
Spotify cho biết năm trước đã chi trả hơn 10 tỷ USD tiền bản quyền cho các đại diện và các nghệ sĩ trong ngành công nghiệp âm nhạc. Tuyên bố chính thức này là một trong số những nỗ lực đối phó với các chỉ trích gay gắt từ các nghệ sĩ, cho rằng Spotify đã thất bại trong việc tạo ra khoản tiền khổng lồ làm lợi cho các nghệ sĩ, giữa thời kỳ nghe nhạc trực tuyến bùng nổ cả về chất và lượng hiện giờ.
Khoản chi trả tác quyền âm nhạc này tương ứng với hơn 60% tổng doanh thu của dịch vụ nghe nhạc trực tuyến có trụ sở tại Thụy Điển, đạt 15.7 tỷ Euro trong năm 2024. Trong báo cáo mới nhất, Spotify cho biết khoản thanh toán 10 tỷ USD là “khoản chi trả tác quyền lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp âm nhạc”. Spotify thậm chí còn tự so sánh họ với gã khổng lồ một thời, hãng đĩa Tower Records, ở thời kỳ đỉnh cao của kỷ nguyên nghe nhạc bằng đĩa CD vào đầu những năm 2000.
Năm 2024, Spotify thông báo lợi nhuận 1.1 tỷ Euro.
“Thực tế chúng tôi nhận thấy, số lượng nghệ sĩ thành công hiện nay vượt trội so với bất kỳ thời kỳ nào khác trong lịch sử âm nhạc”, Sam Duboff, giám đốc tiếp thị và chính sách, thuộc mảng kinh doanh stream nhạc trực tuyến của Spotify cho biết.
Theo Spotify, gần 1.500 nghệ sĩ trên toàn thế giới đã kiếm được ít nhất 1 triệu USD từ tiền chi trả bản quyền trên Spotify vào năm 2024. Trong số đó, hơn 80% không có ca khúc nào lọt nổi vào top 50 bản nhạc được nghe nhiều nhất trên Spotify trong năm vừa qua.
Spotify đã góp phần biến đổi hoàn toàn ngành công nghiệp âm nhạc từ khi ra mắt dịch vụ stream và nghe nhạc trực tuyến hơn một thập kỷ trước. Nhưng công ty này lâu nay vẫn phải đối mặt với rất nhiều những chỉ trích từ các nghệ sĩ, cho rằng mô hình streaming chỉ đem về “tiền lẻ” và không đủ để trở thành nguồn thu nhập quan trọng đối với các nghệ sĩ.
Sự phản ứng tiêu cực đã dần giảm bớt qua từng năm, khi Spotify phát triển lên ngưỡng 675 triệu người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 263 triệu là những người trả tiền cho các gói cước thu phí, còn lại là những người dùng gói cước miễn phí có quảng cáo, và thiếu đi rất nhiều tính năng điều chỉnh các bản nhạc chơi trên ứng dụng. Tiền chi trả bản quyền cho mỗi lượt stream cũng tăng mạnh từ 1 tỷ USD năm 2014 lên 10 tỷ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, sự phản đối vẫn còn tồn tại.
Bjork, nghệ sĩ nổi tiếng người Iceland hồi tháng 1 vừa rồi cho rằng “Spotify có lẽ là điều tồi tệ nhất từng xảy đến với các nghệ sĩ âm nhạc”.
Mark Mulligan, chuyên gia tại đơn vị nghiên cứu thị trường Midia Research cho biết: "Đối với đa số nghệ sĩ, bản chất mô hình kinh doanh của các dịch vụ nhạc số không quan trọng cho lắm. Vấn đề là, vì có quá nhiều âm nhạc, bản nhạc và cả nghệ sĩ được hàng trăm triệu người trên toàn thế giới nghe, nên tiền tác quyền đều bị chia thành những miếng nhỏ bé cho tất cả họ".
Một khoản rất lớn doanh thu của Spotify, đến từ người đăng ký dịch vụ đều được dùng để để trả cho các bên sở hữu quyền âm nhạc, bao gồm các công ty ghi âm, nhà xuất bản và các nhóm khác, là chủ sở hữu bản quyền các tác phẩm mà Spotify cung cấp tới hàng trăm triệu người dùng trên toàn thế giới.