Thông tin chưa chính thức được đưa ra, là gã khổng lồ ngành xe Nhật Bản, Honda đã bắt đầu quá trình đàm phán để sáp nhập với Nissan, tập đoàn đang gặp không ít những khó khăn trong kinh doanh. Mục tiêu của thương vụ sáp nhập này là nhằm mục đích cải thiện tình hình kinh doanh xe ô tô điện, giữa lúc những cái tên Nhật Bản đang gặp phải sự cạnh tranh càng lúc càng gay gắt từ những thương hiệu xe điện Trung Quốc.
Cùng lúc, hãng tin Central News Agency của Đài Loan cũng cho biết rằng Foxconn, đơn vị lắp ráp thiết bị công nghệ khổng lồ của Đài Loan, tập đoàn đang có tham vọng mở rộng kinh doanh vào cả ngành ô tô điện, họ đang có những động thái liên hệ và bàn thảo với tập đoàn Renault, với mục đích mua lại cổ phần Nissan mà tập đoàn xe hơi Pháp đang nắm giữ.
Hiện tại, tình hình chi tiêu và nhu cầu ảm đạm của thị trường tiêu dùng, kết hợp với sự cạnh tranh càng lúc càng gay gắt ở nhiều thị trường chiến lược đang khiến nhiều hãng xe hơi gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, những thương hiệu xe nước ngoài đang tỏ ra hụt hơi trước những cái tên như BYD, với những chiếc ô tô điện được chính phủ trợ giá, một phần trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng và giao thông xanh của Trung Quốc.
Bằng chứng của sự hụt hơi đó, là năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu xe hơi lớn nhất thế giới. Giữa lúc nhiều thị trường tập trung vào mảng ô tô điện trước khi có dấu hiệu suy giảm nhu cầu trong năm 2024, thì các hãng xe Nhật Bản vẫn chỉ tập trung vào công nghệ hybrid, kết hợp cả động cơ đốt trong với động cơ điện.
Hệ quả, không ít những tập đoàn xe phương Tây đang gặp rất nhiều khó khăn, từ Volkswagen cho tới Stellantis. Nhưng hồi tháng 11 vừa qua, tập đoàn Nissan có thể coi là một trong số những tập đoàn xe phải hứng chịu tác động nghiêm trọng nhất, khi họ phải công bố cắt giảm 9 nghìn việc làm.
10 năm qua, Nissan đã cố gắng hết sức để lèo lái cả tập đoàn vượt qua rất nhiều những khó khăn, bao gồm cả sự kiện CEO Carlos Ghosn bị bắt giữ vào năm 2018, để rồi vị giám đốc gốc Lebanon này trốn khỏi Nhật Bản trong thùng nhạc cụ theo cách chẳng thua gì phim ảnh vào cuối năm 2019.
Thế nhưng vận may của Nissan đến giờ có lẽ không giúp ích được gì nhiều cho họ nữa. Tháng trước, họ thông báo lợi nhuận kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 giảm tới 93% so với cùng kỳ 2023. Họ cũng đang phải chịu khoản nợ hàng tỷ USD, trong vòng 2 năm nữa là tới thời điểm đáo hạn. Vì lý do đó, thương vụ sáp nhập với Honda sẽ là tin tức tuyệt vời đối với Nissan.
Nhưng cùng lúc, có vẻ như những tập đoàn khác cũng đang nhận ra cơ hội.
Foxconn vốn là đơn vị gia công thiết bị công nghệ cho nhiều tập đoàn, đáng chú ý nhất chính là những nhà máy lắp ráp iPhone cho Apple. Trước đó, tập đoàn này đã thất bại trong việc mua lại cổ phần của tập đoàn Nissan. Nhưng theo thông tin mới nhất, Jun Seki, một cựu giám đốc Nissan, hiện đang làm việc cho mảng xe điện của Foxconn, đang trong chuyến công tác ở Pháp, để hỏi mua 35% cổ phần Nissan mà Renault đang nắm giữ.
