Tảng băng trôi lớn nhất thế giới đã... ngừng trôi

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới, có tên A23a, dường như đã mắc cạn sau khi trôi dạt quanh Nam Đại Dương gần Nam Cực từ năm 2020. Theo tuyên bố từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) công bố, A23a, với khối lượng gần 1000 tỷ tấn, đã dừng lại ngoài khơi đảo Nam Georgia (một lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở phía nam Đại Tây Dương). Vào tháng 8/2024, tảng băng này có diện tích 3.672 km², gấp hơn 4 lần diện tích tỉnh Bắc Ninh.
A23a tách ra từ thềm băng Filchner ở Nam Cực vào năm 1986 và sau đó nằm yên dưới đáy biển ở vùng biển Weddell trong hơn 30 năm. Đến năm 2020, nó bắt đầu trôi theo dòng hải lưu, nhưng vào cuối năm 2024, nó bị mắc kẹt hàng tháng trời, xoay vòng quanh một ngọn núi dưới biển, làm chậm hành trình dự kiến về phía bắc. Khi thoát ra được, các nhà khoa học lo ngại nó sẽ trôi về phía đảo Nam Georgia và cản trở đường đến các khu vực kiếm ăn của hải cẩu và chim cánh cụt sinh sản trên đảo. Tuy nhiên, mối lo này đã giảm bớt vì tảng băng dường như đã mắc cạn trên thềm lục địa, cách bờ khoảng 90 km.
Nếu tảng băng vẫn mắc cạn, BAS không cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến đời sống hoang dã ở Nam Georgia. Ngược lại, sự xuất hiện của nó có thể mang lại một số lợi ích cho hệ sinh thái. Các chất dinh dưỡng bị khuấy lên do tảng băng mắc cạn và do quá trình tan chảy của nó có thể làm gia tăng nguồn thức ăn cho toàn bộ hệ sinh thái khu vực, bao gồm cả chim cánh cụt và hải cẩu.
Hành trình hàng chục năm trôi dạt của A23a.
Mặc dù hiện tại A23a vẫn giữ nguyên cấu trúc, trong những thập kỷ qua, những tảng băng lớn đi theo tuyến đường này thường nhanh chóng vỡ ra, trôi dạt và tan chảy. Giờ đây, khi nó mắc cạn, khả năng vỡ ra càng cao do áp lực tăng lên, nhưng rất khó để dự đoán chính xác khi nào điều đó sẽ xảy ra. Khi A23a vỡ, những tảng băng nhỏ hơn mà nó tạo ra sẽ là mối nguy hiểm cho hoạt động đánh bắt cá và vận tải biển, vì chúng khó phát hiện và theo dõi hơn so với một tảng băng khổng lồ duy nhất.
Các nhà khoa học cho rằng tảng băng này có thể đã tách ra như một phần của chu kỳ phát triển tự nhiên của thềm băng, chứ không phải do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra.
A23a (ở giữa), đã mắc cạn ngoài khơi đảo Nam Georgia (được đánh dấu màu đỏ) vào tuần trước.