Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm qua cam kết sẽ áp thuế 25% lên tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada, và thuế bổ sung 10% với hàng Trung Quốc để ép các nước này giải quyết dứt điểm vấn đề vượt biên trái phép, buôn lậu ma túy. Thông báo của ông gây hiệu ứng lan tỏa trên các thị trường quốc tế và được dự báo có tác động lớn đối với thương mại quốc tế.
Thông báo của ông Trump gây chấn động thị trường quốc tế và cho thấy rõ ý định thực thi chính sách kinh tế “Nước Mỹ trên hết” mang tính tập trung, điều đã giúp ông tái đắc cử tổng thống.
Chống nhập cư và ma túy
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của mình, ông Trump cho biết ông sẽ áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada ngay ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, đồng thời khẳng định các biện pháp này sẽ tiếp tục cho đến khi chấm dứt “cuộc xâm lược” của người nhập cư không giấy tờ và ma túy. “Cả Mexico và Canada đều có quyền và khả năng tuyệt đối để dễ dàng giải quyết vấn đề đã kéo dài này. Chúng tôi yêu cầu họ sử dụng quyền này, và cho đến khi họ làm được, họ sẽ phải trả giá rất đắt”, ông Trump viết. Vị tổng thống đắc cử sau đó viết thêm rằng, ông sẽ áp thêm thuế 10% đối với hàng Trung Quốc, “ngoài các mức thuếhiện có”, cho đến khi nước này có hành động ngăn chặn buôn lậu fentanyl.
|
Ông Donald Trump đứng trước bức tường biên giới vào tháng 8/2024 trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống Ảnh: AP |
Hiện vẫn chưa rõ liệu các mức thuế mà ông Trump đề xuất sẽ bổ sung hay thay thế những mức thuế đã được ông đề cập trong chiến dịch tranh cử. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế 60% hoặc cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và gợi ý có thể áp thuế lên đến 1.000% đối với xe nhập khẩu từ Mexico.
“Đại diện Trung Quốc đã nói với tôi rằng, họ sẽ áp dụng mức án tối đa, tức là tử hình, cho bất kỳ kẻ buôn bán ma túy nào bị bắt, nhưng đáng tiếc, họ không thực hiện và ma túy vẫn tràn vào đất nước chúng ta qua Mexico ở mức độ chưa từng thấy trước đây”, ông Trump tuyên bố.
Ngay sau thông báo của ông Trump, các đồng tiền như đô la Canada, peso Mexico, euro, bảng Anh, won Hàn Quốc, đô la Úc… đều giảm giá so với đô la Mỹ.
Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính tại châu Á đều giảm, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu với mức giảm 1,59% tính đến (14h giờ ngày 26/11, giờ địa phương).
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada, bà Chrystia Freeland, cho biết, Canada và Mỹ có một trong những mối quan hệ “mạnh mẽ và gần gũi nhất, đặc biệt về thương mại và an ninh biên giới”. “Canada ưu tiên cao nhất cho an ninh biên giới và tính toàn vẹn của biên giới chung. Quan hệ giữa chúng ta hôm nay là cân bằng và đôi bên cùng có lợi, đặc biệt với người lao động Mỹ”, bà Freeland tuyên bố, dù không trực tiếp đề cập đến mối đe dọa thuế quan của ông Trump. “Hiện nay, Canada mua nhiều hàng từ Mỹ hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Anh cộng lại”, bà nói.
Bà Freeland nói thêm rằng, chính quyền Mỹ và Canada hợp tác hằng ngày để ngăn chặn fentanyl từ Trung Quốc và các quốc gia khác, đồng thời nhấn mạnh dầu mỏ của Canada là thiết yếu cho nguồn cung năng lượng nội địa của Mỹ.
Thủ hiến tỉnh Ontario (Canada), ông Doug Ford, nhận định các mức thuế đề xuất sẽ “gây tàn phá” cho người lao động và việc làm ở cả hai nước. “Chính phủ liên bang cần nghiêm túc với tình hình ở biên giới”, ông Ford viết trên mạng xã hội X. Đài Truyền hình Quốc gia Canada mô tả thông báo của ông Trump là “lời đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Canada trong nhiều năm”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố rằng, không ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại giữa hai bên. “Về vấn đề thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc, Trung Quốc tin rằng hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước mang tính đôi bên cùng có lợi”, phát ngôn viên Trung Quốc Liu Pengyu tuyên bố.
Đề xuất của ông Trump có thể gây ra những tác động lớn đối với thương mại quốc tế, dù trước đây ông từng đưa ra những lời đe dọa tương tự nhưng không thực hiện. Ứng viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent, mô tả thuế quan là một “công cụ hữu ích” để tăng cường vị thế của tổng thống khi đàm phán với các nước khác. “Thuế quan có thể dẫn đến lạm phát cao hơn ở Mỹ, khiến Cục Dự trữ liên bang khó cắt giảm lãi suất hơn”, Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis ở Hong Kong (Trung Quốc), nhận định.
“Tác động trực tiếp là đồng đô la sẽ tiếp tục mạnh, và các ngân hàngtrung ương toàn cầu sẽ khó nới lỏng chính sách trừ khi họ chấp nhận sự mất giá của đồng tiền… Điều này là tích cực cho tăng trưởng của Mỹ trong ngắn hạn, nhưng không tốt cho phần còn lại của thế giới”, Nhà kinh tế cấp cao Gary Ng
“Kìm hãm tăng trưởng toàn cầu”
Nếu được thực thi, các mức thuế mà tổng thống đắc cử đề xuất đối với Mexico và Canada sẽ đặt ra câu hỏi về tương lai của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - một thỏa thuận thương mại tự do được ông Trump ký kết mà phần lớn duy trì các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước đó.
“Có vẻ như các thay đổi thuế quan của ông Trump có thể chấm dứt NAFTA theo định nghĩa, vì đây là một hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ với Canada và Mexico”, Tim Harcourt, nhà kinh tế trưởng tại Viện Chính sách Công và Quản trị thuộc Đại học Công nghệ Sydney, nói. “Tổng thống đắc cử nói rằng điều này dựa trên việc cấm fentanyl bằng cách ngừng thương mại hoặc đưa ra một biện pháp răn đe và ngừng nhập cư, nhưng hàng hóa không phải fentanyl cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Tim Harcourt nói.
Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng, các đề xuất áp thuế suất cao của ông Trump sẽ làm tăng chi phí hàng hóa hằng ngày ở Mỹ và kìm hãm tăng trưởng toàn cầu. Những người ủng hộ ông Trump cho rằng thuế quan sẽ khuyến khích việc đưa các công việc sản xuất từ nước ngoài trở lại và tạo đòn bẩy lớn hơn cho chính quyền của ông trong việc đạt được các thỏa thuận thương mại có lợi hơn với nhiều nước khác.
Trung Quốc, Mexico và Canada là ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Các quốc gia này chiếm 830 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và 1.430 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu của Mỹ trong năm 2022, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.