Google tự đề xuất những giải pháp xoa dịu lo ngại độc quyền, sau khi thua kiện bộ tư pháp Mỹ

Hôm thứ 6 vừa rồi, Google đã đưa ra những giải pháp do chính tập đoàn nghĩ ra để giải quyết những lo ngại độc quyền từ nhà quản lý thuộc chính phủ Mỹ, sau khi họ thua kiện trước bộ tư pháp Mỹ.
Tháng 8 vừa rồi, thẩm phán tòa án liên bang, ông Amit Mehta đã đưa ra phán quyết rằng Google có dấu hiệu độc quyền thị trường công cụ tìm kiếm trực tuyến, thông qua những thỏa thuận và những khoản tiền mà Google trả cho những tập đoàn như Apple và Samsung để những thiết bị và ứng dụng chọn Google làm công cụ tìm kiếm mặc định, từ trình duyệt web cho tới smartphone. Đưa ra giải pháp chống độc quyền, trong tháng 11 vừa rồi, các nhà quản lý thuộc bộ tư pháp Mỹ đã đề xuất với tòa án, rằng tập đoàn Alphabet cần làm một số việc để giải quyết vấn đề độc quyền, trong đó quan trọng nhất là yêu cầu Google thoái vốn mảng trình duyệt Chrome của họ.
Đến giờ, Google mới đưa ra giải pháp do chính họ nghĩ ra. Điều khó tin nhất là, Google đề nghị thẩm phán Mehta cho phép họ tiếp tục trả tiền cho những tập đoàn và đơn vị phát triển, từ Apple tới Samsung để công cụ tìm kiếm trực tuyến của họ tiếp tục được các hãng lựa chọn làm công cụ tìm kiếm mặc định. Đổi lại, những thỏa thuận với các tập đoàn sẽ bớt những điều khoản nghiêm ngặt hơn trước.
Lấy ví dụ, đối với Apple, theo phó chủ tịch phụ trách vấn đề quản lý của Alphabet, Lee-Anne Mulholland, vẫn là những thỏa thuận nơi Google trả Apple hàng chục tỷ USD mỗi năm, nhưng giờ Apple được phép chọn những trình duyệt khác để người dùng iPhone hay iPad lựa chọn.
Tương tự như vậy, đề nghị của Google đối với những nhà sản xuất smartphone lớn trên thế giới, hiện đang sử dụng HĐH Android của họ, là các hãng cũng có thể cài sẵn nhiều công cụ tìm kiếm trực tuyến, cũng như cho phép cài đặt những ứng dụng của Google, mà không phải cài công cụ tìm kiếm của họ trong smartphone Android hoặc ứng dụng trợ lý AI Gemini.
Bà Mulholland cho biết: “Chúng tôi không đưa ra những đề xuất thay đổi này một cách dễ dàng. Nhưng cùng lúc, chúng tôi tin rằng những đề xuất ấy giải quyết đầy đủ những phán quyết của tòa án, không gây nguy hiểm cho quyền riêng tư và an ninh mạng của người dân Mỹ, hay gây tổn hại tới vị thế dẫn đầu ngành công nghệ của Mỹ.”
Cũng theo vị phó chủ tịch phụ trách những vấn đề liên quan tới quản lý thị trường này, cho dù thẩm phán Mehta có đưa ra phán quyết như thế nào về số phận của tập đoàn Alphabet vào năm 2025, họ cũng sẽ kháng cáo lên cấp tòa án liên bang cao hơn.
Những gì thẩm phán Mehta đưa ra để giải quyết những cáo buộc độc quyền thị trường tìm kiếm trực tuyến của Google hoàn toàn có thể định hình lại toàn bộ cơ cấu của tập đoàn trị giá 2.35 nghìn tỷ USD này. Suy rộng hơn một chút, toàn bộ nền kinh tế số của nước Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung cũng có thể bị ảnh hưởng.
Năm ngoái, hơn nửa tổng doanh thu của Alphabet đến từ hiển thị quảng cáo trực tuyến trên những kết quả tìm kiếm mà công cụ Google đem lại cho hàng tỷ người trên toàn thế giới, cũng như những mảng kinh doanh có liên quan. Bản thân Alphabet cũng gắn liền với tìm kiếm trực tuyến tới mức, Google giờ đã trở thành một động từ để mô tả hành động tìm kiếm thông tin trên mạng internet mà mọi người sử dụng.
Những nỗ lực tránh khỏi những đề xuất chống độc quyền mà bộ tư pháp Mỹ đã đưa ra hồi tháng 11 vừa qua có thể tạo ra một tiền lệ cho nhiều vụ kiện chống độc quyền khác đang và sẽ diễn ra, khi những nhà quản lý thị trường các nước lớn tìm cách phá vỡ quyền lực kiểm soát hay thậm chí là thao túng cả thị trường của những tập đoàn công nghệ khổng lồ.
