Tin BÃO SỐ 7 (Bão YINXING); BÃO TORAJI và các chỉ đạo ứng phó

10/11/2024 16:53
Cập nhật liên tục tin bão YINXING (bão số 7); bão TORAJI; cảnh báo thời tiết nguy hiểm, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất,... và các chỉ đạo ứng phó.
Tin BÃO SỐ 7 (Bão YINXING); BÃO TORAJI và các chỉ đạo ứng phó- Ảnh 1.

Dự báo vị trí và đường đi của bão YINXING. Ảnh NCHMF

BÃO YINXING (bão số 7) giật cấp 14, hướng vào miền Trung

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm 8/11, bão YINXING đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 trong năm 2024.

Hồi 13 giờ (10/11), vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Bắc Đông Bắc. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 7 mạnh cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 14. Di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ khoảng 5km/h.   

Dự báo diễn biến bão số 7 (trong 24 đến 48 giờ tới)

Thời điểm dự báo

Hướng, tốc độ

Vị trí

Cường độ

Vùng nguy hiểm

Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng)

13h/11/11

Tây Nam,

khoảng 10km/h, tiếp tục suy yếu

17,0N-111,0E; trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa

Cấp 8, giật cấp 10

Vĩ tuyến 15,5N-21,0N; kinh tuyến 109,5E-115,0E

Cấp 3: vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa)

13h/12/11

Tây Nam, khoảng 15km/h, suy yếu thành vùng áp thấp

14,9N-108,5E; trên đất liền Quảng Nam-Bình Định

< Cấp 6

Vĩ tuyến 14,5N-19,0N; phía Tây kinh tuyến 113,0E

Cấp 3: vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi Quảng Trị đến Quảng Ngãi

Dự báo tác động của bão YINXING - bão số 7

Trên biển: Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 14, sóng biển cao 4,0-6,0m, vùng gần tâm 6,0-8,0m; biển động dữ dội.

Từ gần sáng ngày 11/11, vùng biển ngoài khơi Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.    

Tin BÃO SỐ 7 (Bão YINXING); BÃO TORAJI và các chỉ đạo ứng phó- Ảnh 2.

Vị trí và đường đi của bão TORAJI

TIN BÃO GẦN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão TORAIJ)

Hiện nay, cơn bão có tên quốc tế là bão TORAJI, đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines).

Hồi 13 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão TORAJI ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 125,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão TORAJI mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 13. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Dự báo diễn biến BÃO TORAJI (24 đến 72 giờ tới):

Thời điểm dự báo

Hướng, tốc độ

Vị trí

Cường độ

Vùng nguy hiểm

Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng)

13h/11/11

Tây Tây Bắc,

khoảng 20km/h

16,3N-122,0E; trên vùng ven biển phía Đông đảo Lu Dông (Phi-líp-pin)

Cấp 13, giật cấp 16

Vĩ tuyến 15,0N-18,5N; phía Đông kinh tuyến 120,0E


13h/12/11

Tây Bắc,

khoảng 20km/h, đi vào Biển Đông và suy yếu dần

18,8N-118.2E; trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông

Cấp 10, giật cấp 12

Vĩ tuyến 15,0N-21,0N; phía Đông kinh tuyến 116,5E

Cấp 3: phía Đông khu vực Bắc Biển Đông

13h/13/11

Tây Tây Bắc,

khoảng 15km/h

19,6N-115,8E; phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông

Cấp 10, giật cấp 12

Vĩ tuyến 17,9N-22,5N; Phía Đông kinh tuyến 114,0E

Cấp 3: phía Đông khu vực Bắc Biển Đông

Cảnh báo diễn biến BÃO TORAJI (từ 72 đến 120 giờ tới)

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc sau có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, cường độ có khả năng suy yếu.

Dự báo tác động của bão TORAJI

Từ đêm 10/11, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm 5,0-7,0m; biển động rất mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

TIN DỰ BÁO GIÓ MẠNH, SÓNG LỚN VÀ MƯA DÔNG TRÊN BIỂN

Ở vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-15, giật cấp 17.

