Review màn hình di động ViewSonic VX1655 4K OLED: Giá cao, hiển thị đẹp, màu sắc cần phải cân chỉnh

Chiếc màn hình di động này mình mượn Cuhiep sử dụng hơn 1 tuần nay và bây giờ muốn chia sẻ với anh em. Đối với cá nhân mình, màn hình di động từ trước đến nay nó không có tính di động nhiều bởi vì nó cũng cồng kềnh và to như một chiếc máy tính xách tay. ViewSonic VX1655 sẽ là chiếc màn hình di động mơ ước của nhiều người, mặc dù mức giá sẽ cao so với mặt bằng chung bởi vì tấm nền OLED và độ phân giải 4K, nhưng giá cao không phải mọi thứ của nó đều tuyệt vời.
Điểm tuyệt vời nhất mà anh em có thể cảm nhận và trải nghiệm được đó chinh là tấm nền OLED 4K, nhưng với mình nó chỉ sướng tầm 80% thôi, sự thiếu hụt 20% còn lại thì 10% nằm ở tốc độ làm tươi chỉ 60Hz, và 10% còn lại đến từ chính màu sắc của nó.
Đây không phải lần đầu tiên mình dùng một chiếc màn hình di động của ViewSonic, ngày xưa có trải nghiệm qua một dòng màn hình di động có khả năng cảm ứng, dùng với macOS khá là thú vị:
Chất lượng hiển thị của ViewSonic VX1655: Đẹp, no màu nhưng sai lệch nhiều
Tấm nền OLED 4K phải nói rằng nó có chất lượng hiển thị rất tốt, tốt nhất trong số những mẫu màn hình di động hiện nay, vượt xa những LG gram +View, ASUS ProArt cũng 4K nhưng tấm nền matte không có độ trong trẻo bằng.
Màu sắc và độ tương phản trên VX1655 là tuyệt vời, tươi tắn, rực rỡ hơn bình thường một chút thôi chứ không bị rực quá, màu đen thì rất sâu và nó hoàn hảo cho việc xem phim. Mỗi buổi tối thay vì mình coi phim trên màn hình của MacBook khi mình nằm trên giường thì mình sẽ cầm VX1655 để coi, vừa nhẹ hơn lại vừa đẹp hơn, tám nền OLED nó vẫn có sự khác biệt so với mini LED lắm.
Nhưng màu sắc sẽ chỉ phù hợp để bạn làm việc văn phòng, lướt web hay giải trí thôi, còn với các công việc liên quan màu sắc, hay các bạn làm thiết kế freelance đang định mua màn hình này để làm việc thì phải cân nhắc vì độ sai lệch màu sắc của nó tương đối cao.
Mình không tìm ra được nhà cung cấp panel cho ViewSonic với mẫu VX1655 này, nó là một tấm nền OLED độ phân giải 4K 10-bit, kích thước 15.6-inch (tỉ lệ 16:9), độ sáng 400 cd/m2 và độ tương phản tĩnh 100.000:1.
Về độ bao phủ các dải màu, nó cực kì tốt: 100% sRGB, 98% DCI-P3, 98% AdobeRGB và 97% NTSC, quá tuyệt vời cho một chiếc màn hình di động.
Độ sáng tối đa của nó cũng đạt mức 465 nits và độ tương phản ở mức 100% độ sáng là 4490:1, gamma sau khi kiểm tra cũng ở mức 2.3.
Tuy nhiên như mình đã đề cập, độ chính xác màu sắc là một vấn đề với chiếc màn hình này khi Delta E ban đầu là 3.1, hầu hết các màu sắc đều có độ sai lệch.
Sau đó mình cân chỉnh lại tấm nền này thì nó đã đỡ hơn nhiều, Delta E lúc này là khoảng 1.3, các màu sắc đã giảm đi độ sai lệch khá nhiều (màu xanh cổ vịt vẫn là màu sai nhiều nhất). Vì vậy khi bạn muốn sử dụng ViewSonic VX1655 thì cần phải cân chỉnh lại trước khi sử dụng.
Một điểm cần lưu ý nữa đó là mình nhận thấy khi để ở độ sáng cao, độ sai lệch và độ đồng đều màu sắc rất cao, như biểu đồ bạn có thể thấy ở 100% độ sáng thì vùng trung tâm trên bên phải (gần vùng 1 và 2) có DeltaE cao nhất (5.6 và 6.1), màu đỏ đậm, cho thấy đây là vùng có độ lệch màu lớn nhất. Vùng trung tâm dưới bên phải (gần vùng 6) có DeltaE thấp nhất (0.0), màu trắng, là vùng chuẩn nhất so với D65. Các vùng khác có DeltaE dao động từ 0.9 đến 3.7, nằm trong khoảng từ màu trắng đến vàng nhạt, cho thấy sự khác biệt màu sắc từ rất nhỏ đến vừa phải.