Người phát ngôn của Honda trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, rằng thương vụ sáp nhập với Nissan đúng là “một trong số những khả năng hợp tác” giữa hai tập đoàn. Theo truyền thông Nhật Bản, có khả năng ngày 23/12 tới, cuộc họp chính thức đầu tiên bàn về thương vụ sáp nhập giữa Honda và Nissan sẽ được thực hiện. Hai tập đoàn hiện đang đứng thứ 2 và thứ 3, sau Toyota tại Nhật Bản này hồi tháng 3 đã có thỏa thuận hợp tác chiến lược về phần mềm cũng như phụ tùng ô tô điện.
Đến tháng 8, Mitsubishi Motors, cái tên mà tập đoàn Nissan đang nắm giữ đa số cổ phần, cũng tham gia sáng kiến hợp tác chiến lược này. Theo Tatsuo Yoshida của Bloomberg Intelligence: “Chi phí phát triển xe điện và pin xe điện càng lúc càng tăng, kết hợp với nhu cầu tái chế và sử dụng lại pin là hai yếu tố nhấn mạnh sự cần thiết của những thỏa thuận hợp tác, với mục tiêu hạn chế rủi ro và giảm thiểu áp lực về mặt tài chính đối với mỗi tập đoàn.”
Còn theo Seiji Sugiura, nhà phân tích tại Tokai Tokyo Intelligence Laboratory, thương vụ sáp nhập nếu thành công sẽ giúp Honda “hưởng lợi từ quy mô vận hành, thông qua việc giảm chi phí và tăng số mẫu xe bán ra thị trường.”
Nếu Honda và Nissan sáp nhập, họ sẽ trở thành tập đoàn ô tô lớn thứ 3 toàn cầu, xếp sau Toyota và Volkswagen. Cả ba thương hiệu Honda, Nissan và Mitsubishi trong 6 tháng đầu năm 2024 đã bán được 4 triệu xe. Con số này của riêng Toyota là 5.2 triệu xe.
Hiện tại dù đã tạm dừng bán ô tô điện, với những mẫu như Honda e do ế khách, nhưng Honda vẫn đặt ra mục tiêu 100% ô tô bán ra thị trường đều là xe điện vào năm 2040. Nhưng thử thách mà Honda phải vượt qua là công nghệ. Thỏa thuận hợp tác với General Motors để phát triển xe điện chung với Honda đổ bể. Còn thương hiệu Afeela mà Honda hợp tác cùng Sony ra mắt mẫu xe concept tại CES 2023 thì chưa được thương mại hóa.
Còn trong khi đó, dù đi trước cả thị trường, với chiếc Leaf thuần điện vào năm 2010, Nissan vẫn chưa thể trở thành một trong những cái tên lớn trong ngành ô tô điện toàn cầu.
Tuy nhiên, thương vụ sáp nhập giữa Honda và Nissan, xét trên khía cạnh tình hình kinh doanh của cả hai tập đoàn, chắc chắn không phải một mối quan hệ công bằng. Giá trị vốn hóa của Honda ước tính 41.2 tỷ USD, còn của Nissan chỉ khoảng 10.5 tỷ USD. Ông Yoshida cho rằng: “Với điều kiện tài chính yếu kém hơn của Nissan, Honda có thể sẽ có nhiều quyền quyết định hơn trong việc thiết lập hội đồng quản trị của tập đoàn mới.” Cùng lúc, quá trình đàm phán sáp nhập sẽ vô cùng khó khăn.
Đối với mối quan hệ đôi khi ẩn chứa đầy những xung đột giữa Nissan với Renault, thương vụ sáp nhập giữa Nissan với Honda sẽ chấm dứt mối quan hệ kéo dài vài chục năm kể từ 1999 này. Năm ngoái, Renault cho biết sẽ bán bớt cổ phần Nissan mà họ đang nắm giữ để cân bằng lại liên minh Renault–Nissan–Mitsubishi.
Theo ông Yoshida: “Không giống mối quan hệ đầy rắc rối và bất đồng giữa Renault và Nissan, sự ổn định về mặt tài chính cũng như tập trung phát triển công nghệ của Honda có thể tạo ra quan hệ hợp tác phù hợp hơn cho Nissan.”