Nhập số điện thoại cần khôi phục mật khẩu.
Sam Altman trốn khỏi sự ồn ào của Silicon Valley bằng việc lui về một trang trại rộng lớn nằm ở cuối con đường quanh co, uốn mình qua những ngọn đồi phủ đầy vườn nho ở Napa Valley. Người đàn ông 40 tuổi, với mái tóc hơi rối bù trong căn bếp của ngôi nhà có cửa sổ vòm rộng rãi, bước thẳng vào bên trong. Ánh mắt ngạc nhiên của anh cho tôi biết rằng sự hiện diện của tôi không được báo trước. Hóa ra, tôi đến sớm gần một tiếng đồng hồ.
Trong "Bữa trưa với Financial Times", Altman đã đề nghị tự tay nấu một bữa ăn chay đơn giản tại trang trại thay vì gặp tác giả ở một nhà hàng do anh chọn, nơi anh có thể bị đám đông vây quanh để xin chụp ảnh chung.
Kể từ khi OpenAI, công ty do anh đồng sáng lập và điều hành, ra mắt chatbot dựa trên mô hình AI tạo sinh vào năm 2022, Altman đã trở thành một người nổi tiếng toàn cầu. Năm ngoái, anh kết hôn với bạn trai là một kỹ sư phần mềm, và họ vừa mới có một bé trai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, nên anh dành nhiều thời gian hơn ở trang trại Napa.
Xây dựng OpenAI
Altman đã xây dựng OpenAI thành một trong những công ty phát triển nhanh nhất từ trước đến nay, với giá trị vốn hóa được định giá ở mức trên 250 tỷ USD, cùng lúc đẩy nhanh cuộc đua khốc liệt giành quyền thống trị thị trường AI. Mục tiêu là tạo ra được trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), khi máy móc có thể vượt qua khả năng nhận thức của con người, không chỉ hấp thụ kiến thức mà còn suy luận và học hỏi độc lập.
Nhưng đó là một hành trình thăng trầm, ở đó Altman đã từng có thời điểm bị sa thải, để rồi lại được tái bổ nhiệm bởi chính công ty của mình. Góp thêm vào những tranh cãi chính là tính cách và cam kết của anh đối với sự phát triển an toàn của AI, khi bản thân anh và OpenAI phải đối mặt với những câu hỏi gay gắt.
Anh đã tranh cãi với Elon Musk, người đồng sáng lập OpenAI, và đôi co với Scarlett Johansson, người cáo buộc OpenAI sử dụng một giọng nói "rất giống" giọng của cô để huấn luyện chatbot. Sau khi vượt lên trước các đối thủ cạnh tranh có vị thế cao hơn, đặc biệt là Google, vốn đã dẫn đầu trong nghiên cứu AI từ lâu, anh đã được các tổng thống và thủ tướng săn đón và quyến rũ một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới.
Altman tràn đầy sự tự tin khi cuộc trò chuyện bao gồm từ các sản phẩm AI đến câu hỏi tồn tại về tương lai của AI mà một nhóm nhỏ các nhà công nghệ lạc quan đang dần dẫn dắt chúng ta tới, dù chúng ta thích hay không. Toát ra tham vọng, anh nghe như một người đàn ông tin chắc vào định mệnh của mình. Altman nói với tôi rằng anh đang có "công việc thú vị và có lẽ là quan trọng nhất trong lịch sử", và nếu như trước đây anh nghĩ AI quan trọng tương đương với cuộc Cách mạng Công nghiệp, giờ đây anh cho rằng “sự bùng nổ sáng tạo” là một phép so sánh phù hợp hơn.
Cuộc gặp với phóng viên Financial Times diễn ra ngay sau khi OpenAI cho ra mắt o3, một mô hình AI với khả năng suy luận và tạo ảnh được cải thiện đáng kể. Anh nói rằng đó là một bước quan trọng hướng tới việc tạo ra các tác nhân AI có thể thực hiện nhiệm vụ thay mặt con người, và tất cả các công ty AI hàng đầu đang nỗ lực theo đuổi điều này. “Mọi người đang nói rằng đây là trí thông minh ở mức thiên tài,” anh hào hứng nói.
Ngay sau khi mô hình mới được ra mắt, người dùng đã tràn ngập internet với những hình ảnh được tạo ra theo phong cách của hãng sản xuất phim hoạt hình Nhật Bản, Studio Ghibli. Điều này mang lại cho Altman và OpenAI một sự thúc đẩy về mặt tiếp thị tuyệt vời, nhưng đồng thời xu hướng ấy cũng làm nảy sinh các câu hỏi về việc sử dụng quá mức quyền sở hữu trí tuệ của người khác để huấn luyện mô hình AI và tạo ra nghệ thuật.
