Bộ trưởng công nghiệp Indonesia: Apple đầu tư 15 tỷ USD vào Việt Nam, cũng nên rót 1 tỷ vào Indo
Từ chối đề xuất đầu tư 100 triệu USD vào thị trường Indonesia của Apple, Rosan Roeslani, Bộ trưởng Đầu tư nước này vừa cho biết, phía chính phủ Indonesia kỳ vọng Apple sẽ đưa ra lời hứa đầu tư ít nhất 1 tỷ USD. Ông Roeslani tuyên bố tại một buổi họp với các nhà lập pháp nước này: “Bất kỳ ai hưởng lợi từ doanh số bán hàng tại thị trường Indonesia cũng sẽ phải đầu tư vào đây, tạo việc làm ở đây. Điều quan trọng là chuỗi giá trị toàn cầu được đưa về Indonesia như thế nào, bởi vì một khi một doanh nghiệp lớn sản xuất ở Indonesia, các nhà cung cấp sẽ theo sau.”
Tuyên bố này được đưa ra, sau khi Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết Apple đã đầu tư hơn 15 tỷ USD cho các cơ sở sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, còn trong khi đó Apple tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ rót 1.5 tỷ Rupiah, tương đương… 100 nghìn USD cho các học viện đào tạo các nhà phát triển ứng dụng tại Indonesia.
Hiện tại, dựa theo danh sách minh bạch chuỗi cung ứng chính thức từ phía Apple công bố hồi năm 2023, Indonesia chỉ có duy nhất một nhà cung cấp linh kiện công nghệ cho tập đoàn này. Còn trong khi đó, Malaysia có 19 đơn vị, Thái Lan có 24, Việt Nam có tới 35 đơn vị.
Đây là động thái mới nhất kể từ thời điểm cuối tháng 10 vừa rồi, khi chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm bán và sử dụng các mẫu iPhone 16 cùng các sản phẩm Apple ra mắt vào mùa thu năm nay, bao gồm cả Apple Watch Series 10 tại quốc gia này.
Quyết định cấm bán iPhone 16, rồi sau đó vài ngày là cấm tiếp Google Pixel 9 series của chính phủ Indonesia đến từ quy định thiết bị phải có ít nhất 40% tỷ lệ linh kiện hoặc phần mềm được sản xuất và phát triển trong nước.
Dẫn lời bộ trưởng công nghiệp Indonesia, ông Febri Hendri Antoni Arief: “Quy định nội dung nội địa và những quy định có liên quan được tạo ra để đảm bảo môi trường đầu tư công bằng cho tất cả các nhà đầu tư rót vốn vào Indonesia, và để tạo ra giá trị thặng dư, củng cố kết cấu ngành công nghiệp của đất nước.”
Để được bán thiết bị tại thị trường nước này, các hãng hoặc sẽ phải sử dụng nguồn linh kiện và thiết bị được phát triển nội địa, hoặc phải phát triển phần mềm hoặc firmware trong lãnh thổ Indonesia, hoặc bỏ vốn đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu phát triển sáng tạo công nghệ tại Indo. 40% linh kiện bên trong smartphone hay thiết bị công nghệ sẽ phải có nguồn gốc sản xuất tại đất nước này.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, hai lệnh cấm đối với Apple và Google được thực hiện chỉ 1 tuần sau lễ nhậm chức của tổng thống Subianto, và nó gửi đi tín hiệu rằng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hoàn toàn có thể áp dụng những biện pháp mạnh tay, sẵn sàng kiểm soát quy chế thương mại để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra cảnh báo rằng, chiến lược giúp biến Indonesia trở thành một cường quốc về hàng tiêu dùng hoàn toàn có thể phản tác dụng khi các quốc gia khác trong khu vực cũng đang có những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài.
Cụ thể hơn, những người phản đối những quy định như “40% nội dung nội địa” cho rằng những quy định này có thể gây ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của thị trường Indonesia. Thị trường này vốn đã đang gặp nhiều vấn đề như thủ tục hành chính rườm rà, nặng nề hơn thì là vấn đề tham nhũng, nếu đem nó so sánh với những quốc gia thân thiện hơn với vốn đầu tư nước ngoài hiện giờ như Việt Nam và Malaysia.
Lydia Ruddy, giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Indonesia cho biết: “Vì những quy định và chính sách như thế này, Indonesia sẽ bị ảnh hưởng khả năng cạnh tranh so với những quốc gia khác trong khu vực.” Bà cho biết thêm: “Nó sẽ trở thành thứ xua đuổi các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu họ không được phép nhập khẩu sản phẩm hay nguyên liệu họ cần, mà thị trường nội địa chưa có, các công ty sẽ tìm tới các thị trường khác trong khu vực.”
Những động thái gần đây của chính quyền tổng thống Prawobo cho thấy họ đang nhắm tới ngành công nghệ. Những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Widodo, các quan chức chính phủ Indonesia cho biết sẽ cấm những nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Temu hay Shein vì nguy cơ tiềm tàng mà chúng có thể gây ra tới những doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ không cạnh tranh nổi với hàng giá rẻ.