
Một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Science Advances cho thấy rằng việc tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ cực cao có thể đẩy nhanh quá trình lão hoá, đặc biệt là với người lớn tuổi.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi viện Leonard Davis thuộc Đại học Southern California (USC) khi họ tiến hành khảo sát 3.686 người trưởng thành từ 56 tuổi trở lên tại Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng người sống ở khu vực nóng hơn có tốc độ lão hoá sinh học nhanh hơn so với người ở vùng khí hậu mát mẻ. Tốc độ lão hoá sinh học này còn được gọi là tuổi sinh học (tuổi epigenetic), được đo bằng các đồng hồ epigenetic để thể hiện tình trạng sức khỏe và tốc độ lão hóa của cơ thể, dựa trên các yếu tố như DNA methylation, trao đổi chất, và các dấu hiệu phân tử khác. Tuổi epigenetic không nhất thiết trùng với tuổi theo năm sinh. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao làm tăng tuổi sinh học lên đến 2,48 năm, có nghĩa là cơ thể đã trải qua quá trình lão hoá nhanh hơn so với tuổi thật. Tác động này gần như tương đương với hệ quả của việc hút thuốc lá hoặc sử dụng rượu mạnh.
Môi trường nhiệt độ cao gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ
Một phát hiện khác mà nghiên cứu này chỉ ra là người sống ở khu vực có chỉ số nhiệt vượt quá 33 °C trong khoảng 140 ngày mỗi năm có thể già nhanh hơn đến 14 tháng so với người sống ở khu vực có ít hơn 10 ngày nóng mỗi năm. Tác động này vẫn tồn tại ngay cả khi các yếu tố khác như thu nhập, giáo dục, hoạt động thể thao và thói quen hút thuốc đã được kiểm soát.
Nguyên nhân của việc này là nhiệt độ cực cao gây ra sự thay đổi lâu dài trong quá trình methyl hóa DNA, vốn là một dạng sửa đổi hóa học ảnh hưởng đến cách gen hoạt động. Những thay đổi này có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng tế bào và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Như vậy, việc sống trong một môi trường nhiệt độ cao cho thấy rủi ro sức khoẻ lâu dài. Nhiệt độ cao hay cực cao không chỉ gây ra các bệnh cấp tính như say nắng hay đột quỵ mà còn ảnh hưởng âm thầm đến cơ thể ở cấp độ phân tử, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi già như bệnh tim mạch và suy thận. Hơn nữa, khi biến đổi khí hậu ngày một tăng, các đợt nắng nóng trên toàn cầu ngày mội xuất hiện nhiều thì tác động tiềm ẩn tới sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt là nhóm người cao tuổi ngày một nghiêm trọng. Nếu anh em để ý, những năm gần đây, thời tiết ở Việt Nam ngày một nóng hơn với tia UV cao hơn trước rất nhiều. Điều kiện thời tiết cực hạn như vậy, kết hợp với kẹt xe, khói bụi sẽ tác động rất lớn tới sức khoẻ anh em hay người lớn tuổi.
Môi trường nhiệt độ cao sẽ tác động đến DNA của anh em khiến anh em mau già đi
Để đối mặt với tác động to lớn này, một số giải pháp anh em có thể cân nhắc là trồng nhiều cây xanh hơn, sơn mái nhà màu trắng để giảm nhiệt độ đô thị. Một trong những giải pháp lâu dài mà xã hội có thể thực hiện là mở rộng không gian công cộng, xây dựng nhiều cây xanh hơn để thúc đẩy sự phát triển của các cơ chế điều hoà nhiệt độ tự nhiên.
Nghiên cứu này tuy mang lại góc nhìn mới về tác động của thời tiết cực đoan nhưng nó cũng có một vài điểm hạn chế nhất định. Đầu tiên là nghiên cứu chưa xem xét liệu người tham gia cuộc khảo sát có sử dụng điều hoà hay các phương pháp làm mát khác hay không. Ngoài ra, kết quả thể hiện ở nghiên cứu này chỉ thể hiện mức trung bình ở cấp độ dân số, tác động cụ thể đến từng cá nhân vẫn chưa được làm rõ. Các nhà khoa học cũng đề xuất cần nghiên cứu thêm để xác định yếu tố nào khiến một số người dễ bị tổn thương hơn trước tác động của nhiệt độ cao.