Tuy nhiên ở độ sáng 83% thì độ đồng đều màu sắc tốt hơn khá nhiều, vùng trên cùng (gần vùng 1 và 2) có DeltaE cao nhất (2.5 và 2.6), màu vàng nhạt, cho thấy độ lệch màu vừa phải. Vùng trung tâm dưới bên phải (gần vùng 6) có DeltaE thấp nhất (0.0), màu trắng, là vùng chuẩn nhất và các vùng còn lại có DeltaE từ 0.6 đến 1.0, màu trắng đến trắng nhạt, cho thấy độ lệch màu rất nhỏ.
So sánh màu giữa ViewSonic VX1655 4K OLED và ASUS Zenbook 14 OLED.
Thiết kế của ViewSonic VX1655 rất mỏng, rất đã nhưng nóng
Đó là vấn đề một trong những vấn đề khi dùng màn hình này, mình không sử dụng ở độ sáng cao vì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến phần nhiệt độ của khu vực controller. Màn hình quá mỏng, toàn bộ phần điều khiển panel sẽ đặt ở khu vực chân đế, nó không có thiết kế quá lớn nên sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ.
Cá nhân mình nhận thấy chỉ cần sử dụng tầm 5 -10 phút thôi thì toàn bộ phần chân đế này sẽ nóng lên, nóng rất nhanh và nhiệt độ cao khoảng 45 độ C, đó là mình đã dùng trong điều kiện nhiệt độ môi trường tầm 28-30 độ C, không dùng trực tiếp ngoài trời.
Mod @thanhtung6868 còn bị tình trạng bị ngắt kết nối vì quá nóng khi sử dụng với Mac Studio nữa, nhưng mình dùng MacBook và máy tính Windows khác thì chưa gặp tình trạng này. Còn phần nhiệt độ ở khu vực panel hiển thị thì nó ổn định, không nóng, dùng thoải mái.
Đẹp, mỏng và thiết kế kết nối thông minh nên ViewSonic VX1655 là những yếu tố mình đánh giá tốt, nếu như không có chuyện controller quá nóng thì quá tuyệt.
Trong số những mẫu màn hình di động mình đã từng dùng qua, ViewSonic VX1655 là đẹp nhất, cả về ngoại hình và chất lượng hiển thị. Tấm nền OLED trên ViewSonic VX1655 thực sự rất mỏng và nhìn nó rất đã, viền màn hình cũng mỏng, chỉ hơi tiếc viền dưới còn dày, nếu được làm với tỉ lệ 16:10 thì còn tuyệt hơn.
So với OPPO Find N5 thì nó cũng mỏng chẳng kém gì, chỉ có tấm nền OLED mới có thể làm cho màn hình mỏng được như vậy thôi, mình cũng dùng qua một số màn hình để bàn cỡ lớn dùng tấm nền OLED cũng rất mỏng rồi nhưng ViewSonic VX1655 cho mình sự ấn tượng nhiều hơn.
Điểm tiếp theo mình đánh giá cao trên màn hình này là cổng kết nối được đưa ra phần chân đế, cho nên việc cắm dây và đi dây gọn gàng hơn, đánh đổi lại là nó nóng như đã nói. Mình nghĩ là do màn hình này quá mỏng nên nếu đặt cổng kết nối bên hông thì sẽ không đẹp và không an toàn, nên ViewSonic mới đặt nó xuống phần chân đế.
Và khi đã gọn gàng rồi thì bạn dùng sẽ không thấy sợi dây bị lòi ra từ màn hình.
Tấm kính glossy bảo vệ nó rất dễ bám mồ hôi và dấu vân tay và bị phản chiếu cũng nhiều, cũng như tổng thể màn hình dễ bị tổn thương nên ViewSonic cho người dùng một chiếc cover để bảo vệ. Với một màn hình đẹp và trong như thế này thì mình cũng rất ghét khi thấy một hạt bụi và dấu vân tay trên đó, nên mình cũng thường xuyên lau chùi nó bằng cái khăn microfiber.
Khi kết nối thì bạn cũng chỉ cần 1 sợi dây USB-C duy nhất để nối với laptop (sạc 60W), hoặc dùng cổng mini HDMI để kết nối với PC (cần có adapter chuyển nha). VX1655 cũng có tính năng passthrough, tức là bạn có thể cắm nguồn điện sạc cho 1 cổng USB-C trên màn hình, sau đó kết nối với máy tính thì nó cũng sạc cho máy tính của bạn luôn. Mình đánh giá cao những chiếc màn hình có tính năng này, nó tận dụng triệt để cổng kết nối trên màn hình mà bạn không cần tốn thêm một cổng USB nào trên máy tính.
