 3,5 lần giới hạn quy chuẩn. Thời gian qua, diễn biến ô nhiễm không khí gia tăng trở lại khi các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Ở Việt Nam, ít nhất 70 nghìn người tử vong mỗi năm vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, chủ yếu là các bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch và ung thư phổi.
Là trung tâm kinh tế phía Nam, mức ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng nghiêm trọng, không chỉ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra hậu quả nặng nề cho môi trường. Các hành động cần được các cơ quan liên ngành và người dân thực hiện ngay để bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cần phải thực hiện những biện pháp đồng bộ như tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường. Chính phủ cần có các chính sách mạnh mẽ để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí. Các biện pháp như phát triển giao thông công cộng, kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông và các nhà máy công nghiệp, chuyển đổi sang năng lượng sạch cần được triển khai nhanh chóng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao hệ thống giám sát y tế và dự báo dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lý mới như viêm phổi không rõ nguyên nhân. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giám sát sức khỏe cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Thực tế, để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí đô thị, Chính phủ đang xây dựng đề án xử lý. Từ tháng 9 - 11/2024, các bộ, ngành đã có một số giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí như Bộ Giao thông Vận tải dự thảo quy định về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo người dân thực hiện nhiều biện pháp để tự bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh không khí ô nhiễm. Mọi người nên đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh nhà cửa và môi trường sống. Gia đình hạn chế sử dụng hoặc thay thế bếp than tổ ong, bếp củi, nên dùng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.
Gia đình hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào khi thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí. Mọi người vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đặc biệt, tiêm vaccine cũng là một biện pháp tăng cường sức khỏe hiệu quả cho trẻ em và người lớn. Các mũi tiêm giảm tình trạng mắc bệnh, giảm mức độ bệnh nếu nhiễm. Các loại vaccine phòng viêm phổi, tăng cường đề kháng hô hấp được khuyến cáo gồm cúm, phế cầu, sởi, ho gà, bạch hầu, thủy đậu, não mô cầu, 6 trong 1 (chỉ dành cho trẻ em).
Chủ đề ô nhiễm không khí hiện đang là vấn đề được Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm. Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2025, Chính phủ sẽ xây dựng và triển khai đề án khắc phục ô nhiễm không khí ở các đô thị. Đây là một trong những nội dung trong việc chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh.
Gọi điện mời chào những chương trình “khuyến mãi Tết”, “vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ” là 1 trong 2 chiêu trò lừa đảo qua điện thoại được các đối tượng sử dụng phổ biến th...
Theo Cục CSGT, quy định thời gian lái xe, nghỉ ngơi của tài xế là biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người điều khiển phương tiện, góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn ...
Các chuyên gia khí tượng nhận định, đợt rét này khả năng có thời điểm lạnh nhất từ đầu mùa đông, khi nhiệt độ toàn miền hầu như giảm thấp nhất dưới 10 độ, là vào khoảng s...
Quy định mới về giá dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam, các trường hợp đăng ký thường trú phải lấy ý kiến chủ nhà, phân loại thửa đất…là những chính sách nổi bật có hiệu lự...