Trung Quốc chặn Boeing, thế "ngư ông đắc lợi" cho Airbus và máy bay nhà làm COMAC?

Trung Quốc đã ra lệnh cho các hãng hàng không nước này không được nhận thêm máy bay Boeing và ngưng mua trang thiết bị, phụ tùng liên quan đến máy bay từ các công ty Hoa Kỳ. Lệnh này được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa 125% đối với hàng hóa Mỹ hồi cuối tuần trước. Chỉ riêng mức thuế này đã làm tăng gấp đôi giá máy bay và linh kiện, phụ tùng được sản xuất bởi Hoa Kỳ, từ đó khiến các hãng hàng không Trung Quốc khó có thể nhận thêm máy bay Boeing. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng đang cân nhắc các biện pháp để hỗ trợ cho các hãng hàng không thuê máy bay Boeing và đang đối mặt với chi phí cao.
Sau động thái trên, cổ phiếu của Boeing đã giảm 3% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa trong khi Airbus tăng nhẹ 1%.
Boeing và thị trường Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường trọng điểm của nhiều hãng làm máy bay khi đóng góp một thị phần không nhỏ đối với nhu cầu máy bay thương mại toàn cầu. Quốc gia tỉ dân được dự đoán sẽ trở thành thị trường hàng không lớn nhất trên thế giới trong vòng 2 thập niên tới. Boeing ước tính nước này sẽ cần 8560 máy bay thương mại mới từ đây đến 2042 và số lượng máy bay thương mại của Trung Quốc có thể đạt đến 9700 chiếc vào năm 2043 nhằm đáp ứng cho nhu cầu đi lại có tỉ lệ tăng trưởng đến 5,9% mỗi năm.
Với riêng Boeing, Trung Quốc là thị trường đơn lớn thứ 2 chỉ sau Mỹ khi đang khai thác hơn 2000 chiếc máy bay Boeing bởi các hãng hàng không lẫn công ty cho thuê. Vào năm 2018, gần 25% máy bay xuất xưởng của Boeing được chuyển giao cho Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thì Boeing chưa có thêm đơn hàng mới từ Trung Quốc do căng thẳng thương mại và nhiều yếu tố khác.
Như đơn hàng 10 chiếc 737 MAX đang chuẩn bị giao cho các hãng hàng không China Southern Airlines, Air China và Xiamen Airlines, một số chiếc vẫn đang đậu gần nhà máy Boeing ở Seattle trong khi số còn lại đang được hoàn thiện tại một trung tâm ở Chu Sơn, miền đông Trung Quốc. Số máy bay này phần lớn đã hoàn tất thủ tục giấy tờ chuyển giao và thanh toán trước thời điểm Trung Quốc áp thuế trả đũa có hiệu lực vào ngày 12 tháng 4. Vì vậy một số người thạo tin cho rằng chúng vẫn được khai thác nhưng sẽ xét theo từng trường hợp. Ngoài ra, hãng hàng không Jueyao Airlines cũng đã hoãn tiếp nhận một chiếc Boeing 787-9 Dreamliner mà hãng này dự kiến sẽ nhận trong vòng 3 tuần tới.
Việc Trung Quốc ra lệnh cho các hãng hàng không trong nước ngưng nhận máy bay mới tạo ra thế khó cho Boeing khi nhà sản xuất máy bay Mỹ đang trải qua giai đoạn khủng hoảng. Bắt nguồn từ 2 vụ tai nạn của 737 MAX khiến dòng máy bay được xem là "cần câu cơm" của Boeing bị đình bay trên toàn cầu suốt 1 năm 8 tháng. Rắc rối chưa dừng lại khi Boeing liên tiếp phải ra điều trần, CEO từ chức, công ty đối mặt với các vụ kiện hình sự và mức đền bù lên đến hàng trăm triệu đô. Boeing tiếp tục bị phanh phui văn hóa làm việc độc hại, thiếu an toàn khi nhân viên không dám báo cáo sai phạm vì sợ mất việc và trả thù, người tố cáo thì bỗng dưng qua đời.
Vụ việc máy bay của Alaska Airlines bung vách khi đang bay như giọt nước tràn ly, buộc các nhà quản lý Hoa Kỳ phải giám sát chặt chẽ dây chuyền sản xuất của Boeing. Boeing đã phải rà soát toàn bộ dây chuyền, thay đổi các quy trình và văn hóa làm việc nhằm trở lại trạng thái "chậm mà chắc" thay vì "ưu tiên số lượng hơn chất lượng". Hiện tại dây chuyền sản xuất Boeing 737 MAX cho ra lò 31 chiếc mỗi tháng còn vào thời điểm 2019, mỗi tháng Boeing có thể xuất xưởng đến 52 chiếc.
