Quốc hội tiếp tục thảo luận các Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại; họp riêng về cơ chế đặc thù TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa…
|
Hôm nay 21/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. |
‘Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất;
Sau đó, Quốc hội họp riêng, thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa;
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương;
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.
* Về việc thống nhất chủ trương thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, thông qua đó để bảo đảm sự nhất quán, kế thừa chính sách đã được thực hiện trước đây, đã được quy định tại Luật Nhà ở năm 2005, Luật Đất đai năm 2003 và 2013.
Hai là, để tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại (dưới quy mô khu đô thị): Từ ngày 01/7/2015 thì Luật Nhà ở năm 2014 quy định khác với Luật Đất đai, theo đó điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại là đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác; trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng thì phải là đất ở.
Quy định này tiếp tục được kế thừa tại điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai năm 2024; làm bó hẹp các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại dưới quy mô khu đô thị, nhất là tại các khu vực mới, khu vực chưa có đất ở.
Trên thực tế, hạn mức giao đất ở qua các thời kỳ đối với hộ gia đình, cá nhân cao nhất là 400m2 còn lại là đất nông nghiệp trong cùng thửa đất nên nếu nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu dân cư cũng không thực hiện được.
Bên cạnh đó, phần lớn các dự án bất động sản đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở và quy hoạch chi tiết của dự án cũng gồm nhiều loại đất khác nhau như đất ở, đất giao thông, đất cây xanh,… nên quy định tại điểm b khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai là không triển khai được trên thực tế.
Ba là, tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao do một phần nguyên nhân là việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư còn khó khăn.
Vì vậy, cần mở rộng điều kiện được nhận chuyển quyền sử dụng các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, góp phần hạn chế khiếu kiện của người dân; đảm bảo công bằng trong tiếp cận đất đai giữa các nhà đầu tư, giữa các địa phương, duy trì ổn định nguồn cung về nhà ở thương mại, góp phần phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
| Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp Vụ Sáng 20/11, tại Trụ sở Bộ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao quyết định bổ ... |
* Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Dược hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016, thay thế cho Luật Dược năm 2005, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam, cơ bản phù hợp với sự phát triển của ngành dược trong xu thế hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra đã làm bộc lộ ra những bất cập của Luật Dược hiện hành, hậu quả dẫn đến một số quy định không còn phù hợp với thực tế; điển hình dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế trong giai đoạn vừa qua tại các cơ sở y tế là mối quan tâm hàng đầu đối với người dân, đòi hỏi phải tháo gỡ ngay các khúc mắc về cơ chế để đảm bảo các yêu cầu, vượt qua những thách thức từ thực tế.
Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với 5 chính sách lớn, 15 nội dung hợp phần và 29 giải pháp đặt ra để nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quá trình thực hiện Luật Dược trong giai đoạn vừa qua. Tại kỳ họp, đã có 81 ý kiến phát biểu ở Tổ, Hội trường và có 5 ý kiến góp ý bằng văn bản.
Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn ý kiến để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tháng 8. Đồng thời gửi xin ý kiến tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 22/10, Quốc hội đã có phiên thảo luận về dự thảo Luật với 11 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, đặc biệt trong đó có 8 đại biểu trong ngành y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, đồng thời cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, đa số ý kiến đại biểu đều hướng đến tính hiệu quả, khả thi của việc sửa đổi luật, nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý dược, đấu thầu mua sắm thuốc, đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời và giá cả hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi, ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghiệp dược.
Dự kiến trong ngày hôm nay, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.