Altman nói rằng bồi thường cho các nghệ sĩ có thể là cần thiết, nhưng anh cho rằng, bản thân thích đưa công cụ đến với toàn thế giới, rồi sau đó tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi phát sinh.
“Có một số người nói rằng ‘tất cả tác phẩm tạo ra bằng AI đều tệ’, nhưng cũng có rất nhiều nghệ sĩ nói rằng ‘đây là công cụ tốt nhất từng được tạo ra, giống như sự phát minh ra máy ảnh’,” Altman nói. “Chúng tôi đồng ý rằng chúng ta cần một mô hình kinh doanh mới cho loại công cụ này, nhưng tương lai của nó sẽ như thế nào thì cộng đồng vẫn đang dần tìm hiểu. Tôi biết rằng chúng ta phải ngồi lại với nhau bàn luận một cách nghiêm túc để xác định AI nên được vận hành như thế nào.”
Sự nghiệp của Altman
Khi được hỏi về quá trình trưởng thành của anh để tìm ra những nguyên nhân tạo ra sự nổi tiếng của anh ở thời điểm hiện tại, Altman nói rằng không có gì cả: “Tôi chỉ là một cậu bé Do Thái mê công nghệ ở miền Trung nước Mỹ… Công nghệ khi ấy chưa phải thứ bùng nổ như bây giờ. Việc thích máy tính trong mắt bạn bè tôi là thứ hơi khác thường và kỳ dị. Và tôi chắc chắn không thể tưởng tượng được mình sẽ làm việc với công nghệ như ngày hôm nay.”
Là người con cả trong số bốn người con của một bác sĩ da liễu và một người làm bất động sản, Altman thuở nhỏ được đọc nhiều sách khoa học viễn tưởng, thích xem Star Trek và rất mê máy tính. Năm 2005, anh bỏ học đại học Stanford để đi làm khởi nghiệp, mở một mạng xã hội. Vào thời điểm đó, xu hướng phát triển AI vẫn còn ở trong giai đoạn vô cùng sơ khai: “Chúng ta có thể cho hệ thống nhìn thấy một nghìn bức ảnh mô tả những con mèo và một nghìn bức ảnh mô tả những chú chó, sau đó AI sẽ phân loại chính xác chúng.”
Không lâu sau đó, Altman đảm nhận vai trò giám đốc của Y Combinator, một vườn ươm cho các startup, đơn vị đã hỗ trợ dự án đầu tiên của anh. Altman vẫn còn ở đó khi OpenAI được thành lập vào năm 2015 với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận, có nhiệm vụ là trí tuệ nhân tạo tổng quát sẽ mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.
Musk, với cương vị là đồng sáng lập, đã tài trợ hàng chục triệu USD cho OpenAI. Nhưng sau đó Musk đã chia tay Altman và rời khỏi hội đồng quản trị vào năm 2018 trong một cuộc tranh chấp gay gắt nhất ở Silicon Valley. Musk, người đang phát triển một công ty AI đối thủ xAI, cáo buộc trong một vụ kiện rằng Altman đã đi chệch khỏi nhiệm vụ ban đầu khi OpenAI được thành lập.
Altman đã phản pháo lại: “Với tôi, lý do tại sao anh ta làm tất cả những điều này vô cùng rõ ràng. Ấy là vì anh ta đang cố gắng làm chậm đối thủ cạnh tranh, và anh ta không thích việc mình không giành chiến thắng trong lĩnh vực AI."
Musk có thể có động cơ cá nhân của riêng mình, nhưng cuộc tranh luận về cách “chiến thắng” trong ngành AI, thứ đòi hỏi sức mạnh tính toán và đầu tư khổng lồ, mà không làm suy yếu cam kết an toàn AI đã là thứ lâu nay khiến OpenAI bị chia rẽ. Sự rạn nứt âm ỉ ấy đã bùng nổ vào tháng 11/2023, khi 4 thành viên của hội đồng quản trị phi lợi nhuận đột ngột sa thải Altman, một thành viên hội đồng sau đó đã cáo buộc anh đã đưa ra thông tin sai lệch và trong một số trường hợp, đã không trung thực với hội đồng.
Altman rốt cuộc vẫn giành chiến thắng. Anh được tái bổ nhiệm chỉ vài ngày sau đó, sau khi hầu hết nhân viên đe dọa từ chức và Microsoft, lúc bấy giờ là nhà tài trợ tài chính lớn nhất của công ty, đề nghị thuê Altman và nhóm của anh về tập đoàn làm việc.