Dự báo diễn biến trong 24h tới:

Thời điểm dự báo

Vùng biển ảnh hưởng

Gió mạnh

Độ cao sóng

Cấp gió

(cấp Bô-pho)

Hướng

Độ cao (mét)

Hướng

Ngày và đêm 10/11

Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa)

Gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-13, giật cấp 16. Biển động dữ dội.

Nhiều hướng

4,0-6,0, vùng gần tâm bão 6,0-8,0

Nhiều hướng

Đêm 10/11

Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông ( từ vĩ tuyến 16,5N-21,0N; phía Đông kinh tuyến 119,0E)

Gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh.

Đông Bắc

2,0-4,0

Đông Bắc

Từ gần sáng 11/10

Vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi

Gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh.

Bắc đến Tây Bắc

2,0-4,0

Đông Bắc

Ngoài ra, ngày và đêm 10/11, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Cảnh báo: Khoảng đêm 11/11, cơn bão TORAJI có khả năng di chuyển vào khu vực Biển Đông.

Ngày và đêm 11/11: Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-11, giật cấp 14, biển động dữ dội; sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 5,0-7,0m.

Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm 4,0-6,0m; biển động rất mạnh.

Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m; biển động mạnh.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2; vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) cấp 3.

Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

Công điện ứng phó với bão TORAJI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công điện số 8438/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 10/11/2024 đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ dộng ứng phó với bão TORAJI gần biển Đông.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cơn bão TORAJI đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines); dự báo ngày 12/11 bão đi vào biển Đông với cường độ cấp 9, giật cấp 11.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Từ Vĩ tuyến 16,5-21,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 119,0 độ Kinh Đông; trong 48 giờ tới: Từ Vĩ tuyến 15,0-21,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh theo các bản tin dự báo).

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó diễn biến của bão.

Trực ban nghiêm túc (24/24 giờ), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Bão YINXING (BÃO SỐ 7) có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 7/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó bão YINXING.

Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao.

Công điện nêu: Hồi 13 giờ ngày 07 tháng 11 năm 2024, vị trí tâm bão YINXING ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc, 122,4 độ Kinh Đông (trên vùng biển phía đông bắc đảo Lu đông - Philippines), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm mai (ngày 08 tháng 11 năm 2024), bão sẽ vào phía đông khu vực bắc Biển Đông (trở thành cơn bão số 7).

Đến 13 giờ ngày 08 tháng 11 năm 2024, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc, 118,8 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Sau đó bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và đổi hướng Tây Nam hướng về khu vực quần đảo Hoàng Sa và vùng biển ven bờ khu vực Trung Trung Bộ.

Bão số 7 có thể gây dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn, rất nguy hiểm đối với tàu thuyền và phương tiện hoạt động trên khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và vùng biển ven bờ khu vực Trung và Nam Trung Bộ) trong các ngày từ 08 đến 12 tháng 11 năm 2024.

Đây là cơn bão có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi, cập nhật diễn biến của bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Một là, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão kịp thời, hiệu quả, phù hợp với diễn biến thực tế bão, lũ tại địa phương,.

Trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu, tránh trú.

Rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi bão có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp.

Chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ nhân dân, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ.

Hai là, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cập nhật thông tin kịp thời về diễn biến của bão để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Ba là, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ khi có yêu cầu của địa phương.

Bốn la, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn các hoạt động dầu khí trên biển, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện; vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện; đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.

Năm là, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác ứng phó bão, lũ theo nhiệm vụ, thẩm quyền đã được phân công; bảo đảm an toàn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đê điều, hồ đập; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Sáu là, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin về diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo ứng phó bão YINXING

Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) vừa phát Công điện gửi các đơn vị có liên quan trong ngành hàng không chủ động ứng phó cơn bão YINXING.

Theo thông tin dự báo, các cảng hàng không dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão YINXING gồm Cảng HKQT Phú Bài, Cảng HKQT Đà Nẵng và Cảng hàng không Chu Lai. Các cảng hàng không khác: Đồng Hới, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa cần chủ động cập nhật thông tin đề phòng khi bão có diễn biến bất thường.

Do vậy, để chủ động ứng phó cơn bão YINXING, Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ theo quy định và thực hiện nghiêm Quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.

