
Theo nhà phân tích Ming-Chi Kuo, việc Apple chấp nhận mức thuế nhập khẩu 25% đối với iPhone bán tại Mỹ sẽ khả thi hơn về mặt tài chính so với việc di dời toàn bộ dây chuyền lắp ráp về Mỹ. Nhận định này được Kuo chia sẻ trên X trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump một lần nữa yêu cầu Apple sản xuất iPhone tại Mỹ và nói áp thuế 25% nếu không tuân thủ.
Kuo cho rằng, xét về lợi nhuận, việc Apple gánh thêm khoản thuế 25% cho iPhone bán tại thị trường Mỹ vẫn là lựa chọn tốt hơn so với việc chuyển các dây chuyền lắp ráp iPhone về nước. Phân tích này dựa trên quy mô và sự phức tạp của cơ sở hạ tầng sản xuất hiện tại của Apple, vốn đã dính rất sâu ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và gần đây là Ấn Độ.
Apple đang dựa vào một mạng lưới rộng lớn các nhà cung cấp và đối tác gia công như Foxconn, Pegatron. Các đối tác này vận hành những nhà máy quy mô lớn, được tối ưu hóa đặc biệt cho yêu cầu sản xuất của Apple. Những mối quan hệ này được xây dựng và tinh chỉnh qua 1 thời gian rất dài, cho phép Apple sản xuất iPhone với số lượng lớn và hiệu quả chi phí mà khó có thể làm tại Mỹ trong điều kiện hiện tại.
Mặc dù Mỹ là một trong những thị trường quan trọng nhất, vai trò của nước này trong việc lắp ráp iPhone khá hạn chế. Một số linh kiện như kính cường lực từ Corning có nguồn gốc từ Mỹ, nhưng công đoạn lắp ráp cuối cùng gần như hoàn toàn diễn ra ở nước ngoài. Việc chuyển quy trình này về Mỹ đòi hỏi đầu tư hàng tỷ đô vào cơ sở hạ tầng, nhân công và đào tạo, mà không có gì đảm bảo sẽ đạt được quy mô, cơ cấu chi phí hay tốc độ như các hoạt động hiện có ở châu Á.
Có thông tin cho rằng Apple dự định chuyển phần lớn sản lượng iPhone cho thị trường Mỹ sang Ấn Độ vào năm 2026, với mục tiêu hơn 60 triệu iPhone mỗi năm từ các nhà máy Ấn Độ trong 2 năm tới. Foxconn, đối tác lắp ráp chính của Apple, đang đầu tư 1,5 tỷ đô vào cơ sở hạ tầng sản xuất mới tại đây.
Trước đó, TT Donald Trump đã đăng trên Truth Social như sau: "Tôi đã thông báo từ lâu với Tim Cook của Apple rằng tôi kỳ vọng iPhone bán tại Mỹ sẽ được sản xuất và lắp ráp tại Mỹ, không phải Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác. Nếu không, Apple phải trả ít nhất 25% thuế cho Mỹ."
Nếu mức thuế này được áp dụng, đây sẽ là một động thái chưa từng có, có thể dẫn đến việc tăng giá bán lẻ iPhone đáng kể tại Mỹ. Công ty Wedbush ước tính việc chuyển sản xuất iPhone về Mỹ có thể làm tăng chi phí mỗi chiếc iPhone lên khoảng 3.500 USD.
Với hơn 120 triệu người dùng iPhone tại Mỹ và lượng iPhone xuất xưởng hàng năm tại thị trường này vượt 60 triệu chiếc, việc chịu mức thuế 25% vẫn được xem là gánh nặng tài chính nhỏ hơn so với chi phí vốn và khả năng vận hành khổng lồ khi phải dem chuỗi cung ứng châu Á về Mỹ. Sau bài đăng của ông Trump, giá trị Apple tụt xuống dưới 3000 tỉ USD.