Nhưng nó cũng có một điểm mình chưa thích, đó là tất cả các cổng kết nối đều đặt về một bên, mình nghĩ nó cũng là yếu tố góp phần khiến cho khu vực chân đế trở nên nóng ran lên nhanh chóng.
Màn hình di động có thực sự di động?
Cái này là một quan điểm cá nhân, mình nghĩ sẽ tùy vào mỗi người. Với mình, những chiếc màn hình di động hiện nay đa phần cái chữ "di động" nó có thể hiểu là chúng ta có thể mang theo một chiếc màn hình để mở rộng khả năng làm việc, có thêm không gian thay vì chỉ dùng màn hình laptop, chứ làm sao mà mang cái màn hình 27-inch hay 32-inch ở nhà đi ra cà phê được.
Nhưng nếu tính đến diện tích mà chiếc màn hình này chiếm dụng, nếu bàn quá nhỏ thì có thể bạn sẽ không sử dụng được, chưa kể balo bạn mang theo sẽ cồng kềnh hơn. Đó là lí do vì sao mình nói ở đầu bài là mình không xem màn hình di động có tính di động cao, nó chỉ là mở rộng không gian làm việc thôi.
Điểm nữa, nếu muốn nó có tính di động thực sự thì nó phải gọn, phải nhỏ, phải nhẹ, các yếu tố này thì ViewSonic gần như là tốt nhất rồi.
Có loa nhưng chỉ để "chống cháy"
Thực sự là vậy, màn hình này có đi kèm loa cũng là một ưu điểm, nhưng đây không hoàn toàn là điểm mà mình mong muốn, vì nói thật là loa có hay không cũng không quan trọng với mình. Loa tích hợp trên màn hình (dù là desktop hay portable) thì đa phần chỉ là cho có tiếng thôi, chứ tất nhiên không thể hay được.
Hơn nữa, loa trên chiếc màn hình này chỉ có công suất 0.8W nên cái để thích hợp nhất cho việc dùng loa trên VX1655 là nghe podcast.
Dùng laptop với VX1655 mau tốn pin hơn LG gram +View
Power comsumption của VX1655 là 25W, trong khi LG gram +View chỉ có 8W, và đúng thật là mình dùng chiếc màn hình của ViewSonic mau hết pin hơn so với ngày xưa dùng LG gram +View. Nếu chỉnh về eco thì nó cũng ngốn 19W, cho nên hầu hết mình dùng đều phải cắm sạc cho laptop.
Có menu OSD như màn hình desktop
Giao diện và tính năng gần tương đồng với các màn hình desktop khác của ViewSonic. Bạn có thể tinh chỉnh về màu sắc, độ sáng, độ tương phản....rất nhiều thứ để tùy chỉnh trên VX1655.
Nhưng như bạn thấy, khi điều chỉnh chúng ta phải vòng tay ra phía sau, với mình thì nó khá bất tiện, nên mình sẽ chỉnh 1 lần và dùng luôn sau này.
Tuy nhiên để chỉnh về độ sáng, mình sẽ dùng một phần mềm trên macOS là DisplayBuddy, phần mềm này còn chỉnh được cả độ phân giải hiển thị nữa. Mặc định khi cắm vào macOS thì nó sẽ scale ở FHD, nhưng mình muốn nhiều không gian hơn nên sẽ chọn cao hơn một chút.
Nếu bạn dùng Windows thì thoải mái, cắm vào màn nào độ phân giải nào nó cũng nhận, không quan tâm đến vấn đề scale màn hình, còn với macOS thì do quy định về Retina của Apple nên sẽ phải chỉnh lại một chút.
ViewSonic VX1655 là chiếc màn hình di động tốt nhất cho các công việc không liên quan đến đồ họa
Bạn làm bất kì công việc nào, lĩnh vực nào thì ViewSonic VX1655 cũng đáp ứng tốt, trừ những công việc liên quan đến màu sắc.
ViewSonic VX1655 có được một chất lượng hiển thị tuyệt đẹp, màu no mắt nhưng lại không quá rực, một màn hình trong trẻo và sáng, thiết kế thì mỏng, nhẹ và hoàn thiện tốt. Nhược điểm của nó nằm ở chỗ giá cao (hơn 10 triệu và dưới 15 triệu), độ sai lệch màu sắc còn khá cao, phần chân đế thì sẽ nóng lên nhanh.