Airbus “ngư ông đắc lợi”?
Tuy nhiên, cũng qua động thái siết hàng Mỹ của Trung Quốc mà chúng ta có thể thấy nước này vẫn phụ thuộc lớn vào các nhà cung cấp nước ngoài. Biểu đồ trên cho thấy các hãng hàng không Trung Quốc chủ yếu sử dụng máy bay của Airbus và Boeing.
Nếu không có Boeing thì dùng Airbus? Thật sự thì lệnh cấm Boeing đã đưa Airbus vào thế “ngư ông đắc lợi”. Tuy nhiên, Airbus cũng đang đối mặt với tình trạng sản lượng giảm vì nhiều lý do như thiếu hụt linh kiện, chuỗi cung ứng trì trệ và thiếu động cơ.
A320 vẫn là dòng máy bay chủ lực của Airbus tại Trung Quốc và cũng là dòng máy bay bán chạy nhất của hãng. Tính đến quý đầu năm 2025, máy bay phản lực thương mại thân hẹp với chủ yếu là các phiên bản A320 và A321 chiếm đến 90% trong tổng số 136 máy bay được hãng chuyên giao cho các hãng hàng không trên toàn cầu. Nhưng hiện tại hãng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt động cơ cả dòng LEAP-1A của CFM International (Pháp - Mỹ) lẫn PW1100G GTF của Pratt & Whitney (Mỹ). Cả 2 hãng làm động cơ này cũng đang gặp khó khăn trong sản xuất và các vấn đề về chất lượng. Airbus kỳ vọng sẽ có thể tăng sản lượng A320 lên 75 chiếc mỗi tháng vào năm 2027, hiện tại là 50 - 55 chiếc mỗi tháng.
Các dòng máy bay khác như A220 và A350 cũng gặp tình trạng tương tự. Các hãng hàng không lớn của Trung Quốc như China Eastern Airlines, China Southern Airlines và Air China đều đặt mua A350 thân rộng để phục vụ cho các chặng bay dài. Dây chuyền sản xuất A350 đang chậm lại, nguyên nhân lớn là do Spirit AeroSystems - từng là công ty con của Boeing, tách ra thành công ty độc lập vào năm 2005 và hiện đang chịu trách nhiệm sản xuất phần thân cho nhiều dòng máy bay trong đó bao gồm 737 MAX lẫn A220 và A350 của Airbus. Kể từ vụ bê bối của 737 MAX, đặc biệt là sau sự việc của Alaska Airlines thì Spirit AeroSystems cũng đang đối mặt với các cáo buộc về chất lượng. FAA đã tăng cường giám sát hoạt động sản xuất của Spirit AeroSystems, buộc công ty này tái cơ cấu và cải thiện vấn đề sản xuất từ đó khiến sản lượng của Spirit AeroSystems giảm sút.
Máy bay “nhà làm” Trung Quốc?
Những vấn đề của Boeing và Airbus sẽ mở ra cơ hội cho COMAC - Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc. C919 là dòng máy bay phản lực thương mại thân hẹp đang được Trung Quốc đặt kỳ vọng sẽ có thể cắn vào miếng bánh của Boeing và Airbus vốn lâu nay thống trị bởi 737 và A320. C919 được phát triển từ năm 2008 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2017.C919 được trang bị 2 động cơ LEAP-1C của CFM International và Trung Quốc cũng có kế hoạch nội địa hóa động cơ với dòng CJ-1000A do COMAC cho C919 trong tương lai. C919 có tầm bay tối đa 4075 km, phiên bản mở rộng tầm bay có thể đạt 5555 km và vận tốc hành trình ở Mach 0.785 (969 km/h).
Tuy nhiên, C919 có rất nhiều thành phần được sản xuất bởi các công ty nước ngoài. Hầu hết các hệ thống quan trọng như càng hạ cánh, radar, điện tử hàng không, động cơ, nhiên liệu ... Đều được cung cấp bởi các công ty của Mỹ và châu Âu (Hoa Kỳ xanh lam, châu Âu xanh lục, châu Á TBD vàng, Trung Quốc đỏ). Vì vậy nếu tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục leo thang thì không chỉ đội bay Boeing đang hoạt động mà cả chương trình C919 cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.