Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Tư, số liệu có thể ảnh hưởng tới quyết định lãi suất của Fed vào tuần tới...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (10/12), khi xu hướng tăng điểm cuối năm tạm chững lại trong bối cảnh nhà đầu tư chờ loạt số liệu lạm phát sắp công bố trong tuần này.
Dầu thô vững giá giữa lúc mối lo về biến động chính trị ở Syria dịu đi và xuất hiện những tia hy vọng mới về sự khởi sắc của nhu cầu dầu nhờ các biện pháp kích cầu ở Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, còn 6.034,91 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,25%, còn 19.034,91 điểm. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của cả hai chỉ số này.
Riêng chỉ số Dow Jones có phiên giảm thứ tư liên tiếp, với mức giảm 154,1 điểm, tương đương giảm 0,35%, còn 44.274,83 điểm.
“Sự tăng điểm trên thị trường đã thu hẹp trong tuần qua. Nhà đầu tư đang chờ xem liệu đó có phải đơn thuần chỉ là tình trạng suy yếu thường thấy của giá cổ phiếu vào giữa tháng 12 hàng năm hay không. Tôi cho rằng họ đang kỳ vọng sự tăng điểm sẽ sớm mở rộng trở lại, vì lịch sử cho thấy thị trường thường tăng bùng nổ vào cuối năm”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn biến động không đồng nhất trong phiên này. Oracle giảm 6,7% sau khi công ty phần mềm cơ sở dữ liệu công bố kết quả kinh doanh quý không đạt kỳ vọng của giới phân tích. Dù vậy, cổ phiếu Oracle đã tăng khoảng 68% trong năm nay.
Trong khi đó, cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ của Google - tăng 5,6% nhờ đạt bước tiến mang tính đột phá về điện toán lượng tử với việc công bố một con chip mới. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng hơn 32%.
Trước phiên giảm này, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai do cổ phiếu Nvidia sụt giảm. Phiên ngày thứ Ba, cổ phiếu Nvidia tiếp tục trượt hơn 2%, tiếp nối cú giảm của phiên đầu tuần do nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố đang tiến hành điều tra hãng sản xuất con chip này để làm sáng tỏ nghi vấn vi phạm luật chống độc quyền.
Cổ phiếu Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, tăng 1% trong phiên ngày thứ Ba sau khi giảm trong phiên ngày thứ Hai.
Hai phiên đầu tuần thiếu vắng các số liệu quan trọng về kinh tế Mỹ. Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Tư, số liệu có thể ảnh hưởng tới quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp vào ngày 17-18/12. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo CPI toàn phần tháng 11 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,05 USD/thùng, tương đương tăng 0,07%, đóng cửa ở mức 72,19 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,32%, chốt ở 68,59 USD/thùng.
Hôm thứ Hai, giá của hai loại dầu tăng hơn 1% do tin phe nổi dậy ở Syria lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Hiện tại, lực lượng nổi dậy đang nỗ lực thành lập một chính phủ mới và lập lại trật tự. Hoạt động sản xuất dầu của Syria cũng đang trở lại bình thường sau những ngày gián đoạn.
“Căng thẳng ở Trung Đông có vẻ đã được kiềm chế. Nhà đầu tư nhận thấy rủi ro thấp về biến động lây lan từ Syria ra khu vực và gây gián đoạn nguồn cung dầu”, chiến lược gia Yeap Jun Rong của công ty IG nhận định.
Syria không phải là một nước sản xuất dầu lớn, nhưng nước này có vị trí địa lý chiến lược và có mối quan hệ gần gũi với Nga và Iran.
Giá dầu hiện đang được hỗ trợ bởi khả năng Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tuần tới. Ngoài ra, giá dầu cũng được nâng đỡ bởi tuyên bố từ Trung Quốc rằng nước nà sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2025 và tăng cường kích cầu bằng chính sách tài khóa nhằm kích thích tăng trưởng.
Số liệu thống kê của Trung Quốc gần đây cũng cho thấy nhập khẩu dầu thô hàng tháng của nước này đã tăng trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng đầu tiên trong 7 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định sự tăng trưởng này “chủ yếu do nhu cầu tích trữ thay vì phản ánh sự cải thiện thực sự của nhu cầu”.