“Thực sự rất đau khổ và rất đáng xấu hổ khi sự việc này xảy ra, và không ai, kể cả tôi, thực sự biết tất cả về nó vào thời điểm đó. Tôi muốn ngồi trên một bãi biển để chữa lành, nhưng tôi phải tiếp tục điều hành công ty và bây giờ dọn dẹp một mớ hỗn độn khổng lồ.” Mớ hỗn độn đó, anh nói, bao gồm cả những lo ngại từ phía các khách hàng và nhà đầu tư, với những câu hỏi liệu rằng họ có thể tin tưởng vào công ty hay không.
Tái cơ cấu OpenAI
Drama ấy đã dẫn đến sự ra đi của một số nhà nghiên cứu giỏi nhất của OpenAI, và để lại những câu hỏi còn bỏ ngỏ về Altman. Nhưng nó cũng củng cố vị thế của Altman với tư cách là người đứng đầu công ty, với một hội đồng quản trị mới ủng hộ anh hoàn toàn.
Tham vọng của Altman cũng đã mở rộng. Đầu năm nay, anh xuất hiện trong một sự kiện thu hút sự chú ý khác, cùng với Donald Trump để thông báo về liên doanh hợp tác với SoftBank của Nhật Bản, qua đó họ sẽ huy động hàng trăm tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng AI, bao gồm cả trung tâm dữ liệu.
Nhưng trong khi Altman đã thay đổi cách kể chuyện xung quanh nhiệm vụ của OpenAI khi tiềm năng thương mại của nó trở nên rõ ràng hơn, những nỗ lực thay đổi cấu trúc công ty thành một mô hình kinh doanh vì lợi nhuận truyền thống hơn đã gặp phải sự phản đối. Đáng kể nhất là những nỗ lực ngăn chặn từ Elon Musk cũng như từ các chuyên gia AI. Những người phản đối khẳng định rằng công ty vẫn cần phải nằm dưới sự giám sát của hội đồng quản trị của mảng phi lợi nhuận để thực hiện nhiệm vụ phát triển thứ công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả nhân loại.
Altman được đặt câu hỏi, rằng liệu anh có học được điều gì từ cuộc đảo chính thất bại năm 2023 hay không. Một lời chỉ trích nhắm vào Altman, là anh thường có xu hướng nói những gì mọi người muốn nghe, cái gì nghe xuôi tai với công chúng là được. Bản thân Altman cũng thừa nhận là anh thích tránh xung đột, và anh đã phải nhanh chóng học cách điều hành một công ty phức tạp như vậy. “Trong hai năm qua, chúng ta đã trải qua sự tăng trưởng tương đương tốc độ của một công ty bình thường trong 15 năm.”
Với tư cách là một người rất năng động trên mạng xã hội và, theo lời anh mô tả chính bản thân mình, là “phòng ban marketing” của OpenAI, anh tạo ra một dòng tin tức liên tục. Không phải lúc nào nó cũng có lợi. Một ví dụ là gần đây, anh đã bị lôi vào cuộc tranh cãi với chị gái ruột, khi người này cáo buộc anh lạm dụng tình dục cô khi còn nhỏ. Những người thân trong gia đình ủng hộ sự phủ nhận của anh, và Altman nói rằng anh vừa cảm thấy thương hại vừa bối rối về một người chị gái “đã trải qua những thời khắc khó khăn”.
Altman tuyên bố rằng tính cạnh tranh không phải là một đặc điểm định nghĩa con người của anh. “Tôi có phải là một ngoại lệ so với các CEO công nghệ khác về mặt thích ganh đua hay không?”. Ấy vậy nhưng anh lại thích nói về việc giành chiến thắng. Altman thừa nhận rằng anh đã cân nhắc việc tranh cử thị trưởng California, hay cách yêu thích của anh để mô tả phạm vi tiếp cận của ChatGPT không phải là con số 800 triệu người dùng, mà là “10% dân số thế giới”.
Nhưng rốt cục thì cuộc đua cạnh tranh quan trọng đến mức nào? Trong khi Silicon Valley đang đổ rất nhiều đầu tư vào AI, DeepSeek, một startup Trung Quốc, đã cho ra mắt một mô hình được phát triển với ngân sách hạn chế hồi đầu năm nay. Điều đó cho thấy các mô hình AI đang trở nên dễ tiếp cận dưới hình dạng những hàng hóa công nghệ, và lợi thế công nghệ của Mỹ so với Trung Quốc đang giảm sút.
OpenAI sẽ phát triển ra sao?
