
Tác động của vi nhựa vẫn đang ngày càng lớn dần. Nhóm sinh vật mới nhất, quan trọng và phổ biến nhất trên Trái Đất bị ảnh hưởng bởi vi nhựa là thực vật. Một nghiên cứu mới cho thấy vi nhựa cản trở quá trình quang hợp ở nhiều loài thực vật, bao gồm cả những cây lương thực thiết yếu.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng sự hiện diện của vi nhựa (các hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm) có thể làm giảm quá trình quang hợp trung bình từ 7-12%. Ở cây trồng trên cạn, mức giảm dao động từ 6-18%, ở thực vật biển như tảo biển là từ 2-12%, và ở tảo nước ngọt là từ 4-14%. Việc thực vật tiếp xúc với vi nhựa không phải điều bất ngờ, nhưng điều làm các nhà khoa học ngạc nhiên là mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của chúng. Việc quang hợp giảm trên diện rộng như vậy có thể gây ra những tác động lớn đến nguồn cung lương thực toàn cầu.
Với tốc độ sản xuất nhựa và sự gia tăng ô nhiễm vi nhựa như hiện nay, trong 25 năm tới, nông dân có thể phải đối mặt với mức giảm sản lượng từ 4-13,5%/năm đối với các loại cây trồng chủ lực như bắp, lúa và lúa mì. Ngoài ra, sản lượng thủy sản có thể giảm tới 7% do hệ sinh thái dưới nước mất đi lượng tảo đóng vai trò nền tảng trong chuỗi thức ăn. Điều này không chỉ tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người.
Quang hợp suy giảm cũng có thể cản trở các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Khi thực vật quang hợp, chúng hấp thụ CO2 từ không khí và lưu trữ nó dưới dạng đường trong mô của mình. Hầu hết các mô hình khí hậu hiện nay giả định rằng thực vật sẽ tiếp tục hấp thụ carbon từ khí quyển với tốc độ ổn định trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, nếu lượng carbon bị giữ lại trong rừng, thảo nguyên và các rừng tảo biển ít hơn so với dự đoán, việc giảm tốc độ nóng lên toàn cầu sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Nghiên cứu mới càng nhấn mạnh sự cần thiết của một hiệp ước toàn cầu nhằm xử lý vấn đề về nhựa. Nhóm nghiên cứu ước tính rằng nếu giảm được lượng hạt nhựa trong môi trường hiện nay chỉ khoảng 13%, chúng ta có thể hạn chế tổn thất về quang hợp đến 30%. Các nỗ lực xây dựng một thỏa thuận quốc tế về nhựa đã diễn ra từ năm 2017, nhưng vòng đàm phán mới nhất tại Busan, Hàn Quốc, lại kết thúc mà không có một nghị quyết nào được thông qua.