Những vụ kiện đó có thể kể tới việc bộ tư pháp Mỹ kiện Apple với cáo buộc độc quyền thị trường thiết bị và hệ sinh thái ứng dụng số. Một vụ kiện khác dự kiến sang năm sẽ diễn ra, nơi ủy ban thương mại liên bang đưa Meta ra tòa, với cáo buộc thương vụ mua lại WhatsApp và Instagram là những hành vi kìm hãm sự phát triển của những đối thủ cạnh tranh để bảo vệ vị thế độc quyền thị trường dịch vụ trực tuyến của tập đoàn chủ quản Facebook. Thứ ba, FTC cũng đã khởi kiện Amazon, với cáo buộc tập đoàn này có những hành vi bất hợp pháp để bảo vệ vị thế độc quyền trên thị trường thương mại điện tử và bán lẻ qua mạng. Thứ tư, FTC đang tiến hành điều tra Microsoft vì lo ngại tập đoàn này độc quyền thị trường máy chủ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Bộ tư pháp Mỹ không chỉ khởi kiện Google một lần. Vài tuần nữa, thẩm phán tòa án liên bang dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cho vụ kiện thứ hai, nơi Google bị cáo buộc độc quyền thị trường quảng cáo trực tuyến.
Còn với vụ kiện độc quyền tìm kiếm trực tuyến, trọng tâm của bài viết này, nó đã được bộ tư pháp Mỹ đưa ra tòa từ năm 2020, ở thời điểm nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Donald Trump. Thẩm phán Amit Mehta đưa ra phán quyết đồng tình với bộ tư pháp Mỹ.
Trong quá trình xử kéo dài 10 tuần diễn ra vào năm 2023, các luật sư của bộ tư pháp Mỹ cáo buộc rằng Google đã chặn những công cụ tìm kiếm trực tuyến khác đạt được thỏa thuận với Apple, Mozilla, Samsung cùng nhiều tập đoàn lớn khác. Từ đó, Google tự động trở thành công cụ tìm kiếm mặc định khi hàng tỷ người trên toàn thế giới mở smartphone hay trình duyệt để tìm kiếm thông tin trên mạng internet.
Tính tổng cộng, theo tài liệu được công khai trước tòa án, Google trả 26.3 tỷ USD cho các tập đoàn công nghệ chỉ trong năm 2021 để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên vô vàn những chiếc điện thoại và máy tính.
Luật sư của Google phản bác quan điểm của bộ tư pháp Mỹ, rằng những thỏa thuận kể trên không vi phạm luật chống độc quyền. Người dùng chọn Google đơn giản vì nó là công cụ tìm kiếm trực tuyến tốt hơn, tìm kiếm thông tin tốt hơn hẳn so với Bing của Microsoft hay DuckDuckGo.
Hồi tháng 11, bên cạnh yêu cầu Alphabet thoái vốn mảng trình duyệt Google Chrome, bộ tư pháp Mỹ còn đưa ra đề xuất cho rằng Alphabet sẽ phải thoái vốn cả mảng hệ điều hành di động Android nếu Google vẫn còn áp đặt những yêu cầu cài đặt mặc định ứng dụng và dịch vụ của họ lên những chiếc smartphone chạy HĐH này.
Và đương nhiên, như đã nói, Google cũng bị yêu cầu ngừng hoàn toàn những thỏa thuận và thương vụ với các đối tác như các tập đoàn công nghệ, những nhà sản xuất smartphone hay những nhà phát triển phần mềm để giữ Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên những sản phẩm hàng tỷ người trên toàn thế giới đang sử dụng hàng ngày.
Chính quyền Mỹ cũng cho rằng, Google có thể sẽ phải thoái vốn bất kỳ khoản đầu tư nào mà tập đoàn đã đổ vào nghiên cứu sản phẩm và công nghệ AI, thứ có thể cạnh tranh với công cụ tìm kiếm trực tuyến. Đây là giải pháp được đưa ra để ngăn chặn việc Google có được lợi thế độc quyền từ sớm đối với thứ công nghệ vẫn còn đang ở thời điểm tương đối sơ khai.
Hôm thứ 6 vừa rồi, Google đưa ra quan điểm kêu gọi thẩm phán Mehta chọn con đường hẹp và đơn giản hơn để giải quyết những lo ngại độc quyền thị trường của các nhà quản lý Mỹ. Bên cạnh việc đưa ra cơ hội để những công cụ tìm kiếm trực tuyến khác có thể cạnh tranh để trở thành công cụ mặc định trong các thiết bị và trình duyệt, Google nói thêm rằng những đơn vị như Apple và Mozilla sẽ được phép đổi trình duyệt mặc định 12 tháng một lần.
Trong bài viết đăng tải trên blog của Google, họ mô tả đây là những “cơ chế bền bỉ” để đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý cũng như của tòa án liên bang, nhưng cùng lúc không “trao cho chính phủ quyền lực quá lớn để ép buộc thay đổi trải nghiệm trực tuyến của người dùng.”
Theo Google, những thay đổi mà họ đề xuất chỉ mất 3 năm là sẽ phát huy tác dụng. Còn những đề xuất của bộ tư pháp Mỹ sẽ mất cả thập kỷ để hoàn tất:
“Tốc độ sáng tạo trong ngành tìm kiếm trực tuyến là vô cùng ấn tượng, và có đủ lý do để tin rằng, sự phát triển của ngành trí tuệ nhân tạo hiện nay có thể liên tục thay đổi sản phẩm và dịch vụ điện toán trực tuyến.”
Google cho rằng, chính phủ Mỹ đã tìm kiếm phán quyết từ thẩm phán theo kiểu “vượt quá hành vi độc quyền thị trường đã được phát hiện tại tòa.” Họ dẫn một ý kiến được tòa án liên bang đưa ra từ năm 1955, cho rằng kể cả khi một công ty bị phát hiện đã vi phạm luật chống độc quyền, thì tòa án cũng không có “quyền để triển khai những biện pháp kiểm soát toàn diện hành động kinh doanh của bị đơn.”