Cục HKVN yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.

Đối với các Cảng hàng không dự báo bị ảnh hưởng của bão, các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Cục HKVN yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp tại một số địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

Cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.

Đồng thời triển khai phương án phòng, chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.

Cục HKVN cũng yêu cầu các Cảng vụ hàng không giám sát công tác triển khai các nội dung ứng phó tại các cảng hàng không liên quan; bảo đảm liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Cục HKVN và các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi trách nhiệm để triển khai ứng phó trong mọi tình huống.

Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện các nội dung trên và báo cáo mọi diễn biến có liên quan về Cục HKVN qua đường dây nóng: 024.38727912, Email: qlc@caa.gov.vn để có những chỉ đạo kịp thời .

Công điện của Bộ Công an về chủ động ứng phó với diễn biến bão YINXING

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, ngày 07/11/2024, Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA có Công điện số 19/CĐ-BCĐ gửi Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; Thủ trưởng các đơn vị: Cục An ninh kinh tế; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Y tế; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Truyền thông Công an nhân dân về việc chủ động ứng phó với bão YINXING.

Thực hiện Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 07/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó bão YINXING; Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Chủ động thông tin về diễn biến của bão YINXING và mưa, lũ để triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ứng phó phù hợp với diễn biến tại địa phương, nhất là bảo đảm an toàn các hoạt động của người, phương tiện, tài sản trên biển, ven biển tại các địa phương dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hoạt động công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân.

2. Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành và lực lượng tại cơ sở: Tổ chức thông báo, hướng dẫn, kêu gọi, vận động các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động ứng phó, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn;

Kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền, tránh trú đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội, không để người trên các phương tiện khi có bão;

Rà soát, nắm chắc địa bàn, nắm rõ số hộ, số nhân khẩu để chủ động sơ tán, di dời hoặc ứng cứu người dân cùng phương tiện, tài sản tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn;

Hướng dẫn, phân luồng, tổ chức bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan;

Tập trung khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua, ổn định tình hình và đời sống của người dân; Bảo đảm an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, nhất là khi xả lũ đối với vùng hạ lưu.

3. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng mọi phương án phòng, chống thiên tai, nhu yếu phẩm thiết yếu, trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng kịp thời phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bảo đảm tuyệt đối an toàn về các lực lượng, trụ sở, cơ sở giam giữ, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an nhân dân.

4. Các đơn vị chức năng của Bộ chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương, các địa bàn và triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

5. Rà soát các hộ dân bị thiệt hại hoàn toàn về nhà ở do bão, mưa lũ cần hỗ trợ xây dựng trong thời gian vừa qua và gửi về Văn phòng Bộ để tổng hợp, đề xuất.

6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống bão, mưa, lũ.

Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).

Công điện của Bộ Công Thương về việc chủ động ứng phó với bão số 7 (bão YINXING) và hoàn lưu sau bão 

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Công điện số 9007/CĐ-BCT ngày 8 tháng 11 năm 2024 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các Tập đoàn, Tổng Công ty khác trong ngành Công Thương; các chủ đập thủy điện và công trình khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các đơn vị thuộc Bộ Công Thương chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với bão số 7 (tên quốc tế là YINXING) và hoàn lưu sau bão.

Đây là cơn bão có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 7 gây ra, thực hiện Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương thực hiện nghiêm các nội dung trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổ chức theo dõi, cập nhật diễn biến của bão số 7 và hoàn lưu sau bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố:

- Chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn triển khai công tác bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, bảo vệ sản xuất; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố; thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tăng cường kiểm tra các hạng mục thiết bị, máy móc phục vụ vận hành an toàn công trình đập trong mọi tình huống; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời cho người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ, nhất là tình huống xả lũ khẩn cấp theo quy trình được duyệt.

- Tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hệ thống lưới điện thuộc địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn quản lý, nhất là các cơ sở tại khu vực gần bờ biển hoặc khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải có phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai do bão số 7 và hoàn lưu bão gây ra.

- Kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các công trình công nghiệp, nhất là công trình thủy điện, khai thác khoáng sản đang thi công xây dựng tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất phải dừng ngay việc thi công trong thời gian bão đi qua, có phương án di dời người lao động và máy móc, thiết bị, vật tư đến nơi an toàn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

- Khẩn trương thông báo cho các tàu thuyền, công trình dầu khí trên biển thuộc phạm vi quản lý trong vùng bị ảnh hưởng của bão số 7 để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản và công trình.

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý các tình huống do bão gây ra.

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam

- Chỉ đạo các đơn vị điện lực tại các địa phương, các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý tập trung sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 7 và hoàn lưu bão; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra đối với các công trình lưới điện, hồ đập thủy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; sẵn sàng mọi phương án để cung cấp điện trở lại sớm nhất đối với các khu vực bị sự cố do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão.

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ yêu cầu tại Công điện này.

- Phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công, sửa chữa; công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình.

4. Các chủ đập thủy điện

- Chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định, việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. 

Tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, Nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.

- Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, tình hình mưa lũ, tăng cường việc thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu đập, nhà máy trước khi vận hành điều tiết, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả xuống hạ du. 

Đối với các hồ chứa có tràn xả lũ tự do, tổ chức theo dõi chặt chẽ, thông báo dự kiến thời gian mực nước qua tràn đến các địa phương, nhân dân vùng hạ du, các đơn vị có liên quan để chủ động ứng phó.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện, thị xã, thành phố liên quan tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước khi sản xuất, đi lại tại các khu vực sông, suối hạ du các nhà máy thủy điện.

- Nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. 

Tổ chức quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ đảm bảo dự báo được lưu lượng lũ về hồ, xác định thời gian xuất hiện đỉnh lũ. 

Chủ động cung cấp thông tin, báo cáo, đề xuất đảm bảo quy định tại quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.

5. Các đơn vị khai thác than, khoáng sản

- Tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng các sườn dốc, xung quanh và phía sau các công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc, các mỏ và các bãi thải.… để phát hiện nguy cơ dễ gây sạt lở đất, không đảm bảo an toàn để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng tham gia ứng phó với mưa lớn kéo dài, ngập úng.

- Rà soát kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để phù hợp với điều kiện hiện tại, sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra.

6. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương:

6.1. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp:

- Theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin ứng phó với bão số 7, tình hình thiệt hại và công tác khắc phục của các đơn vị ngành Công Thương để kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ theo quy định.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Công Thương, nhất là các công trình thủy điện đảm bảo vận hành an toàn; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão và hoàn lưu bão.

6.2. Cục Điều tiết điện lực:

- Theo dõi chặt chẽ tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, chỉ đạo các đơn vị chức năng chuẩn bị các phương án ứng phó với các sự cố hệ thống điện do bão, hoàn lưu sau bão gây ra.

- Tổng hợp báo cáo kịp thời về các sự cố hệ thống lưới điện.

6.3. Tổng cục Quản lý thị trường

Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 7 và hoàn lưu bão.

6.4. Vụ Thị trường trong nước

Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Sở Công Thương, các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, phục vụ công tác phòng chống thiên tai đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân, đặc biệt là các khu vực có thể bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra.

6.5. Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia:

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn lực duy trì chế độ trực 24/24h, đảm bảo chế độ liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và đơn vị truyền tải điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mọi tình huống, tuân thủ nghiêm quy định về điều độ hệ thống điện.

- Có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra trước bão, trong bão và hoàn lưu sau bão.

Yêu cầu các đơn vị ngành Công Thương thực hiện nghiêm túc Công điện này, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong công tác ứng phó thiên tai và tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. 

Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên báo cáo thông tin về Văn phòng Thường trực PCTT&TKCN Bộ Công Thương.

Công điện của Bộ NNPTNT chỉ đạo ứng phó bão YINXING

Chiều 6/11/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó với bão YINXING gần biển Đông.

Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cơn bão YINXING đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines).

Dự báo ngày 08/11 bão đi vào biển Đông với cường độ cấp 13, giật cấp 16. Đồng thời, trong những ngày vừa qua, khu vực miền Trung đã có mưa to đến rất to.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, mưa lớn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận:

Một là, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 48 giờ tới: Từ Vĩ tuyến 17,0-21,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh theo các bản tin dự báo).

Hai là, các tỉnh khu vực miền Trung khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả do mưa lũ trong thời gian vừa qua.

Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Ba là, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bốn là, các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, nguồn lực để triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả với diễn biến bão, mưa lũ.

Năm là, đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão, mưa lớn đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Sáu là, trực ban nghiêm túc (24/24 giờ), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Tin BÃO SỐ 7 (Bão YINXING); BÃO TORAJI và các chỉ đạo ứng phó- Ảnh 4.

Khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới

Trước đó, nhận định về diễn biến khí tượng thủy văn, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong 10 ngày đầu tháng 11/2024, có nhiều loại hình thái thời tiết nguy hiểm (áp thấp nhiệt đới) ảnh hưởng đến nước ta.

Theo ông Mai Văn Khiêm: Trong 10 ngày đầu tháng 11, ở vùng biển phía Nam Biển Đông có khả năng hình thành vùng xoáy thấp, gây ra tình trạng mưa dông và nguy cơ gió giật mạnh trên khu vực giữa và Nam của Biển Đông. 

Đồng thời, cũng không loại trừ trường hợp vùng xoáy thuận có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới làm gia tăng tình trạng thời tiết xấu ở khu vực giữa và Nam của Biển Đông.

Cùng với đó, trong những ngày tới, nước ta còn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, đáng kể nhất là đợt không khí lạnh tăng cường vào khoảng từ ngày 4-7/11 với cường độ mạnh, khiến khu vực Bắc và giữa của Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển tăng cao từ 2-4m, biển động mạnh.

Mưa lớn diện rộng, diễn biến phức tạp

Trên đất liền, từ ngày 3-10/11, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng tổ hợp của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn gồm: Vùng xoáy thấp ở Nam và giữa Biển Đông; ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường cộng với đới gió Đông hoạt động mạnh trên độ cao từ 1.500-5.000m. 

Đây là một hình thái thời tiết gây mưa đặc biệt lớn điển hình ở khu vực miền Trung.

"Chúng tôi dự báo đây là đợt mưa lớn trên diện rộng. Đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ lớn trên báo động 3 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi. 

Vùng mưa lớn không chỉ tập trung ở các tỉnh, thành (Hà Tĩnh đến Đà Nẵng) đã có mưa rất lớn trong những ngày qua và còn mở rộng ra phần phía Nam, cụ thể là từ Quảng Nam đến Phú Yên", ông Mai Văn Khiêm lưu ý.

Sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn. 

Trong đó nửa đầu tháng 11, mưa lớn tập trung nhiều ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12, mưa lớn tập trung nhiều từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.

Nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng

Theo ông Mai Văn Khiêm, trên đất liền khu vực Trung Bộ, từ ngày 26-30/10 đã xảy ra mưa rất lớn, các hồ đã tích thêm nước, đất đã bão hòa. 

Do vậy cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở khu vực này, kèm theo đó là tình trạng ngập úng diện rộng có khả năng xuất hiện.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai được ban hành theo quy định. Thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/.

Đồng thời, hướng dẫn các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, rà soát các điểm xung yếu lũ quét và sạt lở, tắc nghẽn dòng chảy trên sông, suối để kịp thời phòng tránh, ứng phó.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương rà soát, cung cấp thông tin về các khu vực, lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai để tổ chức dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai có hiệu quả theo quy định tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. 

Đôn đốc các chủ hồ chứa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về cung cấp số liệu quan trắc, thông tin vận hành, dự báo cho các đơn vị và cơ quan khí tượng thủy văn phục vụ công tác dự báo, cảnh báo theo quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông.

Chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung

Ngày 1/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện đề nghị các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Định chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 03/11 đến ngày 05/11, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm.

Từ ngày 06/11, mưa lớn có khả năng dịch xuống khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định và có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày; nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Tiếp theo văn bản số 8220/BNN-ĐĐ ngày 31/10/2024, để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Định:

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ bão số 6, nhất là tại các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng; chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ miền Trung trong 10 ngày tới

Ngày 31/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 8220/BNN-ĐĐ gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông và 13 tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Khánh Hoà, Gia Lai, Kon Tum về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ miền Trung trong 10 ngày tới.

Văn bản nêu rõ, trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 6 (bão TRAMI) khu vực Trung Bộ đã xảy ra mưa to đến rất to, cục bộ có nơi trên 1.000mm như Đỉnh Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 1.500mm, Hồ Sông Thai (Quảng Bình) 1.250mm, gây ngập lụt diện rộng. 

Theo thông tin dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn số 1297/TCKTTV-QLDB, từ ngày 03 đến ngày 10/11/2024, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn. 

Sau ngày 10/11/2024, mưa lớn ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn. 

Trong đó, nửa đầu tháng 11, mưa lớn tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12, mưa lớn tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ kéo dài trong những ngày tới, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành:

Một là, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ bão số 6, nhất là tại các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Các tỉnh/thành phố chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Hai là, rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. 

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Ba là, kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định.

Bốn là, rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Năm là, thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo về mưa lũ để chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Sáu là, các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát các phương án đảm bảo an toàn, hiệu quả với diễn biến mưa lũ.

Bẩy là, trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Bộ NNPTNT đề nghị các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện.


Tin xem thêm

Công điện của Thủ tướng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Chuyên mục UH Plus
21/12/2024 10:16

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Vượn cái Lucy là bằng chứng cho việc loài người tiến hoá đi bằng hai chân trước khi não phát triển

Chuyên mục UH Plus
20/12/2024 11:33

Vượn cái Lucy là bằng chứng cho việc loài người tiến hoá đi bằng hai chân trước khi não phát triển

Mối lo lạm phát dai dẳng đang “ám” các ngân hàng trung ương

Chuyên mục UH Plus
20/12/2024 11:29

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã cảnh báo rằng lạm phát có thể dai dẳng hơn dự báo và họ sẽ phải hãm bớt tốc độ giảm lãi suất trong năm 2025...

Ngân hàng tăng ca thứ 7, chủ nhật hỗ trợ cập nhật tài khoản trước hạn 1/1/2025

Chuyên mục UH Plus
20/12/2024 11:28

Một loạt ngân hàng như VietinBank, Agribank, Vietcombank,… mở cửa giao dịch ngày cuối tuần phục vụ khách hàng cập nhật thông tin giấy tờ tuỳ thân và xác thực sinh trắc họ...

Bộ Công an quy định tài xế không được lái xe quá 48h/ tuần

Chuyên mục UH Plus
20/12/2024 11:27

Theo quy định mới nhất của Bộ Công an, từ năm 2025, lái xe kinh doanh vận tải, xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên không lái xe quá 10 giờ/ ngày và quá 48 giờ/ tuần.

Từ năm 2025: Phân cấp quản lý, vận hành camera giao thông theo tuyến đường

Chuyên mục UH Plus
20/12/2024 11:25

Bộ Công an mới ban hành Thông tư 83/2024/TT-BCA trong đó quy định, từ 1/1/2025 sẽ phân cấp quản lý, vận hành hệ thống giám sát giao thông theo các tuyến đường.

Ai Thực Sự Đặt Chân Đầu Tiên Lên Châu Mỹ: Christopher Columbus hay John Cabot?

Chuyên mục UH Plus
19/12/2024 09:40

Ai Thực Sự Đặt Chân Đầu Tiên Lên Châu Mỹ: Christopher Columbus hay John Cabot?

Ancelotti là HLV thành công nhất lịch sử Real Madrid

Chuyên mục UH Plus
19/12/2024 09:37

Carlo Ancelotti khẳng định vị thế của mình trong lịch sử Real Madrid khi dẫn dắt đội bóng giành chức vô địch Intercontinental Cup 2024 rạng sáng 19/12.

Thời hạn cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe từ ngày 1/1/2025 là bao lâu?

Chuyên mục UH Plus
19/12/2024 09:36

Thời hạn cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe từ ngày 1/1/2025 được quy định tại Thông tư 79/2024/TT-BCA do Bộ Công an ban hành.