Và OpenAI sẽ mang lại lợi nhuận đầu tư khổng lồ như thế nào?
Altman gợi ý về mục tiêu tối thượng của mình, nhưng mô tả nó chỉ là một ý tưởng hấp dẫn: Khi gói cước ChatGPT trở thành AI cá nhân, thông qua đó người dùng đăng nhập vào các dịch vụ khác. “Bạn có thể chỉ cần lấy mô hình AI, thứ sau này sẽ dần dần hiểu rõ hơn về bạn theo thời gian, có dữ liệu của bạn bên trong và được cá nhân hóa hơn, để bạn có thể sử dụng nó ở bất cứ đâu. Đó sẽ là một nền tảng rất tuyệt vời.”
Tại sao xã hội nên tin tưởng một nhóm nhỏ những cá nhân làm việc trong ngành AI đưa ra quyết định cho tương lai? Với một câu trả lời khó có thể thuyết phục tất cả mọi người, anh nói rằng những người đang phát triển công nghệ đang “cam kết giải quyết những lo ngại cấp bách, đi kèm với việc tạo ra một thứ công nghệ có trách nhiệm”.
Sự tiến bộ của AI đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, đến mức từng có một số chuyên gia ủng hộ việc làm chậm lại cho đến khi có các chuẩn mực và quy định quốc tế được thiết lập. Hai năm trước, Altman cũng đã ký một tuyên bố với những nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực, đưa ra khuyến cáo rằng “việc giảm thiểu rủi ro đối với nhân loại từ AI nên là ưu tiên toàn cầu, bên cạnh các rủi ro quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân”.
Altman khẳng định rằng anh không thay đổi suy nghĩ và sẽ có những khoảnh khắc cần phải tạm dừng cuộc chạy đua nghiên cứu phát triển. Hiện tại, anh hài lòng với việc OpenAI cho ra mắt các công cụ để mọi người thử nghiệm và đánh giá rủi ro. “Thế giới cần biết về AI, thế giới cần tham gia vào quá trình nó được phát triển, một cách vô cùng tích cực. Chúng tôi sẽ tham gia bằng cách cho người dùng của chúng tôi giúp chúng tôi đưa ra quyết định nên có những giới hạn nào, giống như học hỏi những giá trị chung, chức năng và sở thích của mọi người,” Altman nói.
Một số tiến bộ của quá trình nghiên cứu AI khiến anh lo lắng. Sau khi ra mắt tính năng ghi nhớ cho phép AI ghi nhận hành vi của người dùng trong quá khứ, anh đã nghe được về các trường hợp người dùng trở nên quá phụ thuộc về mặt cảm xúc vào AI. “Mọi người nói rằng đây là người bạn thân mới của tôi, bạn không thể xóa phiên bản này, tôi cần thứ này…” Anh chắc chắn rằng xã hội sẽ tìm ra cách điều hướng cách AI phát triển, nhưng đó là một điều mới xảy ra, và chúng ta có thể tưởng tượng được rất nhiều cách mà nó có thể đi sai hướng.
Đáng báo động hơn, là một tương lai nơi các tác nhân AI tự giao tiếp với nhau mà không cần chỉ dẫn của con người. Altman giải thích rằng có lẽ không phải là một tác nhân tạo ra các tác nhân khác mà là một hệ thống AI tốt đến mức, đáng tin cậy đến mức, về cơ bản chúng sẽ kiểm soát những gì con người làm. “Mô hình AI trở nên tốt hơn so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng.” Điều này nghe quá kỳ lạ, khiến chính bản thân Altman cũng có vẻ hoảng sợ trước lời nói của mình.
Infographic: Tổng lượt truy cập của top 10 công cụ tìm kiếm vs top 10 chatbot AI
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2025, chốt phân bổ 44.000 tỷ đồng chi chế độ cho cán bộ nghỉ sau tinh gọn, và 6.6...
Ảnh chụp Messier 81, thiên hà xoắn ốc có màu hồng
Starbase: Nơi đặt trụ sở SpaceX được công nhận là 1 thành phố
Từ 15h ngày 15/5: giá xăng dầu tăng 340-420đ/lít
Theo chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 16/5 Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường thảo luận về các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có dự thảo Nghị quyết về mộ...
Tổng hợp tin Android tuần từ 1/5-14/5: Samsung lộ One UI 8, Google công bố Material 3 Expressive
Một công ty Mỹ phát triển pin lưu huỳnh giúp UAV bay lâu hơn 3 tiếng
FT trò chuyện với Sam Altman: "o3 là trí tuệ nhân tạo ở tầm cỡ thiên tài